Phụ nữ làm báo - trên tất cả là đam mê

21/06/2018
Phụ nữ làm báo - đã khẳng định được mình không hề thua kém đồng nghiệp nam giới cả về sự đam mê cũng như chuyên môn. Nhưng làm sao để cân bằng cuộc sống, giữa gia đình, hạnh phúc riêng tư và trách nhiệm của một người làm báo? Làm sao có thể thu xếp ổn thỏa để trở thành người vợ, người mẹ, phóng viên, nhà báo được tôn trọng?...

Trên tất cả vẫn là đam mê

Không ít người cho rằng, nghề báo như món quà kỳ diệu của cuộc sống, đẹp như mơ và luôn là màu hồng của vinh quang nghề nghiệp; được đi đây đó nhiều và chẳng phải bó buộc bởi 8 tiếng một ngày như người ta.

Tuy nhiên, để có những bài báo nóng hổi, sắc sảo và thực tế, đòi hỏi người làm báo phải đi nhiều, lăn lộn với cơ sở. Ngoài áp lực về chất lượng, người làm báo còn bị sức ép cả về mặt thời gian để đảm bảo tính thời sự. Nhiều đêm, khi mọi người chìm vào giấc ngủ, bấy giờ họ mới lọ mọ bật máy kỳ cạch gõ phím cho kịp ngày mai báo lên trang, đặt dấu chấm hết cho bài viết của mình thì gà đã gáy canh hai, canh ba, thậm chí đã hết đêm. Với phụ nữ chúng tôi, chọn nghề báo là đã gánh lên vai một gánh nặng, một đầu là áp lực công việc, là trách nhiệm đối với bạn đọc, với xã hội... còn đầu kia là gia đình riêng, trách nhiệm làm vợ, làm mẹ, nuôi dạy con. Bên cạnh sự thi vị và đầy lãng mạn kia, nghề báo còn rất gian truân, vất vả, với những thử thách hiểm nguy của nghề.

Ở Nghệ An, “trung tâm” báo chí của vùng Bắc Trung bộ, có một toà soạn báo khá đặc biệt. Ở đó “chủ soái” là nữ, các “chiến binh” cũng hầu hết là nữ. Mỗi tuần một số báo nhưng áp lực công việc mà cán bộ, phóng viên ở đây không vì thế mà nhẹ nhàng hơn những tòa soạn khác. Là tờ báo được “đóng đinh” bằng những bài viết chống tiêu cực, bởi vậy công việc cũng chịu không ít khó khăn, trở ngại. Các chị đã và đang làm tất cả những công việc của một nhà báo. Họ đã khẳng định được mình không hề thua kém đồng nghiệp nam giới cả về sự đam mê cũng như chuyên môn, nghiệp vụ báo chí.

Chị Diệp Thanh - làm việc tại Báo Lao động Nghệ An được gần 5 năm - chia sẻ: “Vào nghề này tôi thấy mình từng bước trưởng thành, từng ấy thời gian cũng đủ giúp tôi có cái nhìn đa chiều hơn về cuộc sống những người xung quanh”.

Và trải nghiệm khi được sống với nghề!

Gần 15 năm ra trường cũng là từng ấy năm lăn lộn với chữ nghĩa, chưa bao giờ tôi không trăn trở với những câu hỏi đơn giản là phải viết gì, viết như thế nào, viết cho ai?… và để trả lời cho hết thì giống như duyên nợ, không dứt ra được để rồi sau mỗi bài viết lại là động lực giúp tôi yêu và gắn bó với nghề hơn. Bởi tôi hiểu một điều, nghề nào cũng có vinh quang và cay đắng, nghề làm báo còn khắc nghiệt hơn bởi tính chất nghề nghiệp, cần đến bản lĩnh, sự trung thực, dũng cảm và lòng nhân ái nên đòi hỏi các phóng viên, nhà báo, nhất là nữ như chúng tôi phải không ngừng tự hoàn thiện mình.

Nghệ An có những vùng miền núi cách thành phố tới 3-4 trăm cây số. Chuyến công tác của chúng tôi nhiều khi bắt đầu từ 3h sáng và sau 2 đến 3 ngày trở về thì gà cũng báo sang canh. Phải đi từ sáng sớm như vậy mới tranh thủ lên tới nơi bắt đầu giờ làm việc, nhiều hôm lạc giữa rừng đến 2-3h chiều mới ra được thị trấn ăn trưa. Chúng tôi là con gái nhiều lúc cũng thấy mình liều lĩnh, đã có những chuyến đi xa lên tận miền biên giới, nhờ cán bộ bản dẫn đi vào tới những nơi bàn chân người chưa đặt tới, chỉ nghe tiếng suối và tiếng líu lo của chim rừng… Thế nhưng, những vất vả khó khăn đó không làm cho những phóng viên nữ chúng tôi chùn bước, trái lại, làm chúng tôi thêm hăng hái lên đường, bởi không đi là không thể có phóng sự hay, không đi là sẽ “cùn” (chúng tôi hay đùa nhau như thế). Cũng có những nhà báo nữ như chúng tôi, do “hậu phương” không hiểu, không cảm thông, đã không trụ được với nghề đành chọn một nhánh rẽ để có thời gian dành cho gia đình nhiều hơn.

Có nhiều khó khăn nhưng chúng tôi cũng có lợi thế khi là nhà báo nữ - nhờ sự dịu dàng, cởi mở, đầy tình cảm... dễ thâm nhập vào thực tế, cảm nhận đa chiều hơi thở cuộc sống và nhạy cảm với các vấn đề đang xảy ra; rất dễ dẫn dắt nhân vật vào câu chuyện để khai thác thông tin, thậm chí những thông tin nhạy cảm. Nghề báo khiến cho chúng tôi thêm thực tế khi nhìn nhận bản thân, nhìn nhận cuộc sống xung quanh, để tự điều chỉnh và cân bằng cuộc sống theo chiều hướng tốt đẹp nhất.

Nhà báo Bích Huệ - Cơ quan Thông tấn xã Việt Nam thường trú ở Nghệ An cho biết: Khi đã dấn thân vào nghề này, tôi hiểu nghề hơn, yêu nghề hơn, chúng tôi đã có những tác phẩm nhiều cảm xúc và chất lượng… Nếu không yêu, không đam mê với nghề, sẽ không thể có được vinh quang của người làm báo.

http://baocongthuong.com.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video