Nữ "hiệp sĩ" Rosi Stenke

07/04/2005
Những ngày đầu tháng 4, cả nước vui mừng với sự kiện TP Hải Phòng tổ chức lễ đón nhận quyết định của UNESCO công nhận đảo Cát Bà là "Khu dự trữ sinh quyển thế giới". Trong niềm vui chung, ẩn hiện chân dung một con người -tiến sĩ Rosi Stenke- Giám đốc dự án bảo tồn voọc đầu trắng Cát Bà. Người phụ nữ này đến từ nước Đức, 5 năm qua đã gắn cuộc sống của mình với hòn đảo của xứ sở phương Đông xa xôi.

Tiến sĩ Rosi Stenke đến Cát Bà với trách nhiệm bảo tồn một loài linh trưởng còn tồn tại rất ít trên thế giới. Bà đến và đã cay đắng chứng kiến những động vật quý hiếm bị săn bắn, trở thành những món ăn trong các quán nhậu đặc sản thịt thú rừng. Bà đã độc hành trên 17.000ha rừng đảo, âm thầm nghiên cứu quy luật sinh sống của voọc đầu trắng, thống kê được số lượng 60 con sống tách thành 7 quần thể và đưa các giải pháp cứu nguy hiệu quả. Bà tiếp xúc với dân làng, kiên trì tuyên truyền về việc cần thiết phải bảo vệ thiên nhiên. Với những nỗ lực của bà trong ngần ấy năm, loài linh trưởng cực kỳ quý hiếm tạm thời được thoát khỏi nguy cơ bị tuyệt chủng. Đây cũng là sự đóng góp quan trọng để UNESCO công nhận quần đảo Cát Bà là "Khu dự trữ sinh quyển thế giới".

Tài nguyên và di sản thiên nhiên, di sản văn hoá VN đang trong tình trạng cần được bảo vệ khẩn cấp. Các nhà khoa học cũng như cộng đồng đều có trách nhiệm tham gia gìn giữ. Tuy nhiên, việc bảo tồn không phải hô hào mà bằng cái tài thật, cái tâm thật với việc làm thật. Ở nhiều lĩnh vực khác nhau của đất nước, đang rất cần có những "hiệp sĩ" như Rosi Stenke.

Lê Thanh Phong

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video