Phụ nữ - người giữ hồn văn hóa dân tộc thiểu số

31/03/2015
Việc thêu dệt, may mặc, làm đồ ăn, chuẩn bị đồ thờ cúng hay hát, múa… hàng ngày của phụ nữ cho thấy họ phần nào đó giữ hồn văn hóa của cả một dân tộc, là hành phần quan trọng, trực tiếp gìn giữ, lưu truyền nét đẹp truyền thống của dân tộc mình

Đến với các bản làng vùng cao, cách nhanh nhất và đơn giản nhất để nhận biết một cộng đồng dân tộc là nhìn vào trang phục của những phụ nữ. Bởi đa số phụ nữ các dân tộc thiểu số vẫn mặc váy áo truyền thống của dân tộc mình trong sinh hoạt hàng ngày, trong khi nam giới hầu như không còn giữ được nét văn hóa này. Và để hiểu sâu hơn về một tộc người, nhìn vào các hoạt động hàng ngày của phụ nữ, như: thêu dệt, may mặc, làm đồ ăn, chuẩn bị đồ thờ cúng hay hát, múa… sẽ thấy phần nào đó hồn văn hóa của cả một dân tộc. Vì vậy, phụ nữ chính là thành phần quan trọng, trực tiếp gìn giữ, lưu truyền nét đẹp truyền thống của dân tộc mình. Và tôi gọi họ là những người giữ hồn dân tộc.

Bất kể thời điểm nào trong năm, đến các bản làng của người Mông, Lào, Dao, Thái hay Xạ Phang… đều dễ dàng bắt gặp hình ảnh các chị, các cô, các bà cặm cụi cùng mớ đồ khâu vá, thêu thùa dưới hiên nhà, bên ruộng cày ải và cả trên nương cao… Đôi bàn tay của họ ít khi nào ngơi nghỉ. Tranh thủ lúc nông nhàn, thời gian rảnh rỗi, đôi bàn tay ấy khéo léo đưa những đường kim, mũi chỉ để làm ra những chiếc khăn, váy, áo, giày hay chăn, gối phục vụ cho gia đình. Có những nơi, có những dân tộc, phụ nữ mua vải về tự trang trí, cắt may theo mẫu hoa văn, kiểu dáng truyền thống của tổ tiên. Nhưng vẫn còn nhiều nơi tự trồng lanh, trồng bông, nuôi tằm để lấy sợi, lấy tơ dệt vải, rồi tự tay nhuộm chàm, làm tất cả các công đoạn dù kỳ công và mất nhiều thời gian đến mấy. Những bộ váy áo đó, khi đã thành phẩm không chỉ đẹp bởi họa tiết, màu sắc mà còn đẹp bởi mang sự tần tảo, cần mẫn bao tháng ngày của người phụ nữ, mang trọn vẹn nét văn hóa cổ truyền của dân tộc.

 Ảnh minh họa
Thường thì khi hơn 10 tuổi, các bé gái đã bắt đầu tập làm trang phục truyền thống, đồ dùng cá nhân cho chính mình. Như những người phụ nữ dân tộc Dạo sống bên bờ sông Đà ở xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa. Từ nhỏ, đã vui chơi bên những vuông vải, giỏ kim chỉ của mẹ, của chị, để rồi, công việc như truyền đời này của người phụ nữ trở nên thuần thục với họ từ khi nào cũng không nhớ rõ. Chỉ biết khi đã làm giỏi, làm đẹp rồi thì họ mới đi lấy chồng. Cứ như vậy, trang phục dân tộc được truyền cho đời con, đời cháu.

Bên cạnh những cộng đồng dân tộc bảo tồn tốt trang phục truyền thống của mình thì cũng không thể phủ nhận rằng ở nhiều nơi, các trang phục đặc trưng như vậy không còn được thấy nhiều. Họ mặc những bộ quần áo như người Kinh trong mọi hoạt động thường ngày. Tuy vậy, nét xưa vẫn còn được lưu lại trong các lễ tết cổ truyền. Đặc biệt, đối với phụ nữ, những ngày này, họ lại xúng xính váy, áo thổ cẩm tham gia các nghi thức của tổ tiên. Dù không thường xuyên sử dụng nhưng mỗi người phụ nữ vẫn giữ cho mình ít nhất một bộ trang phục truyền thống, để dù cuộc sống có đổi thay, qua bao năm, con cháu vẫn không quên nét đẹp đặc trưng của dân tộc.

 Ảnh minh họa
Ngoài những bộ trang phục thì những làn điệu dân ca, những điệu múa còn được lưu giữ cũng là nhờ có những người phụ nữ chắt chiu gìn giữ, lưu truyền từ đời này qua đời khác. Không có lớp học mà các lời ca, nhịp múa thấm sâu vào mỗi người con của dân tộc qua những câu hát ru của mẹ từ thuở thơ bé, những bài hát vui sản xuất khi theo chân các mẹ, các chị lên nương rẫy, các câu hát mừng vui cùng những điệu múa uyển chuyển, rộn ràng trong tiếng nhạc cụ đặc trưng của dân tộc mỗi dịp lễ tết, cưới xin của bản làng. Với thời gian, có lẽ, nhiều làn điệu, bài múa đã bị mai một nhưng cũng không ít những bài ca múa truyền thống vẫn được các chị em phụ nữ hướng dẫn nhau tập luyện, không chỉ để tạo không khí tưng bừng trong những dịp vui của bản mà còn biểu diễn trên sân khấu cho người dân nhiều nơi và du khách thưởng thức.

Không chỉ gìn giữ trang phục hay câu ca, điệu múa như đã kể trên, phụ nữ các dân tộc còn là người trực tiếp tham gia vào các hoạt động bảo tồn văn hóa từ những việc nhỏ nhất, là những công việc giản đơn hàng ngày, như: trang trí nhà cửa, làm đồ ăn thức uống, những món ăn truyền thống cho cả gia đinh… Bởi vậy, họ cũng là người đã tô điểm cho những nét đẹp ấy thêm đậm đà, bền vững. Tuy nhiên, những việc này hầu hết đều được thực hiện mang tính chất đơn thuần phục vụ cuộc sống, nếu những người phụ nữ dân tộc được quan tâm nâng cao hiểu biết, nhận thức về việc bảo tồn văn hóa truyền thống, tạo điều kiện thực hiện các hoạt động như trên thì tin rằng việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc sẽ không còn gặp nhiều khó khăn.

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video