Phát biểu của Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa

06/07/2006
Tại lễ khai mạc Hội nghị chuyên đề AIPO về hợp tác lập pháp trong phòng, chống buôn bán phụ nữ và trẻ em được tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh trong hai ngày (03, 04 tháng 07 năm 2006), Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa đã có bài phát biểu. Trang Web Hội LHPN Việt Nam xin trân trọng giới thiệu với độc giả nội dung bài phát biểu này

 

Thưa các quý vị đại biểu,

Thưa các quý bà, quý ông,

 

Thay mặt Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nhân danh cá nhân tôi xin nhiệt liệt chào mừng các vị khách quý quý cùng các quývị đại biểu trong nước và nước ngoài tham dự Hội nghị vô cùng quan trọng này. Tôi hoan nghênh Đại hội đồng AIPO lần thứ 26 đã có sáng kiến về tăng cường sự hợp tác lập pháp trong phòng chống buôn bán phụ nữ, trẻ em và giao Quốc hội Việt Nam chủ trì tổ chức hội nghị chuyên đề này.

 

Chúc quý vị đại biểu sức khoẻ, hạnh phúc.

Chúc Hội nghị thành công tốt đẹp.

 

Như quý vị đã biết, buôn bán người, đặc biệt là buôn bán phụ nữ, trẻ em là một loại tội phạm mà cả loài người tiến bộ lên án vì nó xâm phạm nghiêm trọng quyền của phụ nữ, trẻ em, gây hậu quả trực tiếp cho nạn nhân, gia đình, xã hội. Đây là một vấn đề bức xúc, nóng bỏng, nhức nhối, đang có chiều hướng gia tăng, mang tính xuyên quốc gia. Hiện tại, chúng ta đã xây dựng một hệ thống văn kiện quốc tế có liên quan đến phòng, chống lạm dụng phụ nữ, trẻ em như: Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền; Công ước của Liên hợp quốc về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (Công ước CEDAW); Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em (CRC) và Nghị định thư không bắt buộc về chống buôn bán, mại dâm, khiêu dâm trẻ em và sự tham gia của trẻ em trong xung đột quân sự. Đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (có hiệu lực từ năm 2003) và Nghị định thư về phòng ngừa, trắn áp và trừng trị tội phạm buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, bổ sung cho Công ước về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia….Một số nước trong khu vực đã ký kết, phê chuẩn hoặc tham gia Công ước và Nghị định thư bổ sung này.

 

Trong thời gian qua sự hợp tác của các nước trong khu vực ngày càng được tăng cường và có những bước tiến rất quan trọng. Ngay từ năm 1998, các quốc gia ASEAN đã thông qua bản Tuyên bố Hà Nội và kế hoạch Hành động Hà Nội về tăng cường các nỗ lực chống tội phạm xuyên quốc gia, kể cả buôn bán người. Tháng 11/2004 tại Viêng Chăn, Lào, đại diện chính phủ các nước ASEAN đã thông qua Tuyên bố ASEAN về chống buôn bán người, đặc biệt phụ nữ, trẻ em. Chính phủ các quốc gia ASEAN đã ký hiệp định Tương trợ tư pháp về các vấn đề hình sự vào tháng 11/2004. Riêng sáu nước tiểu vùng sông Mê Kông bao gồm Campuchia, Lào, Myanma, Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để chống lại vấn nạn buôn bánngười, đặc biệt là buôn bán phụ nữ, trẻ em, đã thống nhất và triển khai Kế hoạch hành động chống buôn bán người (COMMITT). Kế hoạch hành động này bao gồm việc hợp tác trong lĩnh vực điều tra, truy tố tội phạm và những hệ thống hỗ trợ hồi hương và giúp đỡ nạn nhân tái hoà nhập cộng đồng an toàn. Bên cạnh đó một số hiệp định, thoả thuận song phương cũng đã được ký kết giữa các nước trong khu vực.

 

Bảo vệ phụ nữ, trẻ em nói chung và phòng chống buôn bán phụ nữ trẻ em nói riêng luôn được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Tôi rất tự hào tuyên bố rằng địa vị của phụ nữ Việt Nam đã được cải thiện cơ bản trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình. Tuy nhiên tôi cũng rất trăn trở khi nhận được báo cáo của các cơ quan chức năng hoặc qua thông tin đại chúng thông báo vấn nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em ở Việt Nam trong hơn 10 năm gần đây có xu hướng gia tăng mặc dù Nhà nước đã có nhiều chính sách, biện pháp quyết liệt để đấu tranh với vấn nạn này. Hàng nghìn phụ nữ, trẻ em đã bị buôn bán. Phần lớn phụ nữ, trẻ em Việt Nam bị dụ dỗ, lừa gạt buôn bán ra nước ngoài, đến nhiều nước khác nhau với nhiều hình thức và mục đích khác nhau như làm gái mại dâm, làm vợ bất hợp pháp,…Trước thực trạng đó Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chương trình hành động phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em từ năm 2004-2010, giao Bộ Công an là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo liên ngành của Chương trình này. Nghị quyết của Quốc hội Việt Nam về kế hoạch năm 2006-1010 đã đặt ra nhiệm vụ thực hiện các giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ trong đó có việc phối hợp chặt chẽ với các nước trong khu vực để kiểm soát và tiến tới đẩy lùi tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em.

 

Thưa các quý vị đại biểu,

 

Chúng ta đã đạt được một số bước tiến trong phòng, chống buôn bán, phụ nữ, trẻ em trong khu vực, tuy nhiên vấn nạn này vẫn chưa bị chặn đứng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc này, song tôi cho rằng trong thời gian qua sự quan tâm của các nước trong khu vực nói chung và hợp tác giữa nghị sĩ các quốc gia trong khu vực nói riêng chưa tương xứng với tầm quan trọng của vấn đề phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em.

 

Tôi hy vọng rằng trong 2 ngày hội nghị quan trọng này, các nghị sỹ trong khu vực sẽ có trao đổi được nhiều thông tin và đưa ra được các đề xuất, sáng kiến về hợp tác trong lĩnh vực lập pháp nhằm tạo môi trường thuận lợi cho công tác phòng chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em ở mỗi quốc gia cũng như ở trong khu vực.

 

Nhân dịp này, một lần nữa, thay mặt Nhà nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tôixin gửi lời cám ơn chân thành tới các cá nhân, tổ chức quốc tế đã ủng hộ Việt nam cũng như các quốc gia trong khu vực trong cuộc đấu tranh với tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em.

 

Chúc tình đoàn kết hữu nghị giữa các nước ngày càng bền vững.

Chúc hội nghị thành công tốt đẹp./.

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video