Những phụ nữ truyền lửa cho cộng đồng

06/03/2019
Mỗi ngày trôi qua, họ dành thời gian cho công việc, cho gia đình, cộng đồng với một niềm đam mê lớn lao. Với họ, cuộc sống này chính là mùa xuân đầy sức sống để cống hiến và yêu thương.

Có đam mê, mọi việc đều nhẹ nhàng

Năm 2016, PGS.TS. Nguyễn Hiền Phương ở tuổi 42 (giảng viên cao cấp bộ môn Luật Lao động, khoa Pháp luật Kinh tế, trường ĐH Luật Hà Nội) trở thành PGS ngành Luật trẻ nhất. Chị bắt đầu một ngày từ 7h sáng và kết thúc khá muộn. Khối lượng công việc “khổng lồ”, vậy mà ở chị lúc nào cũng tràn đầy năng lượng và tươi tắn. “Có lẽ vì đó là việc mình đam mê nên không thấy mệt!”.

Là một trong những người đặt nền móng cho việc đưa môn Pháp luật Người khuyết tật (NKT) vào giảng dạy, cùng với hơn 20 năm đứng trên bục giảng, PGS.TS. Hiền Phương cho rằng, phải truyền được lửa cho học trò thì các em mới thích học và chỉ khi các em nhận thức rõ thì mới nhanh chóng chuyển hóa thành hành động tốt. “Nhất là đối với sinh viên Luật. Tôi tin, xây dựng cho sinh viên luật có nền tảng như vậy, sau này các em sẽ hoạt động tốt trong mọi lĩnh vực”.

Giờ giảng của PGS.TS Hiền Phương thường theo phương pháp tích cực, sinh viên sẽ “làm chủ”, chia nhóm để phân tích vấn đề. Giảng viên sẽ là người tổng kết và đưa ra cách giải quyết hợp lý nhất. Với môn học Pháp luật NTK, các sinh viên không chỉ được học về pháp luật bảo vệ nhóm người yếu thế trong xã hội mà còn được trực tiếp gặp gỡ, lắng nghe những chia sẻ của họ và nhìn thấy sự mạnh mẽ, ý chí vươn lên của những người thiếu may mắn.

Con đường sự nghiệp của PGS.TS Hiền Phương song hành với việc làm mẹ. Trong 9 năm vừa sinh và nuôi dưỡng 3 con nhỏ, từ 1999- 2008, chị vừa học Thạc sĩ rồi Tiến sĩ. 

“Không thể nói hết những vất vả khi đó vì điều kiện kinh tế chưa có, hai vợ chồng tôi cũng phải cân đong đo đếm đủ kiểu mới nuôi được con. Hơn nữa, với giảng viên ĐH không chỉ giảng dạy mà còn làm công tác nghiên cứu, đầu tư thời gian và tâm huyết thì mới giữ tình yêu nghề được”, PGS.TS Hiền Phương chia sẻ về hành trình đã trải qua.

Không chỉ giảng dạy, gần 10 năm trở lại đây, PGS.TS Hiền Phương có hướng nghiên cứu mới, tập trung nhiều vào các lĩnh vực an sinh xã hội, hướng đến nhóm người yếu thế: Lao động nữ, lao động khuyết tật, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ nghèo… Với phụ nữ, chị tập trung nhiều vào vấn đề bình đẳng giới trong lao động và các chế độ hỗ trợ, thúc đẩy bình đẳng cho phụ nữ. Môn học Pháp luật NKT nhận được đồng tình, hứng thú của sinh viên, được chị đặt nền móng và đưa vào giảng dạy từ năm 2010 khi Luật NTK ra đời. Đối với người khuyết tật, chị tham gia nhiều dự án quốc tế với tư cách một chuyên gia cao cấp.

Theo chị, ở góc độ phụ nữ, nhất là đối tượng khuyết tật, đơn thân, hộ nghèo… vẫn đang phải đối mặt với nhiều rào cản của xã hội. Công việc của mình, trách nhiệm của mình giúp họ có các cơ chế, chính sách hỗ trợ họ, qua đó thúc đẩy phụ nữ đạt được quyền bình đẳng”, PGS.TS Hiền Phương bày tỏ quan điểm. Nhiều sinh viên của PGS.TS Hiền Phương, nhất là các bạn nữ đều quý trọng và ngưỡng mộ cô giáo của mình bởi sự tận tâm và những thông điệp chị đưa ra sau mỗi bài giảng.

Vợ chồng chị dạy các con tự lập và trưởng thành để thích nghi với bận rộn của bố mẹ. Nhưng không có nghĩa là bớt đi sự quan tâm, thấu hiểu. Hai vợ chồng đã quy ước, sáng nào cũng sẽ trò chuyện với con gái đang đi du học 30 phút. Vì tham tiếc công việc, muốn cống hiến hết mình cho những đam mê nên đôi khi chị phải gác lại những mong muốn nhỏ nhoi của bản thân. Nhưng, nụ cười vẫn nở trên môi chị, dường như với người phụ nữ ấy, nguồn năng lượng dành cho công việc luôn tràn đầy mỗi ngày. Chị luôn mong giúp cuộc sống tốt đẹp hơn.

