Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Nữ trí thức là những người đi đầu lan tỏa giá trị tốt đẹp trong xã hội

26/11/2021
Tới dự Đại hội đại biểu Hội Nữ trí thức Việt Nam lần thứ III (nhiệm kỳ 2021-2026) vào sáng 26/11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh vai trò của nữ trí thức không chỉ là tấm gương về sự phấn đấu vươn lên, làm chủ tri thức, mà còn là những người đi đầu lan tỏa giá trị tốt đẹp trong xã hội.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Đại hội đại biểu Hội Nữ trí thức Việt Nam lần thứ III (nhiệm kỳ 2021-2026)

Phát biểu tại Đại hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: "Tới dự Đại hội hôm nay, tôi tin tưởng Hội Nữ Trí thức Việt Nam với đội ngũ lãnh đạo chủ chốt sẽ ngày càng phát triển vững mạnh, đạt nhiều thành tích nổi bật.

Đại hội diễn ra trong thời gian chúng ta vừa trải qua giờ khắc khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Tôi có rất nhiều cảm xúc. Hai ngày trước, chúng ta vừa có một Hội nghị toàn quốc bàn về vấn đề văn hoá. Nói đến văn hóa là nói đến trí thức và văn học. Văn hóa là những sáng tạo của con người, văn hóa sẽ không thể bền vững nếu không có tri thức.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Đại hội đại biểu Hội Nữ trí thức Việt Nam lần thứ III (nhiệm kỳ 2021-2026)

Cách đây 5-6 năm, các tổ chức quốc tế đưa ra các số liệu và chỉ tiêu phấn đấu để Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, đến năm 2035 phải tăng trưởng trung bình trên 7,5%/năm. Đặt ra vấn đề đó, nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế cho rằng đây là vấn đề rất khó thực hiện. 

Mặc dù khó nhưng chúng ta không phải không làm được nếu biết khơi dậy những phẩm chất quý báu của dân tộc mà Đảng và Bác Hồ đã làm trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Đó là khát vọng về một đất nước độc lập không bị nô dịch, chia cắt, dân được tự do hạnh phúc. Khát vọng đó như Bác Hồ từng nói: "Thà hy sinh tất cả nhưng nhất định không chịu làm nô lệ"…

Thời nay, chúng ta khơi dậy khát vọng và dù hy sinh tất cả cũng nhất thiết không để Việt Nam nghèo nữa. Vì chiến tranh, Việt Nam đi sau các nước khác nhưng trong tất cả các bảng xếp hạng trên toàn thế giới, năm nào cũng thấy Việt Nam đã cố gắng vươn lên.

Trong thời đại công nghệ, có khát vọng, có tấm lòng nhưng phải làm sao để nâng tầm trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân tộc, nhất thiết làm cho Nhân dân được hạnh phúc hơn. Chúng ta sẽ tìm mọi cách để học hỏi và tìm tòi, nâng cao hiểu biết trí tuệ của mình.

Một khi chúng ta được giác ngộ về trí tuệ, trau dồi kiến thức, trí tuệ thì chắc chắn sẽ hiểu ra, trí tuệ cao nhất là làm sao giúp được tất cả mọi người một cách tốt nhất. Để làm được việc đó thì chúng ta phải tạo ra môi trường tinh thần, cổ vũ cho tất cả những điểm mới, sáng tạo, dành cho tri thức sự tôn vinh, sau đó có luật pháp, cơ chế thật sự thiết thực, để phát huy tài năng, trí tuệ, sức sáng tạo của tất cả mọi người.

Theo số liệu thống kê: 64% ngành giáo dục là nữ trí thức, 58% lực lượng khoa học xã hội và nhân văn là nữ, 55% lực lượng y bác sĩ, khoa học sức khỏe là nữ. Thử hỏi, ở một đất nước, còn lĩnh vực nào quan trọng hơn 3 lĩnh vực này? Thứ nhất là lo cho sức khỏe - cái quý nhất của con người, tiếp đến là sự hiểu biết trí tuệ, tương lai và nền tảng của mọi thứ trong xã hội là khoa học xã hội và nhân văn.

Tôi rất ấn tượng khi nghe báo cáo nhiệm kỳ trước được trình bày Đại hội, trong đó nhấn mạnh Hội đã đóng góp tích cực vào khoa học, có nhiều chị là tấm gương, nhà khoa học có tên tuổi, có nhiều giải thưởng danh giá, có chị được tôn vinh là anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Đặc biệt, các chị đã nói nhiều về tư vấn, phản biện chính sách của nữ trí thức.

Vinh danh và tặng món quà "made in Việt Nam, made by women" tới Chủ tịch danh dự Hội Nữ trí thức Việt Nam Nguyễn Thị Doan và Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam khóa I, II Phạm Thị Trân Châu

Có lần, tôi nói chuyện với chị Châu (GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam khóa I, II - PV) về nữ trí thức và chị kể lại cho tôi nghe nguồn gốc của thuật ngữ này. Thuật ngữ người tri thức xuất hiện từ thế kỷ thứ 19, là người có trí thức, được đào tạo, đó còn mang hàm nghĩa không chỉ làm việc chuyên môn kiếm sống mà còn là người luôn quan tâm đến xã hội, đòi công bằng cho xã hội. Ở Việt Nam, khái niệm này được bổ sung thêm nhiều nhưng ý nghĩa ban đầu vẫn còn nguyên vẹn.

Tôi tin, các chị ở đây cũng như sau này sẽ phát triển rộng ra các hội viên, không chỉ là tấm gương về sự phấn đấu vươn lên, làm chủ tri thức, mà còn thật sự là những người đi đầu lan tỏa giá trị tốt đẹp trong xã hội để xã hội công bằng hơn, đất nước phát triển nhanh, bền vững".

https://phunuvietnam.vn/

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video