Nữ Đại biểu Quốc hội từ tham gia đến đại diện: Dấu ấn và đóng góp

16/01/2021
Trong suốt chiều dài lịch sử của Quốc hội Việt Nam, đại đa số nữ đại biểu Quốc hội đều giữ vững phẩm chất là người đại biểu nhân dân, gắn bó với cử tri, phản ánh được tâm tư nguyện vọng của cử tri đến với Quốc hội, các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Nhiều nữ đại biểu đảm nhiệm vị trí, trọng trách của đất nước và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tuyên thệ nhậm chức

Tròn gánh hai vai

Ngay từ Quốc hội khóa I, tuy chỉ với 10 đại biểu nữ, chiếm tỷ lệ 3% nhưng nhiều nữ đại biểu đã thể hiện xuất sắc vai trò của mình. Phiên họp đầu tiên của Quốc hội khóa I, bà Lê Thị Xuyến đã được bầu làm Ủy viên Thường trực Quốc hội. Đến năm 1950, tại Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ nhất, bà được bầu làm Hội trưởng. Trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp, bà Lê Thị Xuyến đã đảm nhiệm xuất sắc cùng lúc cả hai vị trí: Ủy viên Thường trực Quốc hội và Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Thập, một trong mười nữ đại biểu đầu tiên của Quốc hội Việt Nam. Trong suốt 18 năm là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thì cũng đồng thời được bầu làm Phó Chủ tịch Quốc hội và giữ cương vị này liên tục trong 21 năm, từ khóa III đến khóa VI (1960-1981). Trên cương vị công tác của mình, bà đã có những đóng góp quan trọng trong đó nổi bật là kiến nghị với Đảng, Nhà nước xây dựng Luật Hôn nhân và Gia đình (ban hành ngày 13/01/1960) cho phù hợp với đạo đức xã hội chủ nghĩa, thực hiện nam, nữ bình đẳng và nhiều chính sách khác bảo vệ quyền lợi của phụ nữ. Cho đến nay, bà Nguyễn Thị Thập vẫn là người phụ nữ duy nhất được Nhà nước trao tặng Huân chương Sao vàng.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các nữ Đại biểu Quốc hội

Sau gần 2/3 thế kỷ, Quốc hội ta đã ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Số đại biểu nữ tham gia Quốc hội ngày càng nhiều và đảm nhiệm những vị trí quan trọng trong Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội. Đặc biệt, Quốc hội hiện nay có Chủ tịch và Phó Chủ tịch Thường trực đều là nữ. Tỷ lệ nữ ủy viên thường vụ và chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội 3 khóa gần đây tăng lên. Chủ nhiệm ủy ban của Quốc hội hiện chiếm 23,1%.

Trách nhiệm và tâm huyết

Trong các hoạt động của Quốc hội, nữ đại biểu đã luôn phát huy trí tuệ, tài năng và bản lĩnh của những người phụ nữ ưu tú, đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng của nhân dân, tích cực tham gia các hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Bắc Giang) phát biểu về tuổi nghỉ hưu đối với lao động nữ tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV

Phát biểu tại cuộc gặp mặt nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV ngày 10/6/2020 nhân kỳ họp thứ 9, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga nhấn mạnh: "Các nữ đại biểu luôn được quan tâm phát triển cả về số lượng và chất lượng. Các chị đã có những đóng góp quan trọng đối với đất nước, đồng thời luôn phát huy trí tuệ, tài năng và bản lĩnh của những người phụ nữ ưu tú, đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng của nhân dân. Những đóng góp của các chị đã góp phần hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, tạo sự đồng thuận trong xã hội, đem lại hiệu quả tích cực trong sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng và an ninh của đất nước".

Trong bài viết "Hoạt động của nữ đại biểu Quốc hội: thực trạng và một số kiến nghị" đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 18, tháng 9/2019 của 2 tác giả (TS Trần Văn Túy, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, và ThS Dương Thị Tình Thương, Phó Vụ trưởng, Vụ Công tác đại biểu, Văn phòng Quốc hội) đã cung cấp một số thông tin nghiên cứu về các phát biểu trong các phiên thảo luận tại hội trưởng của nữ đại biểu Quốc hội như sau: Qua theo dõi của Ban Công tác đại biểu, tại các phiên thảo luận kinh tế - xã hội của Kỳ họp thứ Hai (năm 2016) đã có 86 lượt ý kiến phát biểu, trong đó ý kiến của đại biểu nữ là 19 (bằng 22,10%); tương tự như vậy, tại Kỳ họp thứ Tư (năm 2017) là 21/94 lượt ý kiến (22,34%) và Kỳ họp thứ Sáu (năm 2018) là 21/88 (23,86%). Các con số này nói lên rằng, số lượng và tỷ lệ ý kiến của đại biểu nữ qua các kỳ họp ngày càng tăng lên. Với 27% nữ đại biểu trong tổng số đại biểu Quốc hội thì các tỷ lệ 22,10% và 23,86% đã chỉ rõ, tuyệt đại bộ phận đại biểu nữ đều đã hăng hái tham gia phát biểu, tỏ rõ chính kiến của mình.

Số liệu thống kê cũng cho thấy, càng hoạt động, đại biểu nữ càng tích cực. Đầu nhiệm kỳ, các đại biểu nữ nói riêng và các đại biểu nói chung thường có tâm lý e dè, ít phát biểu nhưng càng về sau, số lần phát biểu càng nhiều lên". Qua theo dõi nhiều kỳ họp Quốc hội cho thấy, khóa Quốc hội nào cũng nổi lên những gương mặt đại biểu nữ sôi nổi tham gia thảo luận, thẳng thắng trong chất vấn và đi đến cùng sự việc.

Theo TS. Vương Thị Hanh, Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm hỗ trợ giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữ (Cepew), chất lượng nữ đại biểu Quốc hội không ngừng được nâng lên. Nhiều nữ đại biểu có trình độ, năng lực, bản lĩnh và tâm huyết, có tiếng nói ảnh hưởng trong hoạt động của cơ quan dân cử, được cử tri tin tưởng. Về trình độ chuyên môn, 100% nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV có trình độ đại học trở lên (tỷ lệ chung là 98,79%), trong đó 59,1% có trình độ trên đại học.

PNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video