Phụ nữ không nên cam chịu bị bạo hành

09/01/2008
Nhiều trường hợp phụ nữ bị chính những ông chồng hoặc người yêu của mình bạo hành tình dục với những hành vi rất dã man như: xát ớt vào quần lót của vợ, bạo dâm, cưỡng ép vợ khi vợ ốm... nhưng không dám nói.

Đại dịch HIV/AIDS ngày một lan tràn và đặc biệt, tỷ lệ phụ nữ nhiễm HIV không ngừng gia tăng. Điều tra tại nhiều nước trên thế giới đã chỉ ra mối liên hệ giữa bạo lực đối với phụ nữ và HIV/AIDS với những bằng chứng cho thấy, phụ nữ là nạn nhân của bạo lực, đặc biệt là bạo lực của tình dục, dễ đối mặt với nguy cơ nhiễm HIV và ngược lại, những phụ nữ mang HIV dương tính có nguy cơ bị bạo hành, kỳ thị và phân biệt đối xử nhiều hơn.

Ngày 6/12, Viện Nghiên cứu và Phát triển xã hội (ISDS) và Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) tổ chức hội thảo Bạo lực tình dục và nguy cơ lây nhiễm HIV.

15 ngày mắc bẫy và nỗi đau suốt đời

Đó là câu chuyện của một phụ nữ có tên S. được ghi lại trong cuốn sách: "Bạo lực tình dục và nguy cơ nhiễm HIV - bằng chứng từ những số phận". Người phụ nữ này đã phải chịu cảnh giày vò cả về thể xác lẫn tinh thần chỉ sau một ngày bị mắc bẫy.

18 tuổi, thi trượt đại học lại bị người yêu ruồng rẫy, buồn chán, cô gái đã đi chơi Quảng Ninh với một người bạn rồi không ngờ bị đưa thẳng sang Trung Quốc. 15 ngày ở xứ người là 15 ngày cô sống trong nỗi đau bị hành hạ về thể xác.

May mắn cho S., cô đã được một người đàn ông giải thoát và đưa về Việt Nam. Thời gian qua đi, vết thương tưởng như đã lành. Năm 2000, S. thi đỗ vào Khoa Tạo dáng công nghiệp chuyên ngành Thiết kế thời trang, Viện Đại học Mở Hà Nội.

Năm 2003, S. lập gia đình với mọi thứ suôn sẻ. Nhưng đến cuối năm, khi vào viện sinh con cô mới biết mình đã có HIV. Gia đình chồng đã chửi mắng S. thậm tệ vì cho rằng cô không chung thuỷ. Đứa con của cô cũng không thoát được căn bệnh nan y.

Chồng S. đã bỏ cô đi lấy người khác. Hằng đêm, S. vật vã, đau khổ với nỗi đau bị có HIV và ánh mắt khinh miệt của gia đình chồng.

Trung tâm CSAGA còn tiếp đón rất nhiều trường hợp phụ nữ bị chính những ông chồng hoặc người yêu của mình bạo hành tình dục với những hành vi rất dã man như: xát ớt vào quần lót của vợ, bạo dâm, cưỡng ép vợ khi vợ ốm hay không chịu sử dụng bao cao su để phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm HIV ở gái bán dâm...

Nhưng tất cả những hành vi đó đều chỉ được "thì thầm" chứ chưa bao giờ công khai, thậm chí nhiều phụ nữ phải nhẫn nhục chịu đựng, giấu kín bởi họ xấu hổ, e ngại do rào cản về các chuẩn mực về giới vẫn tồn tại trong xã hội hiện đại.

Cần thoát khỏi những mặc cảm

Tại buổi hội thảo, các chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực này cũng đưa ra sự cấp thiết phải đề cập đến mối liên hệ giữa bạo lực tình dục và HIV/AIDS là do dịch HIV đang có xu hướng nữ hoá. Hiện nay, trên thế giới có 17 triệu phụ nữ và 18,7 triệu nam giới độ tuổi 15-49  có HIV, trên 60% nhóm tuổi 15-24 có HIV là nữ.

Hiện nay, Việt Nam đã có khung pháp lý khá hoàn thiện để bảo vệ quyền của phụ nữ, đó là: Luật Phòng chống HIV/AIDS, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Dân sự, Luật Bình đẳng giới và Luật Phòng chống bạo lực gia đình (ban hành 11/2007, có hiệu lực từ tháng 7/2008).

Tuy nhiên, để quyền của người phụ nữ được thực hiện theo đúng luật thì phải xoá được các trở ngại xã hội, đó là việc dám công khai các vấn đề từ trước tới nay vẫn cho là nhạy cảm, là chuyện riêng tư. Phụ nữ phải vượt qua thách thức để phá vỡ sự im lặng về bạo lực, dám nói công khai những điều mà bấy lâu vẫn giữ kín trong lòng.

Các địa chỉ hỗ trợ nạn nhân của bạo hành:

CSAGA: 1900585830; Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ phụ nữ, tại Bệnh viện Đức Giang, quận Long Biên (HN), điện thoại 04.8776625; Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ phụ nữ, tại Trung tâm Y tế Đông Anh (HN): 04.9654355; Nhà tạm lánh của Trung tâm Phụ nữ phát triển tại 20 Thụy Khuê (HN): 04.7280936./.

Việt Hà (CAND)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video