Những thông điệp truyền cảm về an toàn của trẻ em gái

05/03/2018
Với đề tài nhạy cảm về an toàn của trẻ em gái tại nơi công cộng, nhiều thông điệp xúc động đã được các bạn trẻ truyền tải qua các bộ phim ngắn rất sáng tạo, độc đáo.

Những góc khuất nguy hiểm

“Một cái vỗ nhẹ!” của tác giả Tô Văn Đức (ĐH Sân khấu Điện ảnh) là phim ngắn xoay quanh nơi gửi xe của trường đại học. Đó là chuyện những nữ sinh viên năm nhất mới nhập trường bị người trông xe có hành vi quấy rối tình dục trước mặt nhiều nam sinh viên khác. Và các bạn nam đã lên tiếng với hành vi xấu xa này. Hay “Biến thái thang máy bị bắt” của tác giả Ngân Hạnh lại là câu chuyện về một người thường xuyên có những hành vi sàm sỡ phụ nữ và trẻ em gái trong thang máy, vì hắn biết trong thang máy không có camera, nhưng cuối cùng hắn cũng phải gánh hậu quả…

Đây là 2 trong số 16 tác phẩm phim ngắn lọt vào vòng chung kết của cuộc thi “Sản xuất phim ngắn về an toàn của trẻ em gái tại nơi công cộng và khi di chuyển trên phương tiện công cộng trong thành phố” được Tổ chức Plan International Việt Nam phát động từ tháng 10 năm 2017. Lễ công bố và trao giải trong vòng chung kết đã diễn ra sáng ngày 2-3 tại Hà Nội.

Những bộ phim ngắn, chỉ với thời lượng dưới năm phút, nhưng đã kể nhiều câu chuyện hoàn chỉnh, mô tả những tình huống mất an toàn phổ biến của em gái khi sử dụng các phương tiện công cộng như xe buýt, xe taxi, hoặc sử dụng không gian công cộng như nhà chờ xe buýt, sân trường học, thư viện, công viên, khu vui chơi giải trí, đường đi bị người lạ quấy rối, uy hiếp hoặc đe dọa, xâm hại tình dục…

Ông Phạm Ngọc Tiến, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cho biết, bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, là vấn đề mang tính toàn cầu, xảy ra ở mọi quốc gia, mọi tầng lớp xã hội, trong đó có Việt Nam. Điều đáng lo ngại hiện nay là, tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái vẫn diễn biến phức tạp và trở thành vấn đề bức xúc trong xã hội. Dẫn kết quả một nghiên cứu mới đây về quấy rối tình dục đối với học sinh trung học phổ thông (THPT) ở Hà Nội, có tới 63,9% học sinh đã bị quấy rối, và tỷ lệ học sinh nữ gặp phải nhiều hơn học sinh nam (71,8% so với 49,6%), ông Phạm Ngọc Tiến bày tỏ, dù diễn ra khá phổ biến, nhưng những vụ quấy rối tình dục ít khi bị công khai.

“Dư luận và nhận thức, quan điểm của nhiều người thực thi pháp luật, những người có trách nhiệm liên quan vẫn còn cho rằng, bạo lực hay quấy rối tình dục là vấn đề cá nhân. Do đó, thay vì cần phải bảo vệ nạn nhân và lên án hành vi sai trái này, họ thường đổ lỗi cho phụ nữ và trẻ em gái do thiếu hiểu biết, do không có những hành xử đúng mực…”, ông Tiến nhấn mạnh.

Bởi vậy, những tác phẩm tham dự cuộc thi phim ngắn này được đánh giá cao vì đã đưa ra những giải pháp về hành vi cho người chứng kiến, người thân của các em gái khi các tình huống xâm hại tình dục xảy ra. Tác phẩm “Song hành” đưa ra lời cảnh tỉnh rõ ràng: “Không phải lúc nào con cái cũng được an toàn”, đồng thời đưa ra thông điệp: “Muốn con an toàn và phát triển, cha mẹ hãy cùng song hành với con trên chặng đường con đi”. Bộ phim còn hướng tới những trẻ em gái, học sinh, sinh viên có ý thức hơn về việc tự bảo vệ mình khi tham gia các phương tiện công cộng.