Người mẹ của những đứa trẻ bất hạnh

Tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội (thuộc xã Yên Bài, huyện Ba Vì) có một khu rất đặc biệt, dành để chăm sóc những đứa trẻ lang thang, cơ nhỡ, bị bỏ rơi. Nơi đây chưa bao giờ ngớt tiếng cười. Góp phần mang đến niềm vui bình dị ấy là chị Phạm Thị Luyến (và các cộng sự của chị) - người được chúng gọi trìu mến: Mẹ Thúy (vì trong con mắt các em, mẹ đẹp như Thúy Kiều).

 

 Mẹ Thúy” và đàn con thơ được chị chăm sóc, yêu thương


Công việc của chị Luyến ở đây đúng nghĩa như một người mẹ, chăm sóc, dạy bảo đàn con trong trẻo, ngây thơ. Năm 2008, chị Luyến tình nguyện đến làm việc tại trung tâm vì thương các con kém may mắn quá. Chị làm đủ mọi việc, từ nấu ăn, dọn dẹp, giặt giũ, vệ sinh; cả trồng rau, chăn nuôi, tới trực tiếp hướng dẫn các con làm những việc phù hợp với lứa tuổi, để cho các con có kỹ năng, làm quen với công việc tự chăm sóc bản thân.

Các em đều là trẻ thuộc diện chăm sóc đặc biệt, có phác đồ điều trị, quy định giờ giấc sinh hoạt nghiêm ngặt, khiến ban đầu chị khá lúng túng. Đặc biệt, với trẻ mới được tiếp nhận, chưa quen với môi trường, lại thêm sức khỏe suy yếu, mắc nhiều bệnh nhiễm trùng cơ hội thì việc chăm sóc càng thêm phức tạp và vất vả. Thế nhưng không ngại khó, ngại khổ, chị đã học hỏi từ các y bác sỹ, dần dần chị đã nắm bắt các kiến thức và tạo được những kỹ năng về chăm sóc trẻ.

Những mệt nhoài vì chăm trẻ phải đi viện trở nên quá đỗi thường xuyên với chị, nhưng khi các con bình phục, chị thấy vui và hạnh phúc vô cùng. Những điều thân thương ấy đã gắn kết tình cảm giữa chị và các con, do vậy các cháu trong nhà trẻ đều gọi chị, coi chị là mẹ của mình!

Chị kể: “Các con rất thích làm vườn, vì thế khu vườn mà tôi được giao quản lý cùng với các con luôn xanh tốt, mùa nào, rau ấy, đã góp phần cải thiện bữa ăn, các con có thực phẩm sạch. Qua việc lao động giúp cho các con tôi có thêm nhiều kiến thức kỹ năng trong cuộc sống, rèn luyện sức khỏe và hơn nữa là tình yêu lao động, yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống, quên đi những nỗi buồn phảng phất”.

Đa phần các cháu ở đây là trẻ mồ côi bị bỏ rơi, nên hay có tâm lí mặc cảm, tự ti, tinh thần không ổn định, khi có ai đó nói đến tình cảm gia đình, về cha mẹ, anh chị em, về sự đoàn viên, sum họp là dễ tủi thân. Trong các dịp lễ Tết, trẻ luôn ngóng gia đình, người thân đón về nhà ăn Tết, một số trẻ bị bỏ rơi không rõ nguồn gốc, không ai đón về rất buồn, có trẻ ra sau nhà thút thít khóc. Do vậy việc động viên chia sẻ với các cháu là hết sức quan trọng và cần thiết, nhưng phải đồng cảm và cần lắm sự yêu thương. Điều đó không hề dễ, nhưng chị Luyến đã làm được bằng chính tình yêu thương các con của mình.

“Có người hỏi vì sao tôi lại chọn công việc “đặc biệt” này, nhưng với tôi, đó lại là hạnh phúc”, chị chia sẻ.

Ở nhà, các con cũng rất cần chị. Thế nhưng khi chị tâm sự về hoàn cảnh của các trẻ ở trung tâm, suy nghĩ của mình, chị đã được bố mẹ chồng đồng ý, các con thì động viên, ủng hộ. Trong nhiều bữa cơm gia đình, câu chuyện về những đứa trẻ đáng yêu mà chị đang chăm sóc đã được  chị chia sẻ rất tự nhiên cho chồng con cùng nghe. 

Mùa đông này, chị Luyến chuẩn bị từng bộ áo ấm, đôi giày, tất mũ cho các con ở trung tâm đi học, từng bộ áo mưa những ngày mưa gió, đun nước ấm để các con tắm rửa đỡ lạnh. Đặc biệt chị nấu ăn rất ngon và hợp khẩu vị các con. Chị luôn để ý đến thái độ cử chỉ, diễn biến tâm lý để chia sẻ, giải quyết những vấn đề khúc mắc về tâm lý lứa tuổi của các con... Chị luôn là cầu nối các con với cộng đồng bên ngoài, để mọi người hiểu được rằng căn bệnh HIV thực sự không nguy hiểm, tạo niềm tin cho các con thêm tin yêu vào cuộc sống. Hiện tại có nhiều con của mẹ Thúy đã tham gia học nghề và tìm kiếm được việc làm, trưởng thành khôn lớn.

Những người phụ nữ truyền lửa cho cộng đồng ấy tuy chọn những công việc khác nhau, có hoàn cảnh khác nhau... nhưng đều chung một tình yêu thương, một niềm đam mê, một tinh thần lạc quan, hy vọng - nguồn cảm hứng để họ viết nên những câu chuyện thật đặc biệt và lan tỏa đến cộng đồng.

PNTĐ

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video