Phụ nữ đoàn kết, nâng cao vị thế trong hành động phòng chống buôn bán người và tăng cường bình đẳng giới

13/07/2007
Đó là chủ đề của Diễn đàn phụ nữ tiểu vùng Mêkông 2007 do Hội LHPN Việt Nam phối hợp Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức ngày 12-13/7 tại Hà Nội. Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Khiết và Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế khu vực châu Á Sachiko Yamamoto đã khai mạc cuộc họp

Diễn đàn đã thu hút khoảng 100 đại biểu, quan sát viên tới dự, trong đó có các đại diện cấp cao từ các chính phủ - gồm các quan chức cấp cao tham gia vào Tiến trình phối hợp cấp Bộ trưởng về Phòng chống buôn bán người ở tiểu vùng Mêkông (COMMIT), đại biểu từ các Tổ chức của Giới chủ sử dụng lao động và Giới người lao động từ 5 nước: Việt Nam, Trung Quốc, Lào, Campuchia và Thái Lan.

 

Đây là cuộc gặp gỡ đầu tiên của các nhà hoạt động xã hội cho phụ nữ ở các nước tiểu vùng Mêkông nhằm tăng cường sự hợp tác của các tổ chức phụ nữ với các tổ chức chính phủ, tổ chức của giới chủ sử dụng lao động và người sử dụng lao động trong việc phòng chống buôn bán người, mà phụ nữvà trẻ em là những nạn nhân.

 

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Chủ tịch Hà Thị Khiết nêu rõ, đói nghèo, thất nghiệp,trình độ văn hoá thấp là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng buôn bán người và di cư trái phép. Với tư cách là một tổ chức hoạt động vì lợi ích hợp pháp và chính đáng của phụ nữ, trong nhiều năm liền, “Hội LHPN Việt Nam đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức giáo dục cộng đồng để nâng cao sự hiểu biết về buôn bán phụ nữ, đặc biệt là các hoạt động liên quan đến việc tổ chức di cư trái phép”…

 

Bà Sachiko Yammamoto, Giám đốc ILO khu vực châu Á - Thái Bình Dương khẳng định, đã đến lúc “công việc phòng chống buôn bán người và phân biệt đối xử không chỉ trông vào Chính phủ. Nam giới, phụ nữ và trẻ em cần đứng lên khẳng định quyền của mình và yêu cầu chính phủ, các tổ chức và công dân phải hành động, trong đó phụ nữ và các tổ chức phụ nữ đóng vai trò then chốt”.


Với nỗ lực phòng chống nạn buôn bán phụ nữ trẻ em, phân biệt đối xử, bóc lột lao động…tại tiểu vùng Mêkông, từ năm 2001, Tổ chức Lao động quốc tế khu vực châu Á –TBD đã phối hợp với các chính phủ và các đối tác trong khu vực tiến hành Dự án Phòng ngừa buôn bán phụ nữ trẻ em. Đến đầu năm 2006, giai đoạn II của Dự án đã triển khai can thiệp hiệu quả trên 30 khu vực mục tiêu tại 5 nước tiểu vùng Mêkông.

 

Xoay quanh chủ đề “Phụ nữ đoàn kết và nâng cao vị thế trong hành động phòng chống buôn bán người và tăng cường bình đẳng giới”, các đại biểu đã có dịp thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm trong nỗ lực phòng chống buôn bán người, phân biệt đối xử, bóc lột lao động… như: thành lập Trung tâm trợ giúp phụ nữ di cư ở Vân Nam (Trung Quốc), mô hình tài chính vi mô ở Lào, truyền thông nâng cao nhận thức về buôn bán người ở các vùng nông thôn Việt Nam, phát triển doanh nghiệp nhỏ cho các gia đình có nguy cơ ở Campuchia…

 

Diễn đàn được chia làm 6 phiên theo chủ đề, chủ yếu tập trung vào các biện pháp phòng ngừa buôn bán người: Khía cạnh giới trong hành động phòng chống buôn bán người; Các chiến dịch truyền thông và nâng cao nhận thức; Nâng cao vị thế xã hội cho phụ nữ và tăng cường cơ hội giáo dục cho trẻ em; Sinh kế bền vững và nâng cao vị thế kinh tế của phụ nữ; Bảo vệ người di cư tại nơi đến và Lồng ghép chính sách.

 

Việt Nam với tư cách là nước đăng cai Diễn đàn đã tham gia điều hành các phiên làm việc, cùng chia sẻ  những thành công, bài học kinh nghiệm rút ra được từ thực tế hoạt động phòng chống buôn bán phụ nữ ở Việt Nam.

 

Kết thúc Diễn đàn, các đại biểu sẽ đưa ra một loạt các khuyến nghị cụ thể để đẩy mạnh hoạt động của các tổ chức phụ nữ và tăng cường sự hợp tác ở cấp quốc gia và tiểu vùng trong tương lai./.

Tin liên quan:
*
Thông cáo báo chí

Trung tâm Thông tin

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video