Những "bóng hồng" trên dặm đường tuần tra biên giới

18/03/2019
Nhiều năm qua, hình ảnh phụ nữ các dân tộc đồng hành cùng các chiến sỹ Đồn Biên phòng Xín Mần (Hà Giang) và Đồn Biên phòng A Mú Sung (Lào Cai) trong công tác tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc của Tổ quốc đã trở nên quen thuộc với người dân trên địa bàn.

Tham gia tuần tra biên giới cùng Bộ đội Biên phòng Xín Mần (tại xã Xín Mần, huyện Xín Mần, Hà Giang) trong tiết tháng 3 nắng trải vàng như mật là Lù Thị Yên và Sùng Thị Thu - 2 cô gái dân tộc H’Mông, thuộc Đội Dân quân tự quản của xã. Được biết, Sùng Thị Thu và Lù Thị Yên là hai cô gái trẻ nhất trong số 6 chị em trong đội. Sau khi thực hiện nghi lễ chào cờ ở Đồn Biên phòng (ĐBP) Xín Mần, kiểm tra trang thiết bị, đoàn bắt đầu lên đường, hướng tới cột mốc từ 197 đến 199, ở độ cao hơn 2.000m so với mực nước biển.

“Từ năm 2016, tôi tham gia tổ dân quân tự vệ, hàng tháng đều đồng hành cùng các chiến sỹ ĐBP tuần tra đường biên giới và cột mốc lãnh thổ. Chúng tôi sẽ kiểm tra xem có gì bất thường xung quanh cột mốc không, phát quang cỏ dại đường biên” - nữ dân quân tự vệ Sùng Thị Thu cho biết. 

Còn Lù Thị Yên tâm sự, nhà cô cách ĐBP 5 km. Đường đi lại khá khó khăn nhưng mỗi lần nhận được điện báo của các chiến sỹ ĐBP thông báo lịch tuần tra, cô đều chủ động thu xếp công việc để sẵn sàng tham gia. Ngoài trồng lúa, trồng ngô và chăn nuôi lợn gà như bao phụ nữ H’Mông khác, Yên và Thu còn làm việc bán chuyên trách tại xã Xín Mần. Mỗi tuần 3 lần, họ lên UBND xã, nhận các tài liệu tuyên truyền về rồi mang tới từng hộ gia đình. 

ĐBP A Mú Sung, tỉnh Lào Cai quản lý 4 cột mốc (từ cột mốc 90 - 93) trên địa bàn 2 xã Lũng Pô và Nậm Chạc, chiều dài gần 27km đường biên giới dọc suối Lũng Pô và sông Hồng. Đồng hành với các chiến sỹ ĐBP nơi đây có thể kể tới sự góp sức của Lò Mùi Khé, sinh năm 1989 - 1 trong 4 nữ dân quân tự quản của xã Lũng Pô, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Khé kể, lịch tuần tra thường không cố định, có khi 1 tuần/lần, 2, 3 tháng/lần. Ngoài ra với vai trò là nữ dân quân tự quản, cô còn tham gia tuần tra bảo vệ đường biên giới cột mốc Tổ quốc. Ngoài các công việc cơ bản như lau cột mốc, với sự nhạy cảm của một cán bộ Hội Phụ nữ, cô không ít lần phát giác những đối tượng có ý định vượt biên trái phép. Trong số đó có nhiều phụ nữ có hoàn cảnh éo le.

Khé nhớ cách đây hơn 1 năm, trên đường tuần tra cô bắt gặp một người phụ nữ đi cùng một toán người xuất hiện ở khu vực đường biên. Khé đã khéo léo tâm sự, biết được người phụ nữ đó 21 tuổi, ở địa bàn cách xã Lũng Pô hơn 20km, người dân tộc Dao, vừa sinh con thứ 2 được 6 tháng. Cuộc sống kinh tế gặp nhiều khó khăn, người phụ nữ này còn thường xuyên bị người chồng nghiện rượu đánh đập. Chị quyết định gửi con lại cho gia đình để vượt biên tìm việc làm, mong sớm đổi đời. Với kinh nghiệm của một tuyên truyền viên Hội Phụ nữ, Khé đã vận động chị quay trở về gia đình để chăm sóc con, tìm việc làm phù hợp. Tâm sự với chúng tôi, ánh mắt Khé không giấu nổi niềm vui. 

Đại úy Nguyễn Ngọc Tuệ - Chính trị viên ĐBP A Mú Sung vui mừng cho biết, sau nhiều năm kiên trì vận động, người dân trong xã Lũng Pô đã vững tâm làm nương rẫy, không vượt biên trái phép, lo làm ăn phát triển kinh tế gia đình, xây dựng nhà cửa khang trang và cho con cái đến trường. Biên giới quốc gia được bảo vệ, mỗi gia đình hạnh phúc thì thôn bản sẽ bình yên! Đó là nhờ sự góp sức không nhỏ của những “bóng hồng” thầm lặng nơi núi rừng.

baophunuthudo

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video