Nữ anh hùng thế giới năm 2010

03/12/2010
 

Từ bất hành của bản thân…

Sinh ra và lớn lên ở Nepal, Anuradha Koirala từng trải qua một quá khứ đau khổ trước khi bắt đầu theo đuổi sự nghiệp nhân đạo này. Khi còn trẻ, bà dành phần lớn thời gian để dạy tiếng Anh ở một trường tiểu học ở Nepal. Bà từng là nạn nhân của bạo hành gia đình. Bà bị chồng đánh đập đến sảy thai 3 lần, nhưng không có nơi nào, tổ chức nào đứng ra giúp đỡ bà. Bà cũng không biết đi đâu để tố cáo.

Lấy động lực từ cuộc đời bất hạnh của mình, sau khi thoát khỏi người chồng vũ phu, bà trích một phần trong lương tháng 100USD của mình, mở một cửa tiệm tạp hóa nhỏ tại Kathmandu, thuê những cô gái là nạn nhân của bạo hành gia đình và nô lệ tình dục vô gia cư vào làm việc và giúp đỡ họ. Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, do các cô gái có nhu cầu giúp đỡ ngày càng nhiều nên “mái ấm” mang tên Maiti Nepal đã ra đời. Với tiêu chí nghề nghiệp là loại trừ nạn buôn người, giải cứu các cô gái sa vào vòng xoáy nô lệ tình dục, Anuradha Koirala đã sáng lập ra tổ chức cứu trợ “Maiti Nepal” (có nghĩa là “Nhà của mẹ Nepal”). Không dừng lại ở việc giúp đỡ nạn nhân, đây còn là một tổ chức đấu tranh để chấm dứt nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em ở Nepal. Từ năm 1993, bà cùng các tình nguyện viên đã hợp tác với phía cảnh sát đột kích kiểm tra các nhà chứa, tuần tra vùng biên giới Ấn Độ - Nepal để giải cứu khoảng 12.000 phụ nữ và trẻ em gái. Bà nói: “Việc buôn người, đẩy các cô gái vào cạm bẫy nô lệ tình dục là điều cực kỳ sai trái, chúng tôi nhất định phải cứu vớt những cô gái này ra khỏi địa ngục, tạo cho họ một cuộc sống mới.”

Nhận giải thưởng 100.000USD cùng với 25.000USD dành cho mỗi người nằm trong top 10 của CNN, giải thưởng này như “thêm một phần trách nhiệm” cho bà, giúp bà mạnh tay hơn nữa trong việc triển khai thực hiện các công tác nhân đạo.

“ Một trong những ước muốn lớn nhất đời tôi là giải tán tổ chức Maiti Nepal càng sớm càng tốt. Nếu điều này thực sự xảy ra nghĩa là nạn buôn bán phụ nữ và nô lệ tình dục ở Nepal sẽ không còn nữa. Ngày giải tán tổ chức này sẽ là ngày hạnh phúc nhất đời tôi”, bà Anuradha Koirala chân thành bộc bạch trong buổi lễ vinh danh 10 anh hùng năm 2010 do CNN tổ chức ngày 20/11.

Đến “Thiên đường” cho những nô lệ tình dục

Gọi là “thiên đường” cũng không quá vì Maiti Nepal chính là “tòa án công lý” chống lại nạn buôn người, cưỡng bức, giải cứu các nạn nhân ra khỏi vòng xoáy nô lệ tình dục, giúp họ phục hồi nhân phẩm, làm lại cuộc đời… Bình quân mỗi ngày trung tâm cứu được 4 phụ nữ bằng cách phối hợp với lực lượng cảnh sát đột kích vào các nhà chứa, tuần tra ở biên giới Nepal - Ấn Độ. 12.000 phụ nữ và trẻ em được giải cứu là một con số khá ấn tượng trong 17 năm theo đuổi sự nghiệp nhân đạo của bà Anuradha Koirala và tổ chức Maiti Nepal.

“Mái ấm” Maiti Nepal có sức chứa khoảng 400 phụ nữ và trẻ em cùng một đội ngũ giáo viên, nhân viên tư vấn, y bác sĩ… Đa phần các nhân viên làm việc ở “mái ấm” đều là những nạn nhân buôn người và nô lệ tình dục. Sau khi giải thoát khỏi ách nô lệ, họ tình nguyện ở lại kề vai sát cánh với “mái ấm” để giúp đỡ các cô gái cơ nhỡ khác. “Các cô gái của chúng tôi dễ dàng nhận ra một cô gái đang hoặc sẽ bị lâm vào tình cảnh như họ trước đây. Họ không cần bất cứ động lực nào từ tôi vì bản thân họ đã từng trải qua nỗi kinh hoàng trong nhà chứa và họ đang có mặt ở đây để cứu các chị em của mình”, bà Anuradha Koirala chia sẻ với phóng viên của CNN.

Giáo dục cộng đồng là một phần trong chiến dịch của tổ chức Maiti Nepal. Mục tiêu chương trình này là tiêu diệt cội rẽ sâu xa của nạn buôn người và nô lệ tình dục là sự thiếu hiểu biết. Với việc trang bị đầy đủ kiến thức về mặt này, tổ chức Maiti Nepal hy vọng những cô gái trẻ có thể tránh được cạm bẫy của những kẻ lừa đảo và cha mẹ họ không gửi hoặc bán con gái vào nhà chứa. Ngoài ra, Maiti Nepal còn tổ chức dạy miễn phí cho các bé gái kỹ năng làm đồ thủ công mỹ nghệ và sơn để các em có nghề để kiếm sống khi bước vào đời.

Được sự trợ giúp từ nhiều nguồn khác nhau, hiện bà Anuradha Koirala đã xây dựng được một khách sạn nhỏ, một nhà hàng và một nhà ẩn náu để hỗ trợ và bảo vệ các nạn nhân trẻ em và phụ nữ. Một nhà phục hồi chức năng khác cũng được lập ra ở Kathmandu để chăm sóc, phục hồi cho những người bị tổn thươngvề mặt thể chất hoặc tâm lý trước khi họ trở lại với gia đình và được toàn thể xã hội chấp nhận. Ngoài ra, còn có một nhà tế bần cho các cô gái được giải cứu nhưng vẫn mang bệnh tật trong người và không được gia đình, xã hội chấp nhận. Bà Anuradha Koirala cam kết “Họ sẽ được đối xử tốt và tôn trọng nhân phẩm khi ở đây”.

Công việc nhân đạo mà Anuradha Koirala đang theo thường xuyên gặp phải nguy hiểm và đòi hỏi phải có sự hy sinh cá nhân cao bởi kẻ thù của bà hầu hết rất tàn bạo. Bọn chúng đã móc nối với những thế lực chính trị cấp cao ở Ấn Độ và Nepal. Văn phòng Maiti NepalKathmandu đã bị phá hủy hai lần. Mỗi khi qua Ấn Độ, bà và những người tình nguyện phải đi cùng với một vệ sĩ trong sự giám sát của tổ chức cứu hộ ở Ấn Độ.

Trước kia, trên thế giới có lẽ không mấy ai biết về Anuradha Koirala, nhưng qua giải thưởng Anh hùng năm 2010 của CNN, người ta biết đến bà như một nhà hoạt động xã hội đầy lòng nhân ái, đã dành cả cuộc đời mình để đấu tranh chống buôn bán và bóc lột tình dục ở phụ nữ và trẻ em.

(Nguồn: Báo Phụ Nữ Việt Nam số 144 ra ngày 1/12/2010)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video