Phòng, chống nạn buôn người ở Svay Rieng (Campuchia)

16/11/2007
Svay Rieng là một tỉnh biên giới thuộc Đông Nam Campuchia, có đường biên giới giáp Việt Nam 258 km, gồm 6 huyện đường biên với 27 xã và 83 ấp, có 15.800 hộ gia đình, 75.773 người (trong đó nữ 38.784 người).

Svay Rieng có 01 cửa khẩu quốc tế, 02 cửa khẩu song phương, 03 lối ra vào trong khu vực và 48 cửa hành lang tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng thực hiện việc môi giới phi pháp về buôn bán người qua biên giới.

 

Ở tỉnh Svay Rieng, nhiều người dân, đặc biệt là trẻ em bị lừa gạt, lợi dụng hoặc rủ rê, ép buộc sang Việt Nam ăn xin làm ảnh hưởng đến văn hoá dân tộc, và bản thân họ cũng trở thành nạn nhân bị xâm phạm, bóc lột cả tình dục lẫn sức lao động. Tỷ lệ trẻ em không được đi học, hoặc bỏ học ngày càng gia tăng trong những năm qua. Cùng với nạn trẻ em ra đi, có khoảng 40% phụ nữ trẻ và nam giới trẻ cũng bỏ làng ra đi tìm công ăn việc làm. Họ là công nhân, lao động trong các nhà máy, ngành xây dựng, đánh bắt cá, làm thuê, bán hàng, người chạy bàn trong những cửa hàng ở Phnom Penh hoặc những thị trấn khác. Một số vượt biên đi lao động ở Thailand, Malaysia, Đài Loan v.v...

 

Họ phải đối đầu với nhiều nguy cơ vi phạm nhân quyền, tệ nạn xã hội, đặc biệt là việc buôn người, bóc lột lao động và tình dục, lây nhiễm HIV/AIDS...

 

Các hoạt động phòng, chống nạn buôn người

 

Để ngăn ngừa và chống lại nguy cơ buôn bán người, tỉnh Svay Rieng đã có nhiều hoạt động tích cực. Hoạt động đầu tiên là tỉnh đã thành lập nhóm công tác ở các cấp (cấp tỉnh gồm có 01 Tham vấn viên nòng cốt, cấp huyện gômg một 01 Tham vấn viên nòng cốt và 01 cấp Ủy phụ trách; cấp xã có 01 nhân sự chuyên trách vấn đề phụ nữ - trẻ em và ở cấp làng/ấp cũng phân công 01 người đảm nhiệm vấn đề phụ nữ, trẻ em). Tiếp đó, tỉnh đã tích cực thực hiện việc tuyên truyền nhằm nâng cao sự hiểu biết cho người dân, tập trung là phụ nữ, trẻ em gồm các hoạt động: thực hiện chiến dịch tuyên truyền rộng rãi bằng diễu hành, chiếu phim, diễn kịch; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng (đài phát thanh, truyền hình, sách báo); sử dụng áp phích, tờ rơi...

 

Đặc biệt, tại các ấp/làng, tỉnh thực hiện việc tập huấn cho cán bộ ấp/làng và các tình nguyện viên, giáo viên, công an...về việc di cư, bạo lực trong gia đình, nạn buôn bán người, các chất gây nghiện nguy hiểm, đại dịch HIV/AIDS và vai trò của các thành viên trong gia đình ...Tăng cường việc tuyên truyền thường xuyên các thông tin trên đến tận dân làng, cộng đồng, học sinh đi đôi với việc sử dụng dụng cụ giáo dục (hộp câu hỏi-đáp, quyển truyện ngắn, sách vở, áp phích, tờ rơi...); xây dựng các hoạt động phòng chống nạn buôn người trong kế hoạch xã, kế hoạch phát triển thôn làng cũng như trong chương trình học tập của nhà trường.v.v...

