Phát biểu bế mạc Hội nghị

06/07/2006
Chiều 4/7/2006, bà Nguyễn Thị Hoài Thu, Chủ nhiệm Uỷ ban Các Vấn đề Xã hội của Quốc hội Việt Nam đã đọc lời phát biểu bế mạc Hội nghị chuyên đề AIPO về hợp tác lập pháp trong phòng, chống buôn bán phụ nữ và trẻ em. Toàn văn như sau:







Thưa các quý vị đại biểu,

Thưa các quý bà, quý ông,

Sau gần hai ngày làm việc khẩn trương với trách nhiệm cao của các Nghị sỹ các nước thành viên AIPO, các nước quan sát viên đặc biệt và quan sát viên, với sự hỗ trợ tích cực của các chuyên gia, các thư ký và các kỹ thuật viên, Hội nghị chuyên đề của AIPO về hợp tác lập pháp trong phòng, chống buôn bán phụ nữvà trẻ em đã kết thúc tốt đẹp. Thay mặt ban tổ chức, tôi bày tỏ lòng cảm ơn chân thành về những đóng góp quý báu của quý vị cho thành công của hội nghị.

Hai ngày qua chúng ta đã phải thảo luận về một vấn đề mà thực ra không ai trong chúng ta thấy vui. Song vì thực tế cuộc sống và trách nhiệm thúc giục, vì cộng đồng và những người dân thân yêu của chúng ta, chúng ta đã thảo luận và đề ra biện pháp nhằm góp phần thúc đẩy chấm dứt vấn nạn buôn bán người, đặc biệt buôn bán phụ nữ và trẻ em.

Mặc dù đã thảo luận, đã trao đổi và thông qua khuyến nghị song câu hỏi phải làm gì để tất cả phụ nữ, trẻ em được sống bình an và hạnh phúc, bảo đảm cho tất cả phụ nữ, trẻ em được thực hiện và thụ hưởng đầy đủ quyền con người, đảm bảo không còn gia đình nào phải chịu đau khổ vì người thân bị buôn bán vẫn luôn luôn ám ảnh trong đầu tôi, và tôi tin các quý vị ngồi đây cũng có tâm trạng như tôi.

Tôi tin tưởng mỗi người trong chúng ta đã thu hoạch được nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực này. Đặc biệt, chúng ta đã thống nhất bản kiến nghị trình Đại hội đồng AIPO lần thứ 27 tổ chức tại Philippine vào tháng 9/2006, trong đó đề xuất cách hoạt động mới cho AIPO để hoạt động có hiệu quả hơn trong lĩnh vực này. Chúng ta đưa ra được các đề xuất, sáng kiến về hợp tác phù hợp với chức năng của cơ quan lập pháp nhằm tạo môi trường thuận lợi cho công tác phòng chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em ở mỗi quốc gia cũng như ở trong khu vực.

Về phần mình, Đoàn đại biểu Việt nam với số Nghị sỹ tham gia khá đông, mỗi Nghị sỹ giữ vị trí quan trong trong Hội đồng Dân tộc và một số ủy ban của Quốc hội. Tôi hy vọng và tin tưởng rằng qua những bài trình bày của Đại biểu các nước trong khu vực, các chuyên gia quốc tế, ý kiến thảo luận, tranh luận của các đại biểu, các nước quan sát viênvà đặc biệt là cuốn tài liệu tham khảo về “Khuôn khổ chính sách và pháp luật phòng, chống buôn bán người của các nước trong khu vực ASEAN”, các đại biểu Quốc hội Việt nam phải suy nghĩ thật nhiều, thật khẩn trương và hãy đặt mình vào vị trí của gia đình, hoặc của bản thân người bị buôn bán, vào vị trí của nạn nhân để chúng ta giành tất cả tình cảm và sự yêu thương đối với họ, những hoàn cảnh cùng cực mà họ phải gánh chịu. Có thể họ sẽ phảI chết vì họ bị bóc lột thậm tệ về thể xác, tinh thần, vì bị nhiễm HIV/AIDS, bị ảnh hưởng về sức khỏe tình dục, đôi khi họ còn bị khai thác cả nội tạng… nếu những phụ nữ, trẻ em bị buôn bán không chết về thể xác thì họ cũng bị ảnh hưởng và sa sút nghiêm trọng về tinh thần, đặc biệt là đối với trẻ em - các cháu là những người rất đáng yêu. Vậy chúng ta cần phải suy nghĩ thế nào, hành động ra sao?

