Những vấn đề thường gặp và cách giải quyết khi nuôi con bằng sữa mẹ

08/10/2012
Khi nuôi con bằng sữa mẹ, người mẹ thường gặp nhiều khó khăn và thử thách như bị sưng đầu vú hay sữa không đủ cho nhu cầu của bé… Tuy nhiên, khi mẹ được hướng dẫn để thực hành đúng cách, những khó khăn này đều có thể vượt qua.

1. Các vấn đề về vú mẹ

Sưng, nứt hay chảy máu đầu vú là dấu hiệu chung cho thấy em bé ngậm vú không đúng cách hoặc bé bú ở tư thế sai, hay mẹ sử dụng bơm hút sữa chưa đúng cách. Nữ hộ sinh hoặc nhân viên y tế có thể hướng dẫn mẹ về các kỹ thuật này.

Tắc sữa

Có 2 dạng bị tắc sữa:

• Xuất hiện một vẩy ở đầu vú: mẹ chỉ cần cậy ra bằng móng tay sạch khi lớp da đầu vú đã mềm sau khi bé bú.

• Xuất hiện một cục u nhỏ bên trong vú và lớp da bên ngoài bị sưng: đây có thể là dấu hiệu ban đầu của việc viêm vú.

Nếu vú của mẹ bị sưng tấy, mẹ cần báo cho y tá hay bác sĩ biết ngay để điều trị và ngăn ngừa chứng viêm vú phát triển.

Cùng lúc đó mẹ hãy:

• Cho bé bú thường xuyên hơn để giảm lượng sữa ứ thừa bên trong vú

• Hãy đảm bảo bé ngậm vú đúng cách

• Dùng bơm hút sữa hút hết lượng sữa ứ thừa ra sau khi bé đã bú đủ, mát-xa bầu vú nhẹ nhàng, lau bằng khăn ấm.

Tưa đầu vú

Tưa là hiện tượng nhiễm nấm thường bị ở miệng hay ở cơ quan sinh dục ngoài của em bé. Chúng lây truyền sang vú của mẹ khi bé bú mẹ. Nếu bé bị tưa miệng, mẹ sẽ bị lây và bị tưa đầu vú. Mẹ sẽ nhìn thấy các đốm trắng trong miệng của bé và đồng thời xuất hiện trên đầu vú của mẹ. Các nốt trắng này có thể bong mảng ra và gây ngứa, vì thế vú của mẹ cũng sưng lên.

Nếu mẹ gặp những dấu hiệu trên, hãy đi khám bác sĩ để được kê toa kem bôi miệng chống nấm cho bé. Mẹ và bé cần được điều trị đồng thời cùng lúc để tránh bị nhiễm nấm trở lại. Mẹ vẫn có thể tiếp tục cho bé bú dù vú của mẹ vẫn còn hơi sưng.

Căng tức vú

Hai hoặc ba ngày sau khi sinh con, vú của mẹ sẽ bị căng tức và nổi cục với đầu vú xẹp. Sưng tấy có thể lan tới nách của mẹ và có thể mẹ bị sốt nhẹ. Điều này xảy ra là do mẹ đã “xuống sữa”. Điều này làm mẹ hơi khó chịu, nhưng không gây hại gì và thường thì sẽ qua rất nhanh.

Để làm dịu triệu chứng này, mẹ hãy dùng tay hoặc bơm hút một ít sữa ra trước khi cho bé bú. Mẹ có thể tắm nước nóng hay lau bằng khăn ấm để giảm đau và thư giãn giữa các cữ bú.

Chảy sữa

Vú mẹ sẽ bị chảy sữa nếu bị thừa quá nhiều hay mẹ bị kích thích khi bé bú, nhưng đôi khi mẹ cũng bị kích thích và chảy sữa khi bé khóc.

Mẹ càng cho bé bú thường xuyên, vú mẹ càng ít chảy sữa. Hầu hết các bà mẹ đều dùng miếng lót ngực để hứng sữa chảy ra. Sau 7-10 tuần cho bé bú, hiện tượng này sẽ hoàn toàn biến mất.

2. Các vấn đề về sữa

Sữa quá ít

Bé bú càng nhiều thì cơ thể mẹ sẽ sản sinh ra càng nhiều sữa. Do đó, nếu mẹ có quá ít sữa, chứng tỏ bé chưa bú đúng cách. Nếu mẹ lo lắng béchưa bú đủ sữa, hãy trao đổi với nữ hộ sinh hoặc nhân viên y tế để được trợ giúp.

