Những tấm gương phụ nữ vượt khó

23/05/2012
Họ là những phụ nữ không may mắn tật nguyền, nghèo khổ. Bằng nghị lực phi thường họ đã vượt lên chính mình, trở thành người có ích cho xã hội

Cô gái không cam chịu tật nguyền

Hơn 26 năm qua, Mai Hoài Trang (ở 82/9/18A, đường Trương Công Định, TP.Vũng Tàu) đã cố gắng quên đi những cơn đau khi trái gió trở trời và cả sự tự ty mặc cảm do căn bệnh teo chân gây nên, vượt qua bao khó khăn trở ngại, không ngừng phấn đấu, học tập để vươn lên. Giờ đây, cô bé tật nguyền ngày nào đã là Trợ lý kiểm toán của Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn Đệ Nhất.

Hoài Trang nhớ lại, vì gánh nặng cơm áo gạo tiền, ba mẹ Trang phải rời mảnh đất Đồng Tháp lên TP. Vũng Tàu lập nghiệp khi Trang chưa đầy 1 tuổi. Những ngày đầu trên mảnh đất mới rất khó khăn đối với gia đình Trang. Thu nhập của cả nhà dựa vào nghề phụ hồ, chạy xe ba gác của ba và lượm ve chai của mẹ. Gánh nặng mưu sinh cũng khiến ba mẹ Trang không còn thời gian chăm sóc cho con. Từ một đứa trẻ khỏe mạnh, lành lặn, sau một cơn sốt nặng không rõ nguyên nhân, đôi chân của Hoài Trang cứ teo tóp dần rồi không thể cử động được. Một vài năm sau, khi các bạn cùng trang lứa biết chạy, biết nhảy thì Hoài Trang vẫn chỉ ngồi một chỗ. Thương con, cha mẹ em quyết định từ bỏ công việc kiếm sống hằng ngày, chạy vạy, vay mượn khắp nơi với mong muốn sẽ chữa lành bệnh cho con nhưng đã quá muộn.

Càng lớn Trang càng cảm nhận được sự thiệt thòi của bản thân khi không thể vui đùa, chạy nhảy bình thường như các bạn cùng trang lứa. Dẫu vậy, những năm học cấp 1 Trang vẫn cố gắng tự mình đi bộ tới trường dù rất khó khăn. Lên cấp 2, ba mẹ mới sắm được cho hai chị em Trang một chiếc xe đạp. Kể từ đó, em gái là người đồng hành cùng Trang đến trường cho tới khi Trang vào đại học. Đã nhiều lần Trang có ý định nghỉ học vì thương em gái quá vất vả vì mình. Nhưng bù lại, Trang có một tổ ấm gia đình hạnh phúc, nơi đó mọi thành viên trong gia đình tận tâm giúp đỡ Trang vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống do tật nguyền. Ở trường, Trang cũng luôn được thầy cô và bạn bè động viên, giúp đỡ. Bằng sự nỗ lực, chịu khó của bản thân cùng sự tiếp sức từ gia đình và nhà trường, 12 năm học phổ thông Trang luôn đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi. 4 năm học đại học, Trang luôn là sinh viên tiêu biểu của Khoa Kinh tế và ra trường với tấm bằng loại giỏi của Trường Đại học Nông lâm TP.Hồ Chí Minh.

Bà Đặng Thị Hồng Hoa, mẹ Trang kể lại, năm 2003, Trang nhận giấy báo nhập học của Trường Đại học Nông lâm TP.Hồ Chí Minh, bà vừa lo vừa mừng. Mừng vì Trang đã đậu đại học, còn nỗi lo thì nhiều. Bà Hoa nói: “Tôi lo nhiều hơn mừng, lấy tiền đâu cho con đi học, lên đó sống một mình ai sẽ giúp đỡ Trang trong cuộc sống. Lúc đưa con lên nhập học về tôi đã khóc, nghĩ mà thương con”. Gạt đi những mặc cảm của số phận, Trang tự nhủ rằng phải cố gắng học tập tốt, ra trường kiếm được việc làm ổn định để lo cho tương lai và phần nào bù đắp công lao của bố mẹ.

Tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại giỏi, Hoài Trang đã được Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn Đệ Nhất nhận vào làm việc với cương vị Trợ lý Kiểm toán. Những ngày đầu đi làm, công việc mới, môi trường mới và không khỏi có những ánh mắt kỳ thị của đồng nghiệp, nhưng sau một thời gian ngắn, chính năng lực của Hoài Trang đã thuyết phục được các đồng nghiệp và lãnh đạo công ty. Những ước mơ của Trang đang dần được thực hiện. Hiện thu nhập của Hoài Trang không chỉ đủ nuôi sống bản thân mà còn phụ giúp cho bố mẹ. Ngoài ra, Hoài Trang còn tích cực tham gia các hoạt động của Hội Khuyết tật TP.Vũng Tàu, giúp đỡ nhiều người có hoàn cảnh giống mình. Hoài Trang tâm sự: “Em sẽ tiếp tục cố gắng học tập và trau dồi chuyên môn nghiệp vụ của mình. Em muốn sau này mở một công ty, tạo công ăn việc làm cho những người có hoàn cảnh như em”.

Chị Trần Hòa Trung phấn đấu trở thành công dân tốt

Chị Trần Hòa Trung, 32 tuổi ngụ ấp 1, xã Tân Tây (Gò Công Đông) sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, đông anh chị em, học đến lớp 7, chị đã phải nghỉ học để làm thuê khắp nơi phụ giúp cha mẹ nuôi các em. Do phải ra đời quá sớm, giao du với nhiều loại người khác nhau, đa số là ít học, thường hay vi phạm pháp luật nên dần dần tính tình chị trở nên đanh đá, nóng nảy, không ít lần chị đã cùng với số người này đi đánh nhau gây mất trật tự công cộng.

Sau khi lập gia đình, những tưởng tính tình chị dần thay đổi để trở thành người mẹ, người vợ hiền lo vun vén cho mái ấm của mình, nhưng do hoàn cảnh nghèo khó, túng quẫn, chị thường hay cáu gắt với chồng con, gây rối trong gia đình và những người hàng xóm, làm mất trật tự công cộng xung quanh khu vực gia đình chị sinh sống, được Công an xã nhiều lần cảnh cáo, nhắc nhở nhưng vẫn không thay đổi. Trong năm 2010, chỉ vì mái tôn nhà của đứa em ruột "de" qua nhà mình một chút mà chị đã kiếm chuyện cãi vả, chửi rủa và đánh em, buộc Công an xã phải lập biên bản xử phạt hành chính, hay chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ trong sinh hoạt gia đình, chị đã lớn tiếng xúc phạm danh dự và đánh nhau với cả anh chồng, chị dâu.

Chị Trung còn thường xuyên gây sự, đánh nhau với những người hàng xóm. Trước những hành vi vi phạm đó, cuối năm 2010, chị Trung được UBND xã Tân Tây ra quyết định đưa vào diện quản lý, cảm hóa giáo dục theo Nghị định 163/CP của Chính phủ thời gian là 6 tháng và giao về cho Hội Phụ nữ, Công an xã trực tiếp quản lý, giúp đỡ để trở thành người tốt.   

Thời gian này, hàng tháng chị Trung được triệu tập lên Công an xã học tập pháp luật, được các chị trong Hội Phụ nữ xã, ấp đến nhà khuyên nhủ, phân tích những hành vi sai trái, nêu những việc cần làm, giúp chị dần hồi tâm chuyển ý. Ngoài ra, do gia đình chị thuộc diện hộ nghèo nên chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm giúp đỡ, không phân biệt chị là người vi phạm pháp luật. Cứ mỗi khi có chế độ chính sách hoặc có "Mạnh Thường Quân" đến tặng tiền, quà, gia đình chị đều được một phần. Hội Phụ nữ ấp còn tạo điều kiện giúp chị có việc làm ổn định, chăm lo vun vén, xây dựng hạnh phúc gia đình ngày càng tốt hơn.

Từ sự quan tâm của chính quyền, chăm lo, động viên của phụ nữ và Công an xã, chị Hòa Trung quyết tâm thay đổi cách sống, thế là chỉ một thời gian sau, chị được chính quyền xã ra quyết định đưa ra khỏi diện "cảm hóa, giáo dục" để trở thành người có ích cho xã hội. Chị Trung tâm sự: "Tôi rất tiếc khoảng thời gian trước đây của mình, để được như ngày hôm nay, tôi cảm ơn sâu sắc đến chính quyền xã, các anh, chị Công an và Hội Phụ nữ xã đã tạo điều kiện giúp tôi hướng thiện, từ bỏ thói hư, tật xấu của mình, sống có ích cho gia đình và trở thành người công dân tốt".

Đến nay, chị Trần Hòa Trung đã thật sự trở thành người tốt, sống có ích. Mới đây, tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch giữa Công an và Hội Phụ nữ xã Tân Tây trong công tác "Quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và vi phạm pháp luật", chị Trung được UBND xã khen thưởng và biểu dương trước hội nghị.

Theo Báo Tiền Giang, Bà Rịa Vũng Tàu

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video