Tôi nghĩ và đồng tình với việc sẽ kiến nghị với Quốc hội để thành lập nhóm Nghị sỹ Việt nam về phòng, chống buôn bán phụ nữ và trẻ em, (tất nhiên đây không phải là nhóm nghị sỹ hoạt động theo cơ chế chuyên trách). Mục đích của nhóm này sẽ là nòng cốt trong các hoạt động của Quốc hội cũng nhưvận động Quốc hội trong việc xây dựng và ban hành luật phòng, chống buôn bán người. Tôi thiết nghĩ trước mắt, phải thúc đẩy các cơ quan của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Quốc hội quan tâm hơn, chú trọng hơn trong việc giám sát thực hiện pháp luật, chính sách và các văn bản quốc tế mà Việt Nam gia nhập hoặc ký kết có liên quan đến phòng, chống buôn bán phụ nữ và trẻ em.

Mặt khác, Quốc hội cần tăng cường giám sát việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về phát triển Kinh tế-Xã hội, về Xóa đói giảm nghèo đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dan tộc thiểu số. Chú trọng việc nâng cao trình độ học vấn nhất là cho phụ nữ, phổ cập giáo dục tiểu học cho trẻ em trong độ tuổi nhằm để phụ nữ và trẻ em có thể tự bảo vệ mình, chống lại mọi sự lừa gạt, cám dỗ của những kẻ buôn bán người. Kiên quyết trừng trị thích đáng tội phạm về buôn bán người nói chung và tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em nói riêng. Mặt khác cần tăng cường hợp tác trong khu vực mà nhất là các nước láng giềng, các nước có chung đường biên giới, đặc biệt lực lượng cảnh sát, bộ đội biên phòng phải biết dựa vào dân để phát hiện những thủ đoạn và hành vi của bọn buôn bán người.

Một vấn đề cốt lõi và lâu dài đó là phải tiếp tục tăng cường các hoạt động truyền thông, giáo dục để tất cả mọi người, mọi gia đình, mọi tổ chức đều có ý thức đề cao cảnh giác đối với nạn buôn bán người. Bên cạnh đó, thiết lập nhiều đường dây nóng để người dân, phụ nữ, trẻ em phản ảnh kịp thời tình hình cũng như những nguy cơ, tình huống, trường hợp nguy hiểm với cơ quan có trách nhiệm, có thẩm quyền một cách kịp thời. Phải thực sự coi trọng công tác phòng, ngừa, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân, chỉ có như vậy thì công tác phong, chống buôn bán người mới có thể đạt hiệu quả.

Hội nghị quốc tế, khu vực là tạo ra sự nhất trí cao, đồng tâm hợp sức của những nhà lãnh đạo, nhiệm vụ của mỗi quốc gia – có thể là điểm xuất phát mà không ai chắc chắn rằng không phải là điểm đến - đều phải hành động một cách khẩn trương, nỗ lực, hiệu quả hơn, có như vậy thì mới có khả năng ngăn chặn nạn buôn bán người và có thể kiểm sóat được tình tình và trừng trị được tội phạm buôn bán người. Tôi chắc rằng không quốc gia nào dung túng, chứa chấp những kẻ mất hết nhân tính và loại người cực lực lên án.

Thưa các quý bà, quý ông,

Bài phát biểu của tôi hơi dài, song tôi thiết nghĩ chúng ta là những đại biểu của dân, đại diện cho quyền lợi của dân do vậy cần phải làm hết sức mình vì dân vì dân tộc, đất nước mình và thể hiện rõ quan điểm, chính kiến của mình trước nhân dân và cộng đồng quốc tế.

Trước khi kết thúc, tôi cũng mong quý vị đại biểu dành cho chúng tôi sự cảm thông nếu như công tác tổ chức có những khiếm khuyết, hoặc thiếu sót.

Với tinh thần đó tôi xin tuyên bố bế mạc hội nghị chuyên đề của AIPO về hợp tác lập pháp trong phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em.

            Hy vọng các quý vị đại biểu có những ngày thoải mái tại thành phố Hồ Chí Minh, một trung tâm thương mại và văn hóa sôi động của đất nước Việt Nam chúng tôi.

Hẹn gặp lại tại cuộc họp Đại hội đồng AIPO lần thứ 27 ở Malina, Philipin vào tháng 9 tới và xin chúc tất cả quý vị sức khoẻ, hạnh phúc và vạn sự như ý.

Xin cám ơn.

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video