Phát triển đất nước nhanh, bền vững phải gắn với Khoa học- Công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao

04/11/2020
Đó là ý kiến phát biểu của đồng chí Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TW Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương tại hội thảo Nữ trí thức Việt Nam góp ý vào dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng XIII, do Hội LHPN tổ chức tại Hà Nội sáng 04/11.
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga (thứ hai trái ảnh qua) trao đổi với các đại biểu nữ trí thức tham gia hội thảo

Hội thảo diễn ra với sự chủ trì của các đồng chí: Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TW Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến Nhân dân góp ý vào các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; GS.TS. Tạ Ngọc Tấn, nguyên Ủy viên BCH TW Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa.

Các đồng chí chủ trì hội thảo

Tham gia Hội thảo có các đại biểu: Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên TW Đảng, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương; đại diện các ban, bộ, ngành TW; các Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, lãnh đạo các ban, đơn vị TW Hội; GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu - Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam cùng đông đảo nữ trí thức.

Hội thảo có sự tham gia của đông đảo các đại biểu

Khai mạc hội thảo, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga cho biết, hội thảo  góp ý dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII với chủ đề “Giáo dục- Đào tạo; Khoa học - Công nghệ và Nguồn nhân lực chất lượng cao - Những nội dung liên quan trong dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng”  là 1 trong số 4 hội thảo do TW Hội LHPN Việt Nam tổ chức để lấy ý kiến các lực lượng phụ nữ (gồm: các chuyên gia, nhà nghiên cứu; nữ doanh nhân; nữ trí thức và cán bộ Hội các cấp, hội viên phụ nữ) đóng góp vào dự thảo Văn kiện đại hội. 3 hội thảo đầu tiên đã thu hút sự tham gia của 7.100 người, với 31 tham luận và nhiều ý kiến đóng góp vào dự thảo văn kiện.

Chủ tịch Hà Thị Nga nhấn mạnh: Với lực lượng ngày càng đông đảo, chiếm 42% tổng số trí thức của cả nước, nữ trí thức đóng vai trò không thể thiếu trong mọi mặt của đời sống xã hội, nhất là trong các lĩnh vực như giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, kinh tế, y tế… Hiện nay, số  nữ giáo sư chiếm 3,2%, phó giáo sư chiếm 17,5% trên tổng số giáo sư, phó giáo sư của cả nước. Nữ trí thức là nguồn nhân lực  quý, quan trọng đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước cũng như sự nghiệp phát triển phụ nữ và bình đẳng giới, vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Chủ tịch Hội LHPN Hà Thị Nga phát biểu khai mạc hội thảo

Chính vì vậy, huy động sự đóng góp trí tuệ, trách nhiệm của nữ trí thức vào các dự thảo Văn kiện của Đảng là rất cần thiết, nói lên tiếng nói từ nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau về những vấn đề liên quan đến Giáo dục - Đào tạo; Khoa học - Công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao nói chung, nhân lực nữ chất lượng cao nói riêng, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0.

Đề dẫn hội thảo, GS.TS. Tạ Ngọc Tấn - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận TW gợi mở một số vấn đề mới, cần lưu ý để hội thảo tập trung trao đổi, thảo luận, góp ý gồm: Chủ đề đại hội; Tầm nhìn và định hướng phát triển đất nước; Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người; Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học và công nghệ; Những nhiệm vụ trọng tâm và đột phá chiến lược...

GS.TS Tạ Ngọc Tấn cùng các đại biểu

Tại hội thảo, các đại biểu đã cho ý kiến đóng góp theo hai chủ đề chính:

Chủ đề Giáo dục và đào tạo- Khoa học và công nghệ:

Góp ý vào Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 2021-2030, bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên, bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, qua đại dịch COVID 19, chúng ta đã thấy rõ vai trò của khoa học và công nghệ. Khi được đầu tư thỏa đáng, các nhà khoa học Việt Nam đã làm chủ các công nghệ tiên tiến trong việc chế tạo kit chuẩn đoán virus SARS – Covi 2; Nhóm nghiên cứu trí tuệ nhân tạo đã tạo app (ứng dụng) để truy vết bệnh nhân, giúp cho Chính phủ và người dân kịp thời ứng phó với đại dịch...

