Phụ nữ huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa): Thoát nghèo nhờ sử dụng hiệu quả các nguồn vốn

15/09/2011
Từ năm 2006 đến 2011, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) có 1.328 phụ nữ nghèo làm chủ hộ được LHPN huyện giúp đỡ nguồn vốn phát triển kinh tế và thoát nghèo, hàng nghìn PN khác cũng được Hội cho vay vốn làm ăn hiệu quả. Hiện với nguồn vốn Hội quản lý hơn 67 tỷ đồng. Công tác này đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện từ 16,25% năm 2006 xuống còn 10,37% năm 2011.

Theo Hội LHPN huyện Vạn Ninh, những năm qua, đời sống của PN nông thôn trên địa bàn huyện, đặc biệt là ở các vùng kinh tế mới, miền núi còn gặp nhiều khó khăn. PN phải chịu nhiều áp lực do gánh nặng gia đình, ít có điều kiện để nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp. Vì thế, chất lượng lao động nữ còn thấp, thậm chí nhiều chị em chưa có việc làm, hoặc việc làm không ổn định, thu nhập thấp và bấp bênh. Chính vì vậy, Hội PN đã luôn sát cánh cùng chị em bằng cách vận động nguồn vốn từ các cơ sở Hội và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay để tạo điều kiện cho chị em vay vốn. Nhờ có nguồn vốn ban đầu, các chị có cơ hội phát triển sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi, tạo nguồn thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình.

Từ năm 2006 đến nay, phong trào PN giúp nhau phát triển kinh tế gia đình đã vận động được 2.619 chị giúp cho 1.855 chị có hoàn cảnh khó khăn với số tiền trên 1,8 tỷ đồng và 147 chỉ vàng, 1.796 con heo giống, 10.793kg thóc giống, 200 con cá giống, 2 vạn con ốc hương, 46 con tôm hùm giống, 17.824 ngày công lao động… để các chị có điều kiện phát triển sản xuất ban đầu. Phong trào thi đua giúp đỡ PN nghèo có địa chỉ, các cấp Hội cơ sở đã vận động hơn 856 triệu đồng, giúp đỡ 3.417 lượt PN nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Mô hình: “Tổ PN tiết kiệm” trong các chi, tổ PN cũng được duy trì và phát triển tốt. Qua đó, Hội đã xây dựng 773 tổ PN tiết kiệm với 8.876 thành viên tham gia, đóng góp hơn 902 triệu đồng, giúp nguồn vốn cho 1.179 chị. Bên cạnh đó, Hội còn tranh thủ sử dụng và khai thác có hiệu quả các nguồn vốn vay tín chấp và nguồn vốn từ các dự án, chương trình dành cho PN. Hiện nay, tổng số nguồn vốn Hội đang quản lý và giám sát đã tăng lên hơn 67 tỷ đồng, cho hơn 45 nghìn lượt chị vay phát triển kinh tế, với số vốn xoay vòng lên đến 200 tỷ đồng.

Để hỗ trợ sử dụng có hiệu quả nguồn vốn huy động và nguồn vốn vay, song song với hoạt động cho vay, giúp đỡ nguồn vốn ban đầu, Hội còn phối hợp với Trung tâm Khuyến nông, Câu lạc bộ Khuyến nông, Trường Trung cấp Nghề mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt như: trồng các loại giống cây trồng mới lai tạo có năng suất cao, chọn giống và lai tạo đàn bò, kỹ thuật đan lát mây tre lá, kiến thức phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm… thu hút gần 11 nghìn lượt chị em tham dự. Kết quả, 1.328 PN nghèo làm chủ hộ đã vươn lên thoát nghèo, góp phần đáng kể vào công tác xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện năm 2006 là 16,25%, đến nay giảm còn 10,37%.

Nhằm phát huy những kết quả đạt được, tránh tình trạng ứ đọng nguồn vốn và cho vay không đúng đối tượng, mục đích sử dụng, giai đoạn 2011 - 2016, Hội PN huyện đã chỉ đạo các cơ sở Hội thực hiện rà soát, nắm vững địa chỉ cụ thể từng hộ nghèo ở mỗi chi, tổ hội ngay từ đầu nhiệm kỳ. Từ đó đề ra chỉ tiêu kế hoạch và có giải pháp hỗ trợ cụ thể, phù hợp với hoàn cảnh từng nhà và mục đích sử dụng. Bên cạnh đó, Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, khuyến khích tính chủ động, ý chí vươn lên trong tầng lớp PN nghèo và tinh thần giúp đỡ PN khác thoát nghèo trong các cấp Hội. Ngoài ra, Hội sẽ có trách nhiệm tham gia có hiệu quả vào quá trình triển khai các chính sách, đề án, chương trình mục tiêu phát triển kinh tế, dạy nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ giảm nghèo của Chính phủ và địa phương để tạo mọi điều kiện cho PN nghèo có cơ hội vươn lên, tham gia sản xuất, tăng thu nhập. Phấn đấu 90% hộ nghèo trở lên do PN làm chủ hộ được Hội giúp đỡ phát triển kinh tế, giảm nghèo, trong đó phải đạt chỉ tiêu 35% PN thoát nghèo. Có như vậy, đời sống PN nông thôn trên toàn huyện mới mong được cải thiện, rút ngắn khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa nông thôn và thành thị.

Theo baokhanhhoa

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video