Phát biểu khai mạc của Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Trương Quang Được

06/07/2006
Tại Hội nghị chuyên đề AIPO về hợp tác lập pháp trong phòng, chống buôn bán phụ nữ và trẻ em được tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh trong hai ngày (03, 04 tháng 07 năm 2006), Phó Chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được đã phát biểu khai mạc hội nghị với nội dung như sau:



Thưa bà Trương Mỹ Hoa, Phó chủ tịch nước CHXHCVN,

Thưa các quý vị đại biểu,

Thưa các quý bà, quý ông,

 

Thay mặt Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tôi xin gửi lời chào mừng nồng nhiệt nhất tới các nghị sỹ cùng các quý vị đại biểu trong nước và nước ngoài tham dự “Hội nghị chuyên đề của AIPO về hợp tác lập pháp trong phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em”.

Như quý vị đã biết, Đại hội đồng AIPO 23 tổ chức tại Hà nội, Việt Nam từ ngày 8-13/9/2002 đã thông qua Nghị quyết về hợp tác ASEAN chống tội phạm xuyên quốc gia, trong đó có phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em. Tại Đại hội đồng AIPO lần thứ 26 tổ chức tại Viêng-chăn, Lào từ ngày 18-23/9/2005, Uỷ ban nữ nghị sỹ AIPO, Uỷ ban về các vấn đề xã hội, Uỷ ban về các vấn đề tổ chức của AIPO đã thảo luận đề xuất về tăng cường sự hợp tác lập pháp trong phòng chống buôn bán phụ nữ, trẻ em. Quốc hội Việt Nam lấy làm hân hạnh được Đại hội đồng uỷ nhiệm chủ trì tổ chức hội nghị chuyên đề về vấn đề này. Hội nghị được tổ chức là nhờ sự ủng hộ nhiệt tình của quý vị đối với sự nghiệp đấu tranh bảo vệ phụ nữ, trẻ em nói chung và phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em nói riêng.

Buôn bán phụ nữ, trẻ em là sự xâm hại, bóc lột phi nhân tính không thể chấp nhận được. Đây là vấn nạn đã có từ lâu ở các nước song hiện đang là vấn đề nóng bỏng, mang tính xuyên quốc gia. Quá trình toàn cầu hoá đã đem lại nhiều cơ hội cho sự phát triển xã hội của các quốc gia song cũng đặt ra nhiều thách thức với loài người, đặc biệt đối với các nước đang phát triển, trong đó có những thách thức về mức độ, thủ đoạn và phương thức buôn bán phụ nữ, trẻ em.

Cũng như nhiều nước trong cộng đồng quốc tế, Đảng và Nhà nước Việt Nam rất quan tâm đến vấn đề phòng, chống buôn bán phụ nữ trẻ em. Việt Nam đã tăng cường tuyên truyền, đầu tư nguồn lực và triển khai đồng bộ các biện pháp để phòng chống loại tội phạm này, đã cứu được nhiều nạn nhân, tuy vậy kết quả còn hạn chế, vẫn chưa chặn đứng được bọn tội phạm.

Xác định rõ tính chất xuyên quốc gia của loại tội phạm buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em, những năm gần đây, các nước ASEAN đã có những hoạt động hợp tác để chống lại loại tội phạm này song hiệu quả vẫn còn hạn chế, trong đó có nguyên nhân do sự khác biệt về luật pháp và cơ chế, chính sách của các nước. Nghị viện các nước là một trong những cơ quan có thẩm quyền để giải quyết sự khác biệt này. Một số nước trong khu vực đã bước đầu thay đổi nội luật để phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (có hiệu lực từ năm 2003) và Nghị định thư về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị tội phạm buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, bổ sung cho Công ước về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Đây chính là điều kiện cần thiết để các cơ quan chức năng tiến hành các hoạt động hợp tác có hiệu quả hơn trong phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em.

Hội nghị lần này được tổ chức trong bối cảnh AIPO đang nỗ lực cải tổ để trở thành một tổ chức hoạt động có hiệu quả và ngày càng liên kết hơn. Hai ngày hội nghị là cơ hội tốt để chúng ta cùng trao đổi với các chuyên gia cũng như trao đổi về thực tiễn lập pháp của nước mình về vấn đề phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em. Ngoài việc trao đổi, học tập kinh nghiệm ngay trong hội nghị, chúng tôi mong rằng các quý vị đại biểu sẽ thảo luận về một số vấn đề quan trọng sau đây:

- Những kẽ hở pháp luật mà bọn tội phạm có thể lợi dụng hoặc là rào cản đối với hoạt động hợp tác giữa các nước trong phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em và vai trò của cơ quan lập pháp trong vấn đề này;

- Các biện pháp tăng cường sự hợp tác giữa Nghị viện các nước trong trong phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em.

Trên cơ sở các thảo luận đó chúng ta sẽ có báo cáo trình Đại hội đồng AIPO lần thứ 27 tổ chức tại Philippine, tháng 9/2006.

Tôi cũng mong rằng các nước quan sát viên, các tổ chức quốc tế sẽủng hộ sáng kiến của AIPO trong cuộc đấu tranh với tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em.

Với tinh thần đó, tôi xin tuyên bố khai mạc hội nghị chuyên đề của AIPO về hợp tác lập pháp trong phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em.

Chúc quý vị đại biểu sức khoẻ dồi dào, thảo luận sôi nổi và chúc hội nghị thành công.

Chúc quý vị đại biểu nước ngoài và quý khách những ngày bổ ích và thú vị tại đất nước Việt Nam

Xin cảm ơn./.

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video