Bà Hà cũng đề nghị rà soát lại việc sử dụng các cụm từ trong báo cáo (cơ sở giáo dục – đào tạo, cơ sở giáo dục đại học, nghề nghiệp, khoa học, công nghệ phù hợp với quy định về tên gọi tổ chức được quy định trong các luật liên quan); Đồng thời đề xuất, cần có các chỉ tiêu thống kê về giới; có chính sách cụ thể khuyến khích, hỗ trợ phụ nữ tham gia hoạt động khoa học và công nghệ, nghiên cứu khoa học.

GS.TS Nguyễn Thị Thanh Hà

Bàn về định hướng nhiệm vụ, giải pháp phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ đối với lĩnh vực đại học, GS.TS Lê  Minh Thắng, Giảng viên cao cấp Viện kỹ thuật hóa học, Đại học Bách Khoa Hà Nội đề nghị: Cần nhấn mạnh, cụ thể hơn quan điểm chỉ đạo việc đẩy mạnh tự chủ đại học, thay đổi cơ chế quản trị trong trường đại học, tập trung vào nâng cao cao vai trò của hội đồng trường và đổi mới cơ chế, phương thức quản trị tài chính; Có chính sách đột phá, phát triển nâng cao chất lượng giáo dục đại học, nâng cao chất lượng giáo dục bậc phổ thông nhằm làm tiền đề cho bậc đại học; Khảo sát, xác định cơ cấu phân bố những ngành nghề cần thiết cho sự phát triển của xã hội nhưng đang có mức thu nhập thấp, đảm bảo không bị thiếu cơ cấu nguồn nhân lực cho tương lai; Có chính sách học bổng nhà nước phù hợp cho sinh viên sau đại học.

GS.TS Lê Minh Thắng

PGS.TS Nguyễn Thanh Thủy,  Học viện Nông nghiệp Việt Nam thì cho rằng cần quan tâm đến sự phát triển của các trường đại học đào tạo sinh viên có trình độ cao và trình độ nghiên cứu tiên tiến, ảnh hưởng tích cực đến quốc gia và kinh tế khu vực (Đại học Mô hình mới);  Coi Khoa học công nghệ là nền tảng và động lực để phát triển lực lượng sản xuất, chú trọng đầu tư để khoa học xứng đáng là quốc sách hàng đầu. Thực hiện chiến lược phát triển Khoa học và Công nghệ theo con đường đi tắt đón đầu, tập trung vào những ngành và lĩnh vực mà Việt Nam có ưu thế; Có cơ chế ưu đãi, trọng dụng cho nguồn nhân lực tham gia trực tiếp nghiên cứu khoa học, xây dựng thị trường Khoa học công nghệ lành mạnh đảm bảo đúng giá trị.

TS Hoàng Thị Thắm, Tổ trưởng tổ Lịch sử Đảng, trường Đại học Thương mại góp ý, đánh giá về kết quả đạt được cũng như hạn chế yếu kém trong lĩnh vực Khoa học Công nghệ chưa chỉ ra được yếu kém trong nghiên cứu ứng dụng, đặc biệt thiếu những nghiên cứu, phát minh mới đưa vào sản xuất; chưa chỉ ra lỗ hổng, hạn chế trong nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn, đầu tư nhiều ngân sách nhưng hiệu quả ứng dụng trong thực tế không cao; chưa đề cập đến những kết quả cũng như hạn chế, yếu kém trong khoa học lý luận chính trị. Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021-2030 cũng chỉ tập trung đến lĩnh vực khoa học ứng dụng, khoa học xã hội nhân văn mà chưa đề cập đến khoa học lý luận chính trị.

TS. Hoàng Thị Thắm

Chủ đề 2: Nguồn nhân lực chất lượng cao

Ở chủ đề này, nhiều ý kiến được tham luận, trao đổi tại hội thảo, trong đó nhiều đại biểu đều đồng tình rằng, hiện nay ở Việt Nam còn rất thiếu đội ngũ các nhà khoa học đầu ngành, lãng phí chất xám, lãng phí  nguồn nhân lực chất lượng cao có trình độ, kinh nghiệm.

