Nữ phóng viên viết về nạn quấy rối tình dục đoạt giải báo chí Pulitzer 2018

20/04/2018
Nữ phóng viên Jodi Kantor và Megan Twohey của The New York Times và cây bút điều tra Ronan Farrow của The New Yorker nhận giải Pulitzer (Mỹ) cho hạng mục "Phục vụ cộng đồng" với loạt bài viết về nạn quấy rối tình dục, tố cáo ông trùm Hollywood Harvey Weinstein.

Hai nữ phóng viên dũng cảm

Ngày 5/10, tờ The New York Times đã đăng phóng sự của hai nữ nhà báo Jodi Kantor và Megan Twohey có nội dung tố cáo Harvey Weinstein, một trong những nhà sản xuất phim lẫy lừng của Hollywood, về các hành vi quấy rối tình dục hàng loạt nữ ngôi sao và nhân viên trong suốt ba thập kỷ qua. 
Theo bài báo, ít nhất 8 người, trong đó nữ diễn viên Ashley Judd… khẳng định từng là nạn nhân của ông trùm Hollywood.

Câu chuyện của Weinstein đã tiêu tốn 4 tháng trời làm việc cật lực của hai phóng viên Jodi Kantor và Megan Twohey, bao gồm nhiều đêm thức trắng ở văn phòng trong những tuần lễ cuối cùng. Biên tập viên của họ, Rebecca Corbett, trưởng ban phóng sự điều tra của The New York Times, còn ở lại lâu hơn. Các phóng viên và biên tập viên đã phải đấu tranh với những đe dọa và mua chuộc đối với nguồn tin của họ. Weinstein từng dọa kiện The New York Times.

Ước tính, Harvey đã dàn xếp ít nhất 8 lần với các nạn nhân bằng tiền, trong đó có diễn viên Rose McGowan. The New York Times cho biết, trước khi nổi tiếng, nữ diễn viên đã được Harvey yêu cầu nhận 100.000 USD vào năm 1997 để không tố cáo hành vi quấy rối. Kathy DeClesis, cựu trợ lý của Bob Weinstein (em trai Harvey Weinstein) cũng tiết lộ việc một nhân viên trẻ đột ngột rời công ty sau cuộc gặp với Harvey rồi sau đó nhận một khoản tiền để im lặng.

Với quyền lực và tài sản kếch xù nên dường như Harvey Weinstein là bất khả xâm phạm. Thậm chí, một ngày sau khi vụ bê bối bị đăng tải trên tờ The New York Times, Harvey còn ngạo nghễ tuyên bố: “Chuyện này thật là thú vị, hãy để tôi dựng nó thành phim!”

Trước đó, nữ diễn viên Ahsley Judd cũng chia sẻ, trong giới diễn viên nữ, chẳng ai lạ hành vi xấu xa của Harvey Weinstein. Tuy nhiên, vì Harvey Weinstein quá quyền lực nên nhiều người dù chịu “ấm ức” cũng đành “ngậm đắng, nuốt cay”. Họ không dám lên tiếng vì sợ rằng có thể sự nghiệp điện ảnh của mình sẽ chấm dứt. Chỉ tới thời điểm này, khi đã thành danh, đã đứng tuổi và có vị thế nhất định ở Hollywood, Ahsley Judd mới dám lên tiếng tố cáo những hành vi của Harvey Weinstein đối với mình trong quá khứ. Một số nạn nhân cho biết không trình báo vì không có nhân chứng, sợ Harvey trả thù hoặc xấu hổ, và chỉ dám nói chuyện này với các đồng nghiệp.

Ronan Farrow - Người phá vỡ bức màn bí mật sau lưng đế chế Harvey Weinstein

Ronan Farrow là cộng tác viên của The New Yorker và là tác giả của bài phóng sự nổi tiếng về Harvey Weinstein. Bài báo của anh đã làm sụp đổ một tượng đài và thay đổi quan điểm thế giới về hành vi quấy rối tình dục

Bài báo gây chấn động Hollywood của anh đã đăng trên tờ The New Yorker ngày 10/10/2017 tường thuật lại chi tiết những vụ bê bối quấy rối tình dục của Harvey Weinstein trong suốt nhiều thập kỷ qua. Anh đồng thời cũng khai thác, phân tích sâu và cặn kẽ vào đội ngũ 'bộ sậu' dưới trướng của Weinstein, bao gồm những luật sư, nhà làm truyền thông, người đại diện, những nhân vật máu mặt thuộc ngành giải trí - cũng như những công ty tập đoàn điều tra, vốn dĩ được Weinstein đút lót hòng ém nhẹm thông tin mặc dù sự thật vốn dĩ đã được cả cộng đồng Hollywood biết đến từ lâu.

Theo Giám đốc chương trình HBO Casey Bloys, bài báo xuất sắc của Ronan Farrow trên tờ The New Yorker đã giúp làm bệ phóng thúc đẩy hàng tá những công cuộc điều tra khác nhau và khơi mào cho nhiều cuộc đàm luận hết sức cần thiết và đương thời. Công tác của anh đã đóng góp một phần tới những thay đổi trong văn hóa xã hội đương đại.

Còn theo chính tác giả Farrow, bài phóng sự về Weinstein đã cho giới truyền thông thấy rằng "Điều tra báo chí để khai quật sự thật là vô cùng cần thiết. Nếu tôi có thể làm một điều gì đó để giúp thế giới này tốt đẹp hơn, tôi nghĩ tôi sẽ thực hiện những bài báo đào sâu vào thể chế và vạch trần sự lạm dụng quyền lực vốn hiện hữu ở đất nước này".

Loạt bài trên hai tờ báo The New York Times và The New Yorker đã kéo theo phong trào #MeToo (Tôi cũng vậy), khuyến khích hàng trăm phụ nữ lên tiếng tố cáo hành vi xâm hại tình dục trong nhiều lĩnh vực và tại nhiều quốc gia.

Trong hạng mục phóng sự điều tra, tờ Washington Post được vinh danh với loạt bài vạch trần hành vi xâm hại tình dục của Roy Moore, ứng viên chạy đua vào thượng viện tại bang Alabama. Loạt bài của Washington Post được đánh giá đã thay đổi cục diện cuộc chạy đua ghế thượng nghị sĩ tại bang này.

Pulitzer là giải thưởng vinh danh những thành tựu trong ngành báo, tạp chí và báo chí trực tuyến, văn học và kịch nghệ ở Mỹ. Tờ Washington Post và New York Times đã chia sẻ giải thưởng trong hạng mục báo chí quốc gia với các bài viết về sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Hãng thông tấn Reuters được vinh danh trong hạng mục báo chí quốc tế với loạt bài về cuộc chiến chống ma túy tại Philippines của Tổng thống Rodrigo Duterte. Hãng này cũng giành giải báo ảnh với những hình ảnh phơi bày thảm cảnh của người di cư Rohingya.

 Ảnh minh họa

 Ảnh về một phụ nữ Rohingya chạy loạn bị kiệt sức sau khi vượt biên từ Myanmar sang Bangladesh của hãng tin Reuters giành giải Pulitzer 2018

Một giải báo ảnh khác được trao cho Daily Progress với những hình ảnh vụ bạo động vì vấn đề phân biệt chủng tộc ở Charlottesville, Mỹ.

PNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video