 

Đồng thời, trong từng ấp/làng và từng xã, Uỷ ban phát triển phối hợp với phụ nữ huyện thành lập Quỹ hỗ trợ. Việc đóng góp, bổ sung, quản lý, xây dựng kế hoạch hoạt động Quỹ được thực hiện dân chủ, công khai nhằm đảm bảo hiệu quả... Tỉnh có chủ trương cho mỗi hộ gia đình vay từ Quỹ hỗ trợ làng là 120.000 Riel (tương ứng với 30 đô la Mỹ) với lãi suất 2% để chăn nuôi, sản xuất, dịch vụ, buôn bán nhỏ, làm nghề thủ công, v.v...tăng thu nhập cho gia đình. Có khoảng 60% trong số được vay sử dụng vốn để chăn nuôi, trồng lúa; 80% vay vốn buôn bán nhỏ, dệt chiếu, làm các nghề thủ công khác v.v...Quỷ hỗ trợ còn được sử dụng để giải quyết những trường hợp khó khăn, nguy cơ cấp bách như buôn người, bị hiếp dâm, bị bạo lực gia đình trầm trọng, trẻ em mồ côi, sản phụ khó khăn, và ảnh hưởng nặng nề về thiên tai, dịch bệnh...

 

Để giúp người dân phát triển kinh tế gia đình, tỉnh đã tổ chức các khoá đào tạo về kỷ thuật trồng trọt (do cán bộ kỹ thuật Phòng nông nghiệp huyện Kompong Ro hợp tác với cán bộ phụ trách vấn đề phụ nữ của tỉnh và huyện tổ chức); cung cấp hạt giống mới có năng suất cao và có giá trị trên thị trường; cách thức trồng, bảo quản rau, kỹ thuật chăn nuôi...

 

Những hoạt động của tỉnh Svay Rieng đã có tác dụng hạn chế nạn buôn bán người, nhưng hoạt động phòng này vẫn còn gặp phải những khó khăn như vốn cho vay để làm ăn hạn chế; thiên tai, dịch bệnh trong trồng trọt, chăn nuôi luôn là nguy cơ đe doạ quá trình phát triển sản xuất; sự tiếp cận của người dân về khoa học kỹ thuật còn hạn chế do trình độ học vấn thấp, thị trường lao động hướng nghệptrong tỉnh còn ít so với nhu cầu của thanh niên, nhất là nữ thanh niên. Mặc dù đa số dân chúng tiếp nhận được sự hiểu biết về việc di cư tuỳ tiện và việc di cư được an toàn nhưng họ vẫn tiếp tục di cư bỏ làng vì trình độ thấp, đời sống khó khăn, không có công ăn việc làm, nếu có thì thu nhập thấp. Việc tuyên truyền hoạt động cấp thôn làng về việc phòng chống nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em làm chưa thường xuyên vì thiếu thốn phương tiện.

 

Để có thể thực hiện việc phòng, chống nạn buôn người có hiệu quả, tỉnh Svay Rieng cần đầu tư, nâng cao vai trò, hiệu qủa hoạt động của Ban chỉ đạo đấu tranh chống nạn buôn người, nạn bóc lột tình dục phụ nữ và trẻ em; tiếp tục tuyên truyền việc phòng chống nạn buôn người và việc di cư an toàn trong người dân toàn tỉnh, đặc biệt tập trung ở các huyện giáp ranh với Việt Nam; tăng cường việc hợp tác chặt chẽ các tổ chức có liên quan ở hai bên thông qua hoạt động cấp thôn làng, thông qua các phương tiện, cách thức tuyền truyền phù hợp; thực hiện việc phòng, chống nạn buôn người với các hoạt động xoá đói, giảm nghèo; chăm sóc sức khoẻ, nâng cao trình độ; hợp tác với Sở Lao động và đào tạo nghề để giáo dục, tuyên truyền về việc di cư an toàn đến người dân; thực hiện việc đào tạo chuyên môn, đào tạo nghề và tạo việc làm cho nữ thanh niên - đối tượng có nguy cơ nhất của nạn buôn người; thực hiện việc kiểm tra, giám sát chương trình hoạt động của Quỷ hổ trợ; giúp đỡ các nạn nhân; phối hợp chặt chẽ với công an để phát hiện, truy bắt, trừng trị nghiêm minh các đối tượng môi giới dẫn trẻ em sang hành nghề ăn xin ở Việt Nam và bọn buôn người, lừa gạt phụ nữ, trẻ em ...

Trung tâm Thông tin

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video