Phụ nữ châu Á tích cực bảo vệ môi trường

26/10/2004
Ý thức được nguy cơ to lớn đe doạ cuộc sống của bản thân và gia đình, con cái, phụ nữ châu Á ngày càng đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ và cải tạo môi trường, đấu tranh để các chính sách phát triển bền vững được thực hiện, để các chính phủ thực thi việc tăng trưởng kinh tế gắn với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường.

Trong những thập kỷ gần đây, tình trạng môi trường sinh thái xuống cấp nghiêm trọng đã tác hại nặng đến đời sống nhân dân và phụ nữ thế giới nói chung và châu Á nói riêng. Các chuyên gia môi trường đánh giá châu Á là một trong những khu vực ô nhiễm nhất thế giới. Mức ô nhiễm của các con sông ở châu lục này cao gấp 3-4 lần mức ô nhiễm trung bình trên toàn cầu. Trong tổng số 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới thì 7 thành phố nằm ở châu Á.

Tại Nhật Bản: nhiều đoàn thể phụ nữ Nhật phối hợp với các tổ chức quần chúng khác đã tiến hành các cuộc vận động bảo vệ môi trường, phản đối các xí nghiệp, công ty chỉ quan tâm đến sản xuất, kinh doanh sinh lợi mà bỏ qua các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, họ đòi Chính phủ phải có biện pháp thiết thực để hạn chế mức ô nhiễm ngày càng tăng. Phụ nữ và nhân dân nhiều vùng cũng đòi tăng ngân sách Nhà nước để xây các lò xử lí rác thải tiên tiến, tránh trình trạng sản sinh đi-ô-xin do đốt chất nhựa và rác thải các loại.

 

Mặt khác, các bà mẹ Nhật rất chú ý giáo dục con ýthức bảo vệ môi trường. Từ nhỏ, các em đã được nhắc nhở, tạo thói quen bảo vệ môi trường, được hướng dẫn trồng thêm cây xanh, chăm sóc, bảo vệ cây cối. Các em cũng được tạo thói quen đi bộ và sử dụng các phương tiện giao thông công cộng. Từ cấp 1 trở lên, cha mẹ chỉ đưa đến bến xe điện ngầm rồi các em tự đi đến trường, tránh tình trạng trẻ em hàng ngày phải hít khói xăng khi cha mẹ chen chúc trong dòng ô tô, xe máy trên đường đưa đón con đi học.

 

Tại Trung Quốc: Hội Liên hiệp Phụ nữ Trung Quốc và nhiều tổ chức quần chúng đã mở các cuộc vận động bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng cây, trồng thêm cây mới, chăm sóc cây cỏ, làm sạch môi trường sống, vận động dùng “than sạch” và các loại nhiên liệu ít gây ô nhiễm. Nhiều ngày nghỉ, đông đảo phụ nữ, trẻ em, nhân dân các địa phương đã tích cực tham gia dọn dẹp, thu nhặt rác ở những nơi công cộng, trồng thêm cây và chăm sóc cây xanh.

Các bà mẹ quan tâm nhắc nhở con không vứt rác ra đường. Nhiều em bé được mẹ dắt đi chơi, đã biết tự động nhặt các túi nilông rơi vãi trên đường và bỏ vào thùng rác. Phụ nữ khắp các địa phương hăng hái tham gia phong trào “Màu xanh cho gia đình”, “Vườn hoa trên sân thượng”. Hiện nay, đâu đâu cũng có những ban công, hành lang, sân thượng... biến thành vườn hoa.

 

Tại Ấn Độ: phong trào bảo vệ môi trường của phụ nữ khởi đầu từ cuộc đấu tranh của phụ nữ làng Gadkharkh thuộc vùng núi Himalaya. Phụ nữ đã đấu tranh quyết liệt chống lại những kẻ chặt cây, phá rừng bừa bãi, kể cả người của các công ty đến phá rừng “Vì mục đích công nghiệp”. Không chịu bó tay, họ tự lập ra tổ chức Ủy ban Phụ nữ (MMD) phân công nhau thay phiên canh gác rừng. Sau đó, phong trào tiếp tục lan rộng thêm ra nhiều vùng nông thôn khác của Ấn Độ.

 

Trong phong trào bảo vệ môi trường, nhiều phụ nữ đã nêu gương nổi bật. Năm 1989, bà Maneca Gandhi được cử làm Bộ trưởng Bộ Môi trường và Rừng khi mới 32 tuổi. Hàng trăm biện pháp cụ thể do bà đề ra được chính phủ chấp thuận thực hiện. Chẳng hạn, như lập “Toà án Môi trường” xét xử nghiêm các chủ nhà máy gây ô nhiễm nặng do mù quáng chạy theo lợi nhuận; cấm dùng một số loại thuốc trừ sâu có hại cho môi trường ; phạt nặng các xe hơi, xe gắn máy không đạt yêu cầu về chống ô nhiễm; cấm buôn bán trái phép các loài chim và thú quýhiếm...

 

Một chiến sĩ bảo vệ môi trường nổi tiếng khác là bà Iqbal Mabik, đã liên tiếp đưa ra các sáng kiến bảo vệ môi trường, chống tình trạng ô nhiễm vì khói xăng xe, vì chất thải của các bệnh viện và nhà máy, ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm nguồn nước... Bà tố cáo một số ngân hàng máu bán cho người sử dụng cả những loại máu nhiễm bẩn, phản đối việc nuôi dưỡng chăm sóc kém các loài thú hoang dã ở nhiều vườn thú. Băn khoăn trước tình hình xe rác ở các thành phố đi thu gom chở đến bãi chứa rồi đổ lộn xộn các loại rác từ thức ăn thừa đến túi nilon, chai thủy tinh, pin hỏng, lọ đựng nước gội đầu, thuốc tẩy... khiến các thức ăn thối rửa trộn lẫn với các loại rác không phân huỷ được gây ô nhiễm nặng, đồng thời các hoá chất độc thấm xuống đất, làm ô nhiễm các nguồn nước ngầm, bà Malik đã gợi ýnhiều giải pháp để xử lí rác thải tốt hơn.

Thông tin phụ nữ

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video