GS.TS Lê Thị Hợp, GS.TS Lê Thị Châm, PGS.TS Bùi Thị An đều khẳng định việc cần có giải pháp hoàn thiện chính sách, quy định về phát hiện, tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm các nhà khoa học nói chung, nhà khoa học nữ nói riêng, có cơ chế cụ thể để thu hút nhân tài, phát huy năng lực nội sinh của đất nước. Việc phát hiện nhân tài nên dựa trên kết quả thực tiễn, tránh chỉ dựa vào bằng cấp. Bên cạnh đó, việc tôn vinh, chăm sóc về tinh thần cho đội ngũ các nhà khoa học cũng cần quan tâm kịp thời, thường xuyên để thúc đẩy đồng thời có cơ chế phát huy năng lực sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, khơi dậy khát vọng, niềm tin của đội ngũ nữ trí thức tham gia đóng góp vào đất nước.

PGS.TS Bùi Thị An

GS.TS Nguyễn Khánh Diệu Hồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu đào tạo phát triển nguồn nhân lực, Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam đã đi sâu phân tích các đặc thù của nữ giới tham gia vào lĩnh vực khoa học kỹ thuật (STEM) với rất nhiều rào cản, đặc thù, khó khăn so với nam giới. GS.TS Diệu Hồng đưa ra 3 nhóm giải pháp khuyến nghị: Cần chuẩn bị các kỹ năng nghiên cứu khoa học cho học sinh nữ từ thời phổ thông, chú trọng hơn các đại học nghiên cứu, có quỹ nhằm tài trợ riêng cho các đề tài do các nhà khoa học nữ chủ trì; Có sự thấu hiểu, ghi nhận, khuyến khích, lan tỏa, nâng cao vị thế của phụ nữ trong lĩnh vực STEM, xóa bỏ định kiến giới; Tạo môi trường làm việc phù hợp, xây dựng cộng đồng các nhà nữ khoa học.

GS.TS Nguyễn Khánh Diệu Hồng

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai đã dành thời gian cung cấp thêm nhiều thông tin tới quá trình xây dựng dự thảo các văn kiện; nhấn mạnh, làm rõ thêm các quan điểm, định hướng lớn trong lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và Công nghệ cũng như nguồn nhân lực cao; gợi mở thêm một số vấn đề để các đại biểu tiếp tục quan tâm, đóng góp ý kiến gửi về ban soạn thảo Văn kiện thông qua Hội LHPN Việt Nam.

Đồng chí Trương Thị Mai

Bày tỏ niềm tự hào, tin tưởng vào sự phát triển, đóng góp của đội ngũ nữ trí thức Việt Nam vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, đồng chí Trương Thị Mai ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các nữ trí thức tại hội thảo. Đồng chí nhấn mạnh: Muốn nâng cao năng suất lao động phải đổi mới sáng tạo, như vậy thì không có con đường nào khác là phải nâng cao lĩnh vực Khoa học và Công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ hội bình đẳng thực chất cho phụ nữ, đảm bảo đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Các đại biểu tham dự hội thảo

 

Giáo dục - Đào tạo; Khoa học - Công nghệ và Nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những lĩnh vực được Ðảng ta xác định là động lực then chốt để phát triển đất nước. Dự thảo Văn kiện trình Đại hội Đảng lần thứ XIII đã chỉ rõ những hạn chế trong lĩnh vực này là: “Đổi mới giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ chưa thực sự trở thành động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội,  đầu tư cho khoa học và công nghệ còn thấp, hiệu quả chưa cao,  giáo dục "làm người", đạo đức, lối sống còn bị xem nhẹ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, chưa tạo được môi trường thuận lợi để phát huy sức sáng tạo, thu hút nhân tài”.

Về quan điểm chỉ đạo, Văn kiện xác định phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút, trọng dụng nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Về định hướng phát triển Giáo dục - Đào tạo; Khoa học - Công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao trong những năm sắp tới, Văn kiện xác định phải tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhân lực chất lượng cao và trọng dụng nhân tài, thúc đẩy xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời và tiếp tục quán triệt, thực hiện nhất quán chủ trương coi khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, đồng thời nhấn mạnh mối quan hệ hữu cơ giữa nguồn nhân lực chất lượng cao với xây dựng con người Việt Nam hiện đại trong giáo dục và đào tạo.

TTTT

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video