Sữa quá nhiều

Sữa được sản sinh ra quá nhiều trong những ngày đầu tiên là hết sức bình thường. Đầu tiên, cơ thể mẹ phải sản sinh ra thật nhiều sữa để đáp ứng lượng sữa dồi dào cho mỗi cữ bú của bé. Sau đó, lượng sữa được sản sinh sẽ dần ổn định và tự điều chỉnh trở lại khi thói quen bú của bé hình thành. Nếu bé ngậm vú không đúng cách thì quy luật này không được hình thành và cơ thể mẹ lại tiếp tục sản sinh thêm sữa, đặc biệt là khi bé cần được bú thường xuyên hơn. Vì thế mẹ phải đảm bảo em bé ngậm vú bú đúng cách.

Sữa quá nhiều là do cơ thể mẹ sản sinh ra quá nhiều sữa và cũng có thể là do sự mất cân đối lượng sữa được sản sinh giữa cữ bú trước và cữ bú sau. Nếu cơ thể mẹ sản sinh ra quá nhiều sữa sau khi thói quen bú của bé đã được hình thành, mẹ có thể vắt sữa ra vàtrữ đông sữađể bé có thể dùng sau đó. Mẹ không nên vắt sữa quá nhiều hay vắt sữa giữa các cữ bú, vì điều này làm cơ thể mẹ càng sản sinh ra càng nhiều sữa hơn.

Phun sữa

Một số bà mẹ gặp trường hợp sữa phun mạnh ra ngoài. Nguyên nhân có thể là do cơ thể mẹ sản sinh ra quá nhiều sữa hoặc cũng có thể là mẹ gặp phải hiện tượng phun sữa. Điều này khiến một số em bé khó chịu và không muốn bú mẹ nữa.

Nếu điều này xảy ra với mẹ, mẹ hãy thử vắt một ít sữa ra trước khi cho bé bú, hay mẹ cũng có thể cho bé ngậm vú để sữa chảy xuống trước, sau đó lấy khăn gạc bịt đầu vú để giảm hiện tượng sữa phun ra, khi dòng sữa chảy ra chậm hơn, mẹ có thể cho bé bú lại.

3. Các rắc rối về thói quen bú mẹ của bé

Bỏ bú mẹ

Thông thường, khi bé bỏ bú mẹ thì đó là dấu hiệu cho thấy có gì đó không ổn. Có thể bé bị đau răng hay có thể bé khó thở do bị cảm lạnh.

Nếu bé bỏ bú mẹ, hãy thử cho bé bú vào lúc bé buồn ngủ nhất và giữ cho căn phòng thật yên tĩnh và không bị âm thanh hay ánh sáng quấy nhiễu. Mẹ có thể thử các tư thế bú khác nhau, thậm chí có thể thử cho bé bú khi đang đi bộ vì khi di chuyển làm bé có cảm giác đong đưa rất dễ chịu.

Để thực sự yên tâm, mẹ nên đem bé đi khám bác sĩ để chắc chắn rằng bé bỏ bú mẹ không phải do bị viêm tai hay bị tưa miệng.

Chỉ bú một bên vú

Đôi khi một số bé có sở thích chỉ thích bú một bên vú, điều này không gây hại gì cho bé, nhưng mẹ nên tập bé bú cả hai bên để cân bằng lượng sữa sản sinh ở 2 bên bầu vú. Nếu bé thích bú ở tư thế nào đó, mẹ hãy cho bé bú cả 2 bên vú theo đúng tư thế này thay vì quay ngược bé lại để cho bú bên kia. Mẹ sẽ thấy thoải mái hơn nếu đặt một cái gối bên dưới tay mẹ của mẹ.

Bé cắn vú mẹ

Bị bé cắn vú chẳng dễ chịu chút nào! Nếu bé đang mọc răng, hãy cho bé ngậm và cắn vào một đồ chơi đã được làm mát làm bé tê nướu răng và giúp răng mọc nhanh hơn. Nếu mẹ bị bé cắn, hãy kéo bé lại gần, che mũi bé làm bé ngạt thở buộc bé phải mở miệng và nhả vú ra.

Nếu bé cắn vú mẹ vì nghĩ rằng làm cho mẹ kêu lên là một trò chơi thú vị thì mẹ phải kiên quyết nói “không” với bé, đặt bé xuống giường trong vài phút trước khi cho bé bú tiếp.

Sưu tầm (PH)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video