Thêm một tiếng nói

Được phát động rộng rãi qua phương tiện truyền thông đại chúng và trực tiếp tại một số trường đại học, THPT trên địa bàn Hà Nội như Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, THPT Việt Đức…, tại vòng sơ khảo, 58 tác phẩm dự thi của 50 tác giả, nhóm tác giả đã gửi về dự thi. Ban giám khảo đã lựa chọn 20 kịch bản phim hay nhất vào vòng chung kết.

Vòng chung kết cuộc thi diễn ra từ ngày 1-12-2017 đến 11-2-2018 đã chọn ra 16 phim ngắn với thông điệp truyền thông hay nhất để chấm giải.

Ban tổ chức đánh giá, các tác phẩm đã thể hiện sự hiểu biết sâu sắc của các tác giả khi đề cập vấn đề xâm hại, quấy rối tình dục thường được diễn ra sau một tiến trình làm quen, xây dựng mối quan hệ từ kẻ xâm hại, hoặc kẻ quấy rối tình dục thường là người lạ nhưng kẻ xâm hại tình dục trẻ em gái thường là người quen. Các tác phẩm này đã mang lại những thông điệp, kiến thức cho khán giả về thực trạng, cách ứng phó vấn đề bạo lực đối với trẻ em gái tại thành phố nói riêng và tại Việt Nam nói chung.

Cuộc thi đã thu hút đông đảo các bạn trẻ tại Hà Nội. Trong hai tuần, từ 12 đến 25-2-2018, có gần sáu nghìn lượt xem 20 phim ngắn dự thi trên website www.unews.vn. Phim có lượt khán giả xem cao nhất đạt gần 2.200 lượt. Quan trọng hơn, các bạn trẻ chính là nhân tố tạo nên tạo nên sự thay đổi, truyền đi thông điệp mạnh mẽ “Thành phố an toàn với em gái, biến ước mơ thành hiện thực”.

Phó Viện trưởng Viện Light Nguyễn Thu Giang nhận định, mỗi tác phẩm đều mang lại cho người xem nhiều cảm xúc bất ngờ. Các bạn trẻ có nhiều sáng tạo, ý tưởng mới mẻ để có được 20 tác phẩm với những góc nhìn cận rất khác biệt.

Cuộc thi làm phim ngắn này thuộc khuôn khổ dự án “Thành phố an toàn và thân thiện với trẻ em gái” do tổ chức Plan International Việt Nam cùng nhiều đơn vị khác đang thực hiện tại địa bàn Thủ đô. Tại lễ trao giải, bà Sharon Kane , Trưởng đại diện Plan International tại Việt Nam, nhấn mạnh, sự tham gia của các bạn trẻ đến từ Hà Nội đã đóng góp chung vào dự án “Thành phố an toàn và thân thiện với em gái”, một sáng kiến toàn cầu của Plan nhằm thúc đẩy quyền và bình đẳng giới cho em gái, huy động sự tham gia của cả cộng đồng để thực thi quyền bình đẳng của em gái. Ngoài Việt Nam, dự án còn thực hiện tại Ai Cập, Ấn Độ, Uganda và Peru.

Kết quả chung cuộc, ban tổ chức đã trao ba giải Nhì, với phần thưởng 10 triệu đồng mỗi giải, cho ba tác phẩm: “Chuyến xe cuối cùng” của tác giả Vũ Trần Minh, “Tôi cũng có một người em gái” của tác giả Nguyễn Hạnh Nguyên, “Chuyện của An” của nhóm Chai thời gian với phần thưởng mỗi giải trị giá 10 triệu đồng.

Ba giải Ba được trao cho tác phẩm “Quá khứ - Tôi - Hiện tại” của tác giả Thảo Hoàng, “Khi một người lên tiếng” của tác giả Đàm Thị Thúy Hằng và “Một cái vỗ nhẹ” của tác giả Đức Văn. Ban giám khảo còn dành tặng mười giải Khuyến khích cho các tác giả, tác phẩm.

* Dự án “Thành phố an toàn và thân thiện với trẻ em gái” do Tổ chức Plan International Việt Nam phối hợp Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội, UBND huyện Đông Anh, Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh sáng (Light) đang thực hiện ở Hà Nội từ năm 2014 và ở cấp quốc gia từ năm 2017

ND ĐT

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video