Nuôi con bằng sữa mẹ - vì hạnh phúc gia đình

31/01/2013
“Mỗi lần cho con bú, tôi lại cảm thấy niềm hạnh phúc và sự gắn kết giữa hai mẹ con, cảm nhận được cháu lớn lên từng ngày”, chị Dương Thị Yến, Thái Nguyên chia sẻ.

Không cho bé bú sữa mẹ - thiệt mẹ thiệt con

“Tôi từng nghĩ mình là người mẹ vụng về, không biết chăm con” – chị Dương Thị Yến (Thị xã Sông Công, Thái Nguyên) mở đầu câu chuyện với chúng tôi. Chị Yến hiện có hai con trai. Chị tâm sự: chị lập gia đình và sinh con khi mới 21 tuổi, làm công nhân của công ty may cách xa nhà gần 20km. Lúc ấy vì điều kiện hoàn cảnh, bản thân lại không có kiến thức chăm con, chị chỉ cho con bú sữa mẹ hoàn toàn được trong hơn 2 tháng, sau đó mẹ đi làm nên cho con ăn sữa bổ sung và đến tháng thứ 8 thì cai sữa. Khi ấy, mặc dù chị dùng gần hết tiền lương công nhân hàng tháng để mua sữa cho con nhưng cháu bé vẫn chậm lớn hơn so với nhiều đứa trẻ khác. Cháu rất nghịch, ăn uống kém cũng hay mắc bệnh hơn.

Cùng hoàn cảnh nuôi con như trên là chị Lương Kim Trang (kế toán công ty tư nhân ở TP Hưng Yên). Chị Trang tự nhận, kiến thức nuôi dạy con của chị chỉ đạt 5, 6 điểm (tính thang điểm 10). Con chị bỏ bú sữa mẹ từ khi mới 3 tháng mà chị không biết làm thế nào để cải thiện. Con bỏ bú mẹ không chỉ làm gia đình chị mỗi tháng mất hơn 1 triệu đồng tiền mua sữa cho con mà cháu đã 14 tháng vẫn còi cọc và hay ốm đau. Tương tự, chị Vi Thị Nhung, (35 tuổi, dân tộc Tày, TP Lào Cai) cũng vì hoàn cảnh và thất bại trong việc chăm sóc, nuôi đứa con đầu mà 15 năm sau anh chị mới dám sinh đứa con thứ 2. Nhiều năm trước, chị mải buôn bán nên cháu bé sinh ra ít được bú sữa mẹ, ít dành thời gian chăm sóc con, tình cảm mẹ con cũng ít gắn kết, thân thiết.

Cảm thấy khó khăn trong việc chăm và nuôi con, ba bà mẹ trên đã tham gia CLB NCBSM do Hội LHPN địa phương thành lập. Tại CLB NCBSM, họ cùng với hàng trăm, hàng nghìn các ông bố, bà mẹ khác được học hỏi kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con, đặc biệt là kiến thức về NCBSM. Nhìn nhận lại quá trình nuôi con của mình, họ nhận ra, họ đã không chăm sóc con tốt ngay từ đầu. Chính việc họ thiếu kiến thức, yếu kinh nghiệm, không cho con bú ngay trong những giờ đầu sau sinh và bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và trong thời gian tiếp theo đã khiến cho trẻ còi cọc, chậm lớn, hay ốm đau hơn. Các mẹ cũng nhận ra, việc không cho trẻ bú đúng khoa học không chỉ gây thiệt cho trẻ mà còn thiệt cho mẹ, đồng thời gây tốn kém kinh tế gia đình.

Hạnh phúc đến từ việc cho con bú sữa mẹ

Chị Yến tham gia CLB khi sinh con thứ hai được hơn 1 tháng. Được học những kiến thức mới khoa học, được các thành viên CLB chia sẻ kinh nghiệm, chị đã áp dụng vào việc chăm con. Cháu bé được 8 tháng tuổi, mập mạp, khỏe mạnh, nặng 11kg, gần bằng cân nặng của anh trai 3 tuổi – 11,5 kg. Ôm con trong vòng tay, chị Yến chia sẻ: “Mỗi lần cho con bú, tôi lại cảm thấy niềm hạnh phúc và sự gắn kết giữa hai mẹ con, cảm nhận được cháu lớn lên từng ngày. Vì vậy mà tôi thực hiện đúng theo những kiến thức được học trong những buổi sinh hoạt CLB NCBSM, cho con bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và vẫn tiếp tục cho con bú trong những tháng tiếp theo. Hiện, mặc dù chỉ được nghỉ trưa gần 2 tiếng, nơi làm việc ở xa nhưng tôi vẫn tranh thủ về cho con bú. Khi nào bận cả ngày không về được thì tôi vắt sữa vào bình, gửi tủ lạnh nhà hàng xóm, đến bữa bà sẽ cho cháu bú”.

Chị Nhung cũng không dấu nổi niềm hạnh phúc khi cho biết, tuy đã rất lâu (15 năm) không sinh và nuôi con nhỏ nhưng chị cũng không cảm thấy bỡ ngỡ, khó khăn trong việc cho con bú và chăm sóc con. Chị biết cách để làm sao cho con bú được nhiều sữa nhất, biết cách xử lý tình huống khi con bú có vấn đề. Nhờ được học, nâng cao nhận thức, chia sẻ kiến thức khoa học từ CLB, hiểu được lợi ích của sữa mẹ, chị đã quyết tâm thực hiện đúng để nuôi dạy con tốt nhất. Ví dụ như khi sinh mổ, không có sữa cho con, chị đã nhờ người thân cho con bú ngay trong giờ đầu sau sinh.

Chị Hồng, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam khẳng định: “Cháu đầu tiên nhà tôi thiệt thòi không được bú sữa non và ít được bú sữa mẹ mà chủ yếu là ăn sữa ngoài, do nghe theo mẹ chồng khuyên là sữa non không tốt, sữa mẹ loãng. Khi được tham gia sinh hoạt CLB thấy được tác dụng của sữa non, sữa mẹ nên tôi đang mang bầu cháu thứ 2, tôi sẽ thực hiện cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ...”.

Từ khi tham gia CLB NCBSM, chị Yến, chị Nhung cũng như nhiều thành viên khác đã ý thức được tầm quan trọng của việc NCBSM và chăm sóc con những năm đầu đời, từ đó có nhiều sự thay đổi trong việc chăm sóc con. Các chị cũng tuyên truyền cho những người xung quanh hiểu được ý nghĩa của việc NCBSM. Điều đó đã mang lại lợi ích và tạo dựng được niềm hạnh phúc lớn lao cho bé, cho mẹ và cho cả gia đình.

Với ý nghĩa lớn lao đó, tại các CLB và tại địa phương triển khai thực hiện sinh hoạt CLB ngày càng có nhiều chị em thực hiện NCBSM. Hy vọng rằng, trong thời gian tới, các CLB NCBSM được nhân rộng ra để ngày càng có nhiều gia đình, đặc biệt là các bà mẹ, trẻ em được hưởng niềm hạnh phúc do việc NCBSM mang lại.

Phạm Hồng

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video