Nữ đại biểu Quốc hội khóa XV trẻ nhất: Sẽ mang vấn đề bình đẳng giới của phụ nữ dân tộc thiểu số đến Nghị trường

14/06/2021
Trong số 499 người vừa trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, gương mặt trẻ nhất là chị Quàng Thị Nguyệt (24 tuổi, dân tộc Khơ Mú ở tỉnh Điện Biên). Là nữ nông dân người dân tộc thiểu số, có bằng Cử nhân Học viện Phụ nữ Việt Nam, chị Nguyệt đau đáu những vấn đề an sinh và bình đẳng giới của phụ nữ vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới...

Ngày 10/6 vừa qua, Hội đồng bầu cử Quốc gia đã công bố danh sách 499 người trúng cử ĐBQH khóa XV. Chị Quàng Thị Nguyệt (sinh năm 1997) là người trẻ tuổi nhất trúng cử với hơn 150.000 phiếu bầu, đạt tỷ lệ 77,26% số phiếu bầu hợp lệ - là người đạt số phiếu bầu cao thứ 3 của Đơn vị bầu cử Số 1 tỉnh Điện Biên.

Tin chị Quàng Thị Nguyệt trúng cử ĐBQH đã nhanh chóng lan ra và trở thành niềm vui chung của bà con tại xã Mường Mươn, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên - quê hương chị. Chị Nguyệt chia sẻ: "Khi biết tin trúng cử, bản thân tôi thấy tự hào bởi đã được cử tri, người dân tin tưởng bầu cho mình. Nhưng đồng thời cũng có không ít lo lắng với những trách nhiệm của một người đại biểu dân cử, mang theo những kỳ vọng rất lớn của bà con đặt lên vai mình".

Sau khi tốt nghiệp Cử nhân Khoa Công tác xã hội, Học viện Phụ nữ Việt Nam, vào cuối năm 2019, chị Quàng Thị Nguyệt trở về quê hương tại bản Búng Giắt 1, xã Mường Mươn. Trong quá trình tìm kiếm công việc phù hợp với ngành nghề được đào tạo, chị cùng gia đình làm nông và quản lý một của hàng tạp hóa nhỏ ngay tại nhà.

Theo Hội đồng bầu cử quốc gia, trong số 499 người trúng cử ĐBQH khóa XV có 151 đại biểu là nữ, đạt tỷ lệ 30,26%.

Đại biểu là người dân tộc thiểu số có 89 người (tỷ lệ 17,84%);

Đại biểu trẻ dưới 40 tuổi có 47 người (tỷ lệ 9,42%);

Đại biểu là người ngoài Đảng có 14 người (tỷ lệ 2,8%).

Là người dân tộc Khơ Mú, là người ngoài Đảng, chị Nguyệt được Hội Nông dân tỉnh Điện Biên giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XV. 

Sinh ra và lớn lên ở vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới nên chị Nguyệt càng thấu hiểu được cuộc sống còn không ít khó khăn của người dân, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số nơi đây. 

Chị cho biết, trở thành ĐBQH chính là một thử thách rất lớn và cũng là cơ hội để chị có thể góp tiếng nói, nhằm thay đổi đời sống người dân vùng biên giới ngày càng ấm no hơn. Đồng thời, do được học tập tại môi trường Học viện Phụ nữ Việt Nam nên chị cũng đặc biệt quan tâm tới những vấn đề an sinh và bình đẳng giới của phụ nữ dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới.

Chị Quàng Thị Nguyệt trình bày chương trình hành động tại một buổi tiếp xúc cử tri ở tỉnh Điện Biên. Ảnh: NVCC

Ngay trong quá trình tiếp xúc cử tri vận động bầu cử mới đây, vấn đề mà chị Nguyệt đặc biệt quan tâm và thường xuyên đề cập tới là tình trạng bất bình đẳng giới, nhất là tình trạng bạo lực gia đình. Theo chị Nguyệt, tỉnh Điện Biên với đặc thù vùng vùng sâu xa, tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số. Không ít nơi, đồng bào còn giữ phong tục tập quán lạc hậu nên tình trạng trọng nam khinh nữ, bạo lực gia đình hiện nay vẫn còn nhức nhối trong cộng đồng. 

Việc trúng cử ĐBQH khóa XV cũng chính là bắt đầu chặng đường đại biểu Quàng Thị Nguyệt  thực hiện lời hứa của mình với cử tri đã nêu trong chương trình hành động, sẽ cùng các vị ĐBQH kiến nghị những giải pháp mang tính chiến lược, đề xuất với Quốc hội ban hành những văn bản quy phạm pháp luật nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng bạo lực gia đình, tiến tới việc thực hiện bình đẳng giới cả phương diện pháp luật và thực tiễn.

 

Trong danh sách trúng cử ĐBQH khóa XV còn có các đại biểu nữ khác thuộc thế hệ 9x như:

Bà Nguyễn Nhị Hà (sinh năm 1990), ứng cử tại tỉnh Bắc Ninh; bà Hà Ánh Phượng (sinh năm 1991), ứng cử tại tỉnh Phú Thọ; bà Trần Thị Quỳnh (sinh năm 1993), ứng cử tại tỉnh Nam Định; bà Triệu Thị Huyền (sinh năm 1992), ứng cử tại tỉnh Yên Bái; bà Nàng Xô Vi (sinh năm 1996), ứng cử tại tỉnh Kon Tum và bà Phạm Thị Xuân (sinh năm 1991), ứng cử tại tỉnh Thanh Hóa.

https://hoadatviet.phunuvietnam.vn/

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video