Nữ cựu chiến binh làm kinh tế giỏi

12/03/2017
Trăn trở, tìm hướng phát triển kinh tế gia đình, bà Nguyễn Thị Liên, ở xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội), một nữ cựu chiến binh quyết định "đánh cược" vào mô hình nuôi giun quế.

Trăn trở, tìm hướng phát triển kinh tế gia đình, bà Nguyễn Thị Liên, ở xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội), một nữ cựu chiến binh quyết định "đánh cược" vào mô hình nuôi giun quế. Từ chỗ ít người biết đến, giun quế dần trở thành nguồn thức ăn chăn nuôi có giá trị dinh dưỡng cao, an toàn, vệ sinh, được sử dụng ngày càng rộng rãi. Nuôi giun quế không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường...

Gần chục năm nay, trại nuôi giun quế của bà Liên là điểm thu mua phân gia súc, gia cầm cho bà con không chỉ trong thôn mà còn nhiều khu vực lân cận. Nghe khá lạ lẫm, nhưng đây lại là nguồn thức ăn chính phục vụ cho việc nuôi giun quế. Vừa dẫn chúng tôi đi thăm trại giun quế, bà Liên vừa kể, bản thân từng có gần 30 năm công tác trong quân đội. Năm 2002, bà nghỉ hưu với quân hàm Thiếu tá. Năm 2004, bà quyết định đầu tư nuôi giun quế với diện tích gần 400m2.

Việc sử dụng giun quế trong chăn nuôi giúp mang lại sản phẩm thịt lợn, gà có chất lượng cao và an toàn hơn so với sử dụng thức ăn công nghiệp. Tiếng lành đồn xa, ngày càng nhiều cơ quan Nhà nước, đơn vị kinh doanh thực phẩm sạch trên địa bàn Hà Nội và bà con nội trợ tìm đến trang trại mua thịt. Việc tiêu thụ thuận lợi, bà Liên mở rộng dần quy mô chăn nuôi gia súc, gia cầm; một mặt để cung ứng thịt sạch cho thị trường, tiếp đó là để quảng bá hiệu quả từ việc sử dụng giun quế làm thức ăn cho vật nuôi. Bà Liên chia sẻ: “Ban đầu, ý định của tôi là chỉ mong muốn có miếng thịt ngon, sạch cho bữa cơm. Nhưng sau đó tôi quyết định mở rộng trang trại để kinh doanh, vừa để tăng thêm thu nhập, vừa muốn đưa kinh nghiệm của mình chia sẻ với mọi người. Nhu cầu về thực phẩm sạch của người tiêu dùng ngày càng cao, chính vì thế trong tương lai, những mô hình như thế này sẽ phát triển mạnh”.

Đến nay, trại giun quế của bà Liên đã mở rộng quy mô thành 3 điểm sản xuất với tổng diện tích hơn 2.000m2. Được biết, mỗi tháng, trang trại cung ứng cho thị trường toàn miền Bắc khoảng 1 tấn giun giống với giá 60.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, đàn lợn thương phẩm gần 400 con của bà Liên cũng cung ứng cho các đơn vị kinh doanh thực phẩm sạch trên địa bàn Hà Nội trên dưới 1 tấn thịt mỗi tuần với giá 100.000 đồng/kg, chỉ bằng khoảng 1/2 so với giá thịt cùng loại trên thị trường. Doanh thu từ trang trại của bà đều đặn 40 triệu đồng/tháng. Không chỉ làm giàu cho gia đình, trại giun quế của bà Liên còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng 12-15 lao động địa phương. Nhiều bà con cũng có thêm thu nhập trực tiếp từ việc bán phân gia súc, gia cầm cho trại giun quế.

Bên cạnh làm kinh tế, bảo đảm vệ sinh môi trường là vấn đề được bà Liên đặc biệt quan tâm. Do đó, ngay từ khi triển khai mô hình nuôi giun quế, kết hợp chăn thả gia súc, gia cầm, bà đã đầu tư xây dựng hệ thống biogas. Bà Liên cho biết, sản phẩm thịt lợn sạch của trang trại đã đăng ký nhãn hiệu bảo hộ. Thời gian tới, bà sẽ đưa khu giết mổ vào vận hành. Theo đó, bà sẽ chế biến, đóng gói sản phẩm thịt lợn sạch ngay tại trang trại thay vì bán thịt lợn hơi như hiện nay.

QDND

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video