Phụ nữ Hát Môn cùng chồng làm giàu

13/09/2017
Xã Hát Môn (huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội) được biết đến với cái tên “Làng làm tủ bếp” vì những đổi thay rõ rệt về kinh tế mà nghề này mang lại... Thành công ấy có sự góp sức không nhỏ của phụ nữ Hát Môn, những người vừa nắm bắt thời cơ, cùng chồng làm giàu, vừa khéo léo giữ gìn hạnh phúc gia đình.

Theo thống kê của UBND xã Hát Môn, hiện nay toàn xã có 160/2136 hộ tham gia làm nghề mộc, chế biến đồ gỗ, trong số đó có khoảng 30 – 40% hộ có doanh thu tiền tỷ mỗi năm. Bà Đinh Thị Hải, Chủ tịch Hội LHPN xã Hát Môn kể lại, cách đây khoảng 20 năm, nam giới trong xã phải mưu sinh xa nhà. Những người vợ ở nhà phải gánh vác mọi việc thay chồng. Vài năm gần đây, nhiều chị em nhận thấy nhu cầu sử dụng đồ nội thất trong các gia đình tăng lên, nếu biết cách nắm bắt thì đây chính là con đường giúp họ thoát cảnh đầu tắt mặt tối, gia đình mỗi người mỗi nơi. Nghĩ vậy, các chị nhanh nhảu tìm khách, nhận đơn hàng, kéo chồng về mở xưởng sản xuất, vợ chồng cùng gánh vác công việc.

Gia đình anh Trần Duy Khang và chị Trần Thị Hà có một xưởng làm tủ bếp rộng 400m2, thuộc diện lớn nhất Hát Môn. Trước khi có được cơ nghiệp này, anh chị là gia đình nghèo nhất ở xã. Nghe vợ, anh quyết định nghỉ việc làm thuê cho xưởng mộc ở Thường Tín để về quê, mở xưởng làm tủ bếp. Chị cũng bỏ chạy chợ, cùng anh ngang dọc khắp nơi tìm nguyên liệu, tư vấn chọn mẫu cho khách hàng, sẵn sàng lăn xả vào bất cứ công đoạn nào của nghề làm tủ bếp.

Được hỏi về bí quyết “kết hợp ăn ý” đến vậy, chị Hà mỉm cười: “Công việc kinh doanh, sản xuất ngày càng bận rộn nhưng chúng tôi luôn tìm cách chia việc cùng nhau. Tuy nhiên, cũng có lúc vợ chồng xảy ra mâu thuẫn. Những lúc như vậy, tôi chỉ làm theo cách ông bà ta dạy: chồng nóng thì vợ bớt lời là êm ấm”. Sau 15 năm, anh chị không còn phải chạy khắp nơi chào mời khách. Hàng tuần, anh lại lái ô tô cùng chị lên trung tâm thành phố để gặp gỡ khách hàng.

Ở Hát Môn, hầu như cứ nhà nào có nghề làm tủ bếp là nhà ấy sẽ có cả hai vợ chồng cùng chung tay. Nhà anh chị Trần Nho Khương, Hoàng Thị Lý ở cụm dân cư số 9 có xưởng rộng 350m2, hướng tới sản xuất đồ dùng nội thất cao cấp phân phối đi khắp Hà Nội và các tỉnh thành khác. Anh Khương từng đi làm thuê khắp nơi vẫn không đủ tiền trang trải cuộc sống. Nhận thấy anh có nghề mộc, chị động viên anh mạnh dạn vay vốn của xã, mở xưởng và gặt hái được nhiều thành công, cuộc sống ngày một êm ấm.

Anh Khương chia sẻ: “Vợ tôi là một người chăm chỉ và quyết đoán. Nếu không có cô ấy cùng gánh vác công việc, không có những ý kiến tư vấn, hỗ trợ của cô ấy thì tôi khó thành công như hôm nay”.

Từng bị lừa mất hết số tiền dành dụm khi đi làm ăn xa, anh Nguyễn Thế Vượng đã suy sụp tinh thần. Trở về nhà trong nỗi xấu hổ với vợ con, anh mất ngủ triền miên, hốc hác. Lúc ấy, chính vợ anh, chị Phạm Thị Phương đã thay anh làm trụ cột. Chị khuyên anh đến làm thuê cho xưởng mộc của gia đình khác để vừa kiếm tiền, vừa quyết tâm học nghề. Nhờ sự khéo léo, chăm chỉ của anh và những lời động viên của chị, anh đã rất tiến bộ. Sau 5 năm, anh chị quyết định mở xưởng tự kinh doanh. Xuất phát điểm chậm hơn một số hộ gia đình khác nhưng anh chị đã cùng nhau vượt qua nhiều khó khăn, tiến gần hơn tới ngày được hái quả ngọt.

Sự tháo vát, nhanh nhẹn của phụ nữ Hát Môn chính là yếu tố quan trọng nhất mang lại sự đổi thay về kinh tế cho nhiều hộ gia đình nơi đây. Thế nhưng, ở các chị còn có một đức tính rất đáng học hỏi: luôn ở phía sau tiếp sức cho chồng. Tìm ra hướng đi cho gia đình thoát cảnh nghèo, động viên chồng, sẵn sàng xắn tay cùng chồng làm mọi việc, công sức của các chị chẳng thua kém bất kỳ người đàn ông nào. Nhưng khi việc kinh doanh đã đi vào guồng quay ổn định, các chị đều khéo léo ứng xử, để chồng không cảm thấy tự tin, mất thế trước vợ. Có chị để chồng giao dịch với khách hàng trong tâm thế một ông chủ dù các chị là người tìm ra mối hàng… Nhờ đó mà vợ chồng càng phối hợp ăn ý với nhau trong công việc hàng ngày hơn.

Bà Đinh Thị Hải tự hào: “Hát Môn tự hào là nơi Hai Bà Trưng phát tích cuộc khởi nghĩa đánh quân Hán xâm lược. Như một sự tiếp nối truyền thống, phụ nữ Hát Môn ngày nay cũng đứng lên cùng chồng gánh vác kinh tế, chăm lo con cái, xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no”.

PNTĐ

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video