Phòng chống bạo lực gia đình - Câu chuyện của mọi cá nhân, tổ chức và cả hệ thống chính trị

18/06/2022
Chia sẻ về giải pháp phòng chống bạo lực gia đình, bà Phạm Thị Thanh Trà - Đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, đây không thể là câu chuyện của một vài cá nhân hay tổ chức mà cần có sự đồng bộ.

Chia sẻ với Gia đình Việt Nam sau khi theo dõi chuyên đề “Bạo lực gia đình: Góc khuất trong cuộc sống hiện đại”, bà Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, khi vợ hay chồng hay các thành viên khác trong gia đình tự cho phép mình vượt qua thiên chức, bỏ qua mọi chế định của luật pháp, của đạo đức xã hội, khi ấy bạo lực gia đình xuất hiện.

Cân bằng thiên chức - Chìa khoá mở cánh cửa hạnh phúc

Gia đình - ai cũng đã biết, đó là một tế bào của xã hội. Ở nơi ấy, các thành viên đều được “phân vai” rất cụ thể, và khi mọi thành viên này làm tròn bổn phận, cân bằng được thiên chức, khi ấy, các thành viên sẽ cùng xây dựng một gia đình hạnh phúc. Và ngược lại, khi vợ hay chồng hay các thành viên khác trong gia đình tự cho phép mình vượt qua thiên chức, bỏ qua mọi chế định của luật pháp, của đạo đức xã hội, khi ấy, bạo lực gia đình xuất hiện.

“Các cụ ta có câu “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Quy chiếu với từng gia đình có thể thấy rõ việc phân vai tới từng thành viên. Giả như tôi, với thiên chức của người phụ nữ, tôi luôn phải cân bằng giữa việc nước với việc nhà. Việc nước mình phải nỗ lực và quyết tâm lớn, nhưng ở mặt khác, các công việc gia đình cũng phải sắp xếp một cách hợp lý, khoa học, đảm bảo một cuộc sống hài hoà. Với câu nói của người xưa, là phụ nữ, ta phải giữ lửa trong gia đình, để cuộc sống gia đình lúc nào cũng cho mình một nguồn động viên lớn lao” – Bộ trưởng Nội vụ chia sẻ.

Bà Phạm Thị Thanh Trà khẳng định: “Tôi cho rằng, trong gia đình từng thành viên phải cùng nhận thức, định hướng xây dựng, nó giống như con đường đã được mở ra phía trước, việc còn lại là làm sao đi cho đúng, cho trúng và cái kết, cái đích là một mái ấm hạnh phúc”.

Quay lại câu nói “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Với sự phân vai này, chúng ta không nên hiểu hay vận hành một gia đình máy móc theo kiểu người chồng phải đi kiếm tiền xây nhà, người vợ luôn là người nấu những bữa cơm ngon, là lượt các bộ cánh đẹp đẽ cho chồng mỗi sáng, mà đó là sự linh hoạt, ứng chiếu với hoàn cảnh cụ thể của từng gia đình.

“Một xã hội hiện đại, phụ nữ cũng có thể là người xây nhà và người chồng cũng có thể là nạn nhân của bạo lực gia đình. Do vậy, với mỗi gia đình, điều quan trọng là cùng hỗ trợ nhau đảm trách thiên chức, xoá bỏ phân biệt đối xử cũng như cùng tạo điều kiện, cơ hội cho nhau phát triển” – Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nói thêm.

"Dự án Luật Phòng chống bạo lực gia đình sửa đổi còn nhiều điểm chưa phù hợp"

Với dòng chảy của thời gian, sau 15 năm đi vào thực tiễn, rõ ràng, không ít chế định trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007 đã không còn phù hợp với thời cuộc. Nó cũng như các gia đình vậy, sau 15 năm, rất nhiều đổi mới, điều chỉnh, phát sinh, trong đó có các hành vi bạo lực gia đình mới, cần hành lang pháp lý điều chỉnh.

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, trước đây, khi nói đến bạo lực gia đình, phần đa sẽ nghĩ ngay tới việc những người chồng vũ phu, thường xuyên say xỉn, thượng cẳng chân, hạ cẳng tay, hay là những lời chửi bới, lăng mạ lẫn nhau. Nhưng ngày nay, ngoài những hành vi nói trên, còn có một thứ bạo lực gia đình khác, trầm kha và hậu quả vô cùng khó lường, đó là bạo lực lạnh, nó xảy ra ở các gia đình thành thị, có trình độ học vấn cao, gây tổn thương sâu sắc về lòng tự trọng tới người còn lại.

“Bạn thử hình dung, mỗi ngày đi làm về, vợ hay chồng không hề trao đổi, tiếp xúc, ai làm việc nấy. Rồi khi con cái mang giấy khen thưởng về khoe, bố hay mẹ chỉ à ừ cho qua chuyện rồi lại làm việc riêng của mình, khi ấy, gia đình sẽ thành thứ gì?” – bà Trà lo ngại.

Quay lại dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đang được Quốc hội cho ý kiến thì thấy, về cơ bản, dự luật đã bổ sung nhiều chế định mới, như việc sửa đổi quy định các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ trong phòng, chống bạo lực gia đình.

Bên cạnh đó, dự luật cũng nêu được trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân và các điều kiện đảm bảo thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình. Nêu được các nguy cơ cao gây bạo lực gia đình với một người khi kèm các biểu hiện, hoàn cảnh: Đã từng có hành vi bạo lực gia đình; có định kiến giới; nghiện rượu, bia, ma tuý và các chất gây nghiện khác; nghiện cờ bạc; game bạo lực; văn hoá phẩm đồi truỵ...

Tuy nhiên, theo nhận định của Bộ trưởng Nội vụ, dự luật còn nhiều điểm chưa phù hợp. Đơn cử như nội dung đưa người bị bạo lực gia đình đi tạm lánh.

Đồng tình với một số ý kiến cho rằng, việc quy định đưa người bị bạo lực gia đình đi tạm lánh là “hơi ngược”, Bộ trưởng Nội vụ phân tích, bởi lúc này, người bị bạo hành đang bị tổn thương nặng nề về thể xác, tinh thần, căn nhà của họ chính là nguồn an ủi, là nơi nuôi dưỡng, giúp nhanh lành các vết thương. Do đó, khi phải đến ở căn nhà tạm lánh - một nơi xa lạ, những tổn thương này có thể sẽ thêm trầm trọng.

Đánh giá chung về công tác phòng, chống bạo lực gia đình, Bộ trưởng Nội vụ cho rằng, việc lượng hoá hay nhận diện bạo lực gia đình là vô cùng phức tạp. Phòng chống bạo lực gia đình, bảo vệ người yếu thế, tiến tới bình đẳng giới là câu chuyện không phải một sớm một chiều.

Phòng chống bạo lực gia đình cũng không thể là câu chuyện của một vài cá nhân hay một vài tổ chức, đó là câu chuyện của cả hệ thống chính trị.

“Hơn ai hết, mỗi thành viên hãy ít nhất làm trọn trách nhiệm của mình. Hãy trả lại thiên chức vốn có của gia đình, đó là nơi nuôi dưỡng tâm hồn. Là cánh cửa luôn mở mỗi khi các thành viên mệt mỏi sau một ngày làm việc. Hãy thôi ngay các quyền tự sinh vô lối. Bởi lẽ, không ai được tự sinh ra thứ quyền được hành hạ người khác. Không ai được tự sinh ra thứ quyền được biến người khác thành các trò tiêu khiển hay nơi trút xả các cơn bực tức vô cớ đâu đó” – Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà gửi thông điệp.

giadinhonline

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video