Phụ nữ Afghanistan và phong trào đòi lại tên

05/09/2017
Chiến dịch có hashtag là #TênTôiĐâu trên Twitter nhằm mục đích kêu gọi phụ nữ Afghanistan giành lại danh tính cơ bản nhất và xóa bỏ điều cấm kỵ, ngăn đàn ông dùng từ thay thế để gọi tên người thân là nữ nơi công cộng.

Có một vài cụm từ mà đàn ông Afghanistan thường dùng để đề cập tới vợ ở nơi công cộng thay vì gọi tên họ: mẹ lũ trẻ, bà nhà tôi, hay thậm chí là con dê, con gà của tôi... Phụ nữ cũng có thể bị gọi là người chia sữa là đầu đen. Từ phổ biến dùng để gọi phụ nữ Afghanistan nơi công cộng là thím, bất kể tình trạng của họ.

Cảm thấy bất công khi có tên mà không được gọi, một số phụ nữ Afghanistan đã phát động một chiến dịch trên mạng xã hội để thay đổi phong tục này. Chiến dịch trên Twitter có hashtag là #TênTôiĐâu. Mục đích của các nhà hoạt động là kêu gọi phụ nữ giành lại danh tính cơ bản nhất và xóa bỏ điều cấm kỵ ngăn đàn ông gọi tên người thân là nữ nơi công cộng.

Bahar Sohaili, một người ủng hộ chiến dịch cho biết: “Đây chỉ là khởi đầu. Câu hỏi mà phần lớn phụ nữ Afghanistan thắc mắc là tại sao danh tính của bọ bị bác bỏ. Thực tế là phụ nữ cũng im lặng, họ không phản kháng điều này”.

Nhiều nhà hoạt động đã “thách” người nổi tiếng và quan chức chính phủ gọi tên của vợ và mẹ. Các nghị sĩ Afghanistan, quan chức chính phủ cấp cao và nghệ sĩ đã ủng hộ chiến dịch bằng cách công khai tên của người thân là nữ. Farhad Darya, một trong những ca sĩ Afghanistan nổi tiếng nhất đã đưa ra một thông điệp cảm động về việc anh phải cố gắng đảm bảo là luôn nhắc đến tên mẹ và vợ trong các buổi biểu diễn và phỏng vấn. Anh kể: “Nhiều dịp trước đám đông, tôi thấy nhiều người đàn ông nhăn trán khi họ thấy tôi hèn nhát vì đã nhắc tới tên mẹ và vợ. Họ nhìn tôi như thể tôi là người hèn nhất thế giới và không biết gì về truyền thống và vinh dự của Afghanistan”.

Chiến dịch cũng vấp phải làn sóng phản đối. Trên mạng xã hội, một số người cho rằng chiến dịch đi ngược với “giá trị Afghanistan”. Số khác cho rằng, điều này quá nhỏ để tạo ra thay đổi.

Ông Hassan Rizayee, một nhà xã hội học Afghanistan, cho biết tục lệ này bắt nguồn từ lối sống bộ lạc. Theo người bộ lạc, điều quan trọng là chủ nhân cơ thể của phụ nữ. Cơ thể phụ nữ thuộc về đàn ông và người khác không được sử dụng cơ thể phụ nữ của anh ta dù là gián tiếp, kể cả việc nhìn ngắm. Dựa trên lý do này, cơ thể, khuôn mặt và tên phụ nữ cũng thuộc về người đàn ông. Theo ông, để đảo ngược tục tệ này cần rất nhiều thời gian.

 

PNTĐ

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video