Phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em – vai trò của cha mẹ

30/06/2014
Ngày 25/6/2014, tại TP. Hồ Chí Minh, Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức tọa đàm “Vai trò của cha mẹ và gia đình trong phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em”. Đây là một trong những hoạt động thiết thực của Hội LHPN Việt Nam hưởng ứng Tháng Hành động vì trẻ em năm 2014 “Hành động vì một xã hội không bạo lực, không xâm hại trẻ em”.

Tham dự toạ đàm có đại diện các sở Lao động Thương binh & Xã hội, Công an, Giáo dục & Đào tạo, Văn hóa Thể thao & Du lịch, Hội LHPN, đường dây tư vấn của Báo phụ nữ TP. và hơn 100 đại diện cha mẹ, chủ nhóm trẻ tư thục trên địa bàn thành phố.

Tại buổi toạ đàm, đại biểu đã chia sẻ, thảo luận quan điểm, kinh nghiệm bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; thực trạng tình hình bạo lực, xâm hại trẻ em, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này và đề xuất các giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trẻ. Nâng cao vai trò của cha mẹ, các thành viên trong gia đình là một trong những giải pháp phòng ngừa nguy cơ trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực được các đại biểu tập trung thảo luận.

Đại diện đường dây tư vấn của báo phụ nữ TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: Nhiều trường hợp trẻ em bị bạo hành, xâm hại tình dục do chính cha mẹ đẻ, người thân, giáo viên chủ nhiệm … - những người có trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ gây ra như: mẹ đẻ đánh đập và dùng bàn chải chà lên các vết thương trên khắp cơ thể của bé mới 6 tuổi; giáo viên đánh gẫy xương bả vai học trò chỉ vì trò quên mang sách toán đến lớp; và nhiều trẻ bị cậu, chú ruột, cha dượng xâm hại tình dục lên tục trong nhiều năm.

Nguyên nhân bạo hành, xâm hại trẻ em được đại biểu chia sẻ tại toạ đàm là: cha mẹ mải làm ăn, xao nhãng việc quan tâm, chăm sóc, giáo dục con, phó mặc cho nhà trường và người giúp viêc; nhận thức pháp luật của cha mẹ, người chăm sóc trẻ; cha mẹ không gương mẫu, hay mắng chửi nhau trước mặt con, ly thân, ly hôn.

Công tác quản lý nhà nước về vấn đề này cũng là một trong những nguyên nhân, đặc biệt là công tác tuyên truyền chưa sâu rộng, chưa tác động vào đúng đối tượng; và chế tài xử lý người phạm tội xâm hại, bạo lực trẻ em còn nhiều kẽ hở, chưa đủ sức dăn đe. Thực tế cho thấy, nhiều vụ bạo lực, xâm hại trẻ em vẫn chưa được xử lý kịp thời, dứt điểm.

Các đại biểu đều cho rằng, để bảo vệ và chăm sóc trẻ em tốt hơn, phòng ngừa các nguy cơ bạo lực, xâm hại trẻ em, trong thời gian tới cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp; có các hoạt động vui chơi cho trẻ tại cộng đồng dân cư; cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm của gia đình, nhà trường; tăng cường trách nhiệm của nhà trường, cộng đồng và chính bản thân trẻ em.… Đặc biệt, chú trọng nâng cao ý thức, sự chủ động của cha mẹ và thành viên gia đình về phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em, đảm bảo thực hiện các quyền trẻ em ngay trong chính gia đình. Nhiều đại biểu nhân mạnh, cần thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội để giảm bớt gánh nặng mưu sinh, giúp cha mẹ, các thành viên trong gia đình có nhiều thời gian quan tâm, chăm sóc con cái.

Thay mặt Đoàn Chủ tịch TW Hội LHPN Việt Nam, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai -Trưởng Ban Gia đình Xã hội đánh giá cao và ghi nhận ý kiến của đại biểu. Đồng thời, đề nghị Hội LHPN TP. tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp thực hiện tốt công tác bảo vệ trẻ em, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các bậc cha mẹ về vai trò, trách nhiệm của cha mẹ trong bảo vệ trẻ an toàn, thực hiện các quyền trẻ em … gắn với thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”. Bà Tuyết Mai cũng khẳng định: “Xóa bỏ bạo lực, xâm hại trẻ em là việc làm có thể thực hiện được nếu có sự chung tay của mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội”.

Hà Oanh - GĐXH

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video