Phụ nữ khởi nghiệp thời Covid-19: Thách thức, khó khăn và cơ hội

10/07/2020
Trong số trên 90 ngàn doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ... Đây cũng chính là những ngành bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19 trong thời gian vừa qua
Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp của Hội LHPN tỉnh Quảng Bình (nguồn ảnh: https://www.baoquangbinh.vn/)

Dịch Covid-19 đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng, tác động nặng nề đến kinh tế - xã hội toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Phần lớn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng trực tiếp trong nhiều tháng qua, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Doanh thu của các doanh nghiệp năm 2020 dự báo bị sụt giảm mạnh, thậm chí thua lỗ. Khó khăn về thị trường, nguồn thu, dòng tiền đã khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải sử dụng các biện pháp liên quan đến lao động: gần 30% doanh nghiệp cắt giảm lao động; trên 21% doanh nghiệp cho lao động nghỉ không lương và gần 19% doanh nghiệp giảm lương lao động. Đã có khoảng 5 triệu người lao động bị mất việc, nghỉ việc không lương, giãn việc gia tăng, thu nhập bị giảm mạnh do đại dịch[1].

Trong số trên 90 ngàn doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ... Đây cũng chính là những ngành bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp hoạt động sản xuất, kinh doanh và bị đứt gãy một số chuỗi cung ứng về nguyên liệu đầu vào và tiêu thụ đầu ra của sản phẩm.

Tính chung 6 tháng đầu năm, cả nước có hơn 62 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 697,1 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 507,2 nghìn lao động, giảm 7,3% về số doanh nghiệp, giảm 19% về vốn đăng ký và giảm 21,8% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Trong bối cảnh đất nước vừa đối mặt với dịch bệnh, vừa duy trì hoạt động sản xuất, GDP cả nước tăng trưởng 1,81% trong 6 tháng đầu năm 2020[2].

Mặc dù hiện nay, tình hình dịch bệnh ở nước ta có những tín hiệu khả quan, tuy nhiên trên thế giới, Covid -19 vẫn đang tiếp tục hoành hành, diễn biến hết sức phức tạp, kéo dài… Do đó, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp, đặc biệt những doanh nghiệp có đầu vào, đầu ra phụ thuộc vào thị trường quốc tế, tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu như dệt may, da giầy, du lịch, hàng không, nhà hàng, khách sạn, logistics… 

Nhiều giải pháp đã được các doanh nghiệp áp dụng để khắc phục những tác động tiêu cực của dịch bệnh như cắt giảm chi phí sản xuất, tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên vật liệu thay thế, thị trường tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là khai thác thị trường trong nước, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh… 

Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đắk Lắk hỗ trợ vốn vay khởi sự kinh doanh- khởi nghiệp cho phụ nữ (nguồn ảnh VOV.vn)

Đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt, đặc biệt phụ nữ khởi nghiệp nhìn nhận, đánh giá lại năng lực, khả năng thích ứng trước biến cố thị trường, cơ cấu lại nguồn nguyên vật liệu, khách hàng và tìm ra hướng đi mới chủ động hơn, xây dựng phương án đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh. Thời điểm này cũng là cơ hội để các doanh nghiệp có thể tập trung đổi mới trang thiết bị, công nghệ với chi phí rẻ hơn; đồng thời liên kết mạng lưới cung ứng trong nước, giảm lệ thuộc vào nước ngoài, nâng cao chất lượng, giảm giá sản phẩm dịch vụ để tận dụng cơ hội chiếm lĩnh và củng cố thị phần. Đồng thời, tận dụng một số hiệp định thương mại tự do mới được ký kết và chính thức có hiệu lực, tạo lợi thế cho các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Có thể nói, tác động từ dịch Covid-19 tạo ra nhận thức, xu hướng chuyển dịch mới trong thị hiếu người tiêu dùng, nhiều ngành nghề kinh doanh trực tuyến mới dựa trên nền tảng số xuất hiện... tạo ra thay đổi về nhu cầu đối với một số sản phẩm, dịch vụ thiết yếu như chế biến thực phẩm, y tế, hoá dược phẩm, chuyển đổi số, logistics… đem lại cơ hội thị trường mới cho phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo, bứt phá. 

Một số gợi ý đối với các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ khởi nghiệp khắc phục những khó khăn, tiếp tục tái cơ cấu sản xuất, duy trì và phát triển các dự án khởi nghiệp trong và sau mùa dịch:

- Cần làm tốt công tác dự báo, sẵn sàng thay đổi phương thức sản xuất kinh doanh, cách thức quản lý điều hành doanh nghiệp để thích ứng với rủi ro có thể xảy ra trong tương lai.

- Ứng dụng công nghệ số trong các vấn đề về kế toán, quản trị tài chính, quy trình vận hành, xây dựng và tối ưu hóa các công cụ tự động hoá sản xuất kinh doanh...

- Các doanh nghiệp cần liên kết, thiết lập chuỗi cung ứng tiêu thụ sản phẩm nhằm mở rộng, tạo tính cạnh tranh trên thị trường; Cùng nhau xây dựng cộng đồng sản xuất kinh doanh, tiêu dùng có trách nhiệm, an toàn, bền vững.

- Tận dụng các chính sách ưu đãi của Chính phủ về thủ tục thành lập doanh nghiệp, hỗ trợ thuế, vốn vay để doanh nghiệp nhanh chóng tham gia thị trường.

- Đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trong nước thông qua thiết lập kênh bán hàng online, xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử, các điểm tiêu thụ kết nối sản phẩm chất lượng cao tại các tỉnh/thành.


[1] Nguồn Bộ KHĐT

[2] Nguồn Bộ KHĐT

Tam Điệp, Ban Kinh tế TW Hội

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video