Phấn đấu năm 2030 có 75% cơ quan quản lý nhà nước có lãnh đạo chủ chốt là nữ

25/03/2021
Đó là một trong những mục tiêu được đề ra trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng các nữ đại biểu Quốc hội tham gia chương trình gặp mặt nữ đại biểu QH khóa XIV do TW Hội LHPN Việt Nam tổ chức (Ảnh TTTT)

Ngày 03/3/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 28/NQ-CP ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030 (gọi tắt là Chiến lược). Trên cơ sở kế thừa Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2020, Chiến lược tiếp tục thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về bình đẳng giới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của đất nước.

Chiến lược xác định mục tiêu tổng quát nhằm tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Chiến lược xác định 6 mục tiêu cụ thể với 20 chỉ tiêu về các lĩnh vực chính trị; kinh tế, lao động; đời sống gia đình và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; y tế; giáo dục, đào tạo và thông tin, truyền thông.

Trong lĩnh vực chính trị, Chiến lược đề ra chỉ tiêu đến năm 2025 đạt 60% và đến năm 2030 đạt 75% các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ. Trong lĩnh vực kinh tế, lao động, chỉ tiêu đề ra là tăng tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương lên đạt 50% vào năm 2025 và khoảng 60% vào năm 2030; giảm tỷ trọng lao động nữ làm việc trong khu vực nông nghiệp trong tổng số lao động nữ có việc làm xuống dưới 30% vào năm 2025 và dưới 25% vào năm 2030 và tỷ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã đạt ít nhất 27% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030.

Trong đời sống gia đình và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, chiến lược đề ra chỉ tiêu giảm số giờ trung bình làm công việc nội trợ và chăm sóc trong gia đình không được trả công của phụ nữ còn 1,7 lần vào năm 2025 và 1,4 lần vào năm 2030 so với nam giới. Trong lĩnh vực y tế, các chỉ tiêu hướng tới giảm tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh, giảm tỷ lệ tử vong ở mẹ liên quan đến thai sản, giảm tỷ suất sinh ở vị thành niên và tăng tỷ lệ thành phố có dịch vụ chăm sóc sức khỏe dành cho người đồng tính, song tính và chuyển giới.

Một chỉ tiêu mới trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, đó là nội dung về giới, bình đẳng giới được đưa vào chương trình giảng dạy trong hệ thống giáo dục quốc dân và được giảng dạy chính thức ở các trường sư phạm từ năm 2025 trở đi.

Cuối cùng là các chỉ tiêu trong lĩnh vực thông tin, truyền thông, trong đó có chỉ tiêu phấn đấu đạt 60% vào năm 2025 và 80% vào năm 2030 dân số được tiếp cận kiến thức cơ bản về bình đẳng giới, cũng như duy trì đạt 100% đài phát thanh và đài truyền hình ở Trung ương và địa phương có chuyên mục, chuyên đề nâng cao nhận thức về bình đẳng giới hàng tháng.

Để tổ chức thực hiện tốt Chiến lược đề ra, Chính phủ đề ra 6 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, tập trung vào tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, đề cao vai trò người đứng đầu; hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, đảm bảo lồng ghép giới trong xây dựng chính sách, pháp luật và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; triển khai các chương trình nhằm thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền; tăng cường năng lực bộ máy quản lý và chủ động hợp tác quốc tế trong thực hiện công tác bình đẳng giới.

Chính phủ giao cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức triển khai Chiến lược trên phạm vi cả nước; các bộ, ngành, cơ quan liên quan, trong chức năng nhiệm vụ được phân công phối hợp triển khai thực hiện Chiến lược này. 

Ban CSLP TW Hội LHPN Việt Nam

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video