Những phụ nữ ở Bến Tre không cam chịu đói nghèo

23/03/2008
Phong trào Ðồng khởi ở Bến Tre sản sinh ra một "đội quân tóc dài" trong kháng chiến, xứng đáng "anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang".

Với truyền thống ấy, ngày nay các mẹ, các chị không cam chịu đói nghèo mà vượt lên gian khó, xây dựng cuộc sống ấm no cho gia đình và làm giàu cho quê hương. Những tấm gương ấy đang nở rộ trên mảnh đất cù lao này.

Trên đất Bến Tre, ta bắt gặp không ít địa danh mang tên "Bà": rạch Bà Nhựt, Bà Hiền, Bà Giải. Giồng có giồng Bà Nhiên, Bà Khắc, Bà Thủ. Cồn có cồn Bà Tư, Bà Tam, Bà Thiết. Cầu cũng có cầu Bà Mụ, Bà Vụ, Bà Ba Ngởi. Chợ có chợ Bà Khoai, Bà Hiền, Bà Ðiểm,... Ðó là cách đặt tên để ghi công các "bà" giỏi giang trong khai hoang, lập ấp, lập làng.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, vai trò của các bà mẹ, bà chị trong đội quân tóc dài đã từng xuống đường đấu tranh, "đi như nước lũ" ập vào các cơ quan đầu não của địch, làm dấy lên một cao trào đồng khởi ở Bến Tre, xứng đáng với tám chữ vàng: "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang".

Công cuộc xây dựng lại quê hương cũng không kém phần gian khó, nhưng người phụ nữ không đầu hàng trước hoàn cảnh, họ chung lưng đấu cật giúp nhau thoát nghèo.

Ðầu năm 2007 toàn tỉnh có gần 18.000 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ, đến cuối năm có hơn 900 hộ thoát nghèo theo mô hình xóa nghèo cuốn chiếu do Hội chủ trương. Về các xã An Hòa, Tiên Thủy (Châu Thành), An Thạnh, Ðịnh Thủy (Mỏ Cày), Vĩnh Hòa (Chợ Lách), Thuận Ðiền (Giồng Trôm), Phú Lễ (Ba Tri), Ðịnh Trung (Bình Ðại), Bình Phú (thị xã Bến Tre) thấy phụ nữ giúp nhau xóa nghèo để vươn lên làm giàu, khiến không ít đấng mày râu khâm phục.

Chuyện vươn lên làm giàu chính đáng trong hoàn cảnh khó khăn như chị Lê Ngọc Kiềm, 57 tuổi, ở xã Bình Phú (thị xã Bến Tre) để lại không ít bài học. Trước đây, cả hai vợ chồng chị đều là cán bộ, công nhân, con luôn đau ốm, nên chị quyết định nghỉ việc, ở nhà chăm sóc con và làm kinh tế gia đình.

Chị dự định tìm công việc gì tại nhà vừa chăm sóc con lại vừa có thu nhập. Chị nghĩ ngay đến việc mở nhà trẻ. Vậy là nhóm trẻ tư thục Khai Trí ra đời. Ðược phụ huynh tín nhiệm, đến nay cơ sở phát triển thành Trường mầm non tư thục Khai Trí, có gần 300 cháu, 8 lớp, 9 giáo viên, 10 bảo mẫu, 4 cấp dưỡng. Các cháu mau lớn và ngoan.

Ðỗ Ngọc Ửng, sinh năm 1963 ở ấp An Ngãi, xã An Thạnh, Thạnh Phú. Xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo. Năm 21 tuổi chị lập gia đình, đất không có để ở, phải mướn cất tạm căn nhà che nắng, che mưa. Hằng ngày chị cùng chồng đi làm mướn, tối đến thì kéo lưới kiếm cá, tôm đổi lấy gạo nuôi con. Dành dụm được một số tiền, chị chuyển qua mua tôm, tép, cá bán lại cho vựa kiếm lời.

Qua nhiều năm tích lũy, chị mua được 15.000 m2 đất đào ao nuôi tôm, năm đầu trúng lớn chị lời được 20 triệu đồng, chị mua thêm 3 con bò, số tiền năm sau cao hơn năm trước đàn bò phát triển thêm. Giờ chị đã thoát nghèo.

Chị Nguyễn Thị Cúc, năm nay chưa tới 50 tuổi ở thị trấn Ba Tri, suốt 20 năm đầy khó khăn gian khổ, vợ chồng chị khởi nghiệp từ cái máy in gạch bông thủ công. Ðến năm 1991, nghề in gạch thủ công lạc hậu, vợ chồng chị quyết định chuyển nghề sang kinh doanh vật liệu xây dựng. Nhờ chữ tín và biết nghe lời khách hàng nên doanh thu mỗi năm gần 3 tỷ đồng.

Ðiều đáng nói ở đây không phải là tiền mà đó là tấm lòng của chị giúp đỡ người nghèo như xây dựng nhà tình thương, tặng vở sách cho học sinh nghèo và luôn chấp hành tốt chủ trương của Ðảng và pháp luật của Nhà nước.

Nguyễn Thị Rãng, sinh năm 1964, ở xã Tân Thạch, Châu Thành, tốt nghiệp đại học mà không đi làm việc, lại ở nhà thêu tay gia công với dăm, ba người thợ. Năm 1996, chị mạnh dạn phát triển thành cơ sở Khánh Quyên, chuyên sản xuất các mặt hàng thêu tay xuất khẩu, tạo việc làm cho hơn 400 lao động nữ và đào tạo nghề miễn phí cho hơn 200 chị em. Với tính cần cù của người phụ nữ chị không chỉ thành công trong hoạt động kinh doanh, mà còn đóng góp xây dựng nhiều công trình phúc lợi, ủng hộ xây nhà đoàn kết, quỹ học bổng cho học sinh nghèo.

Chị Trần Thị Dức ở ấp Bình Phú, xã Thành Trị, Bình Ðại. Chồng mất sớm, để lại ba đứa con, chị một mình phải gánh vác chuyện gia đình. Ði lên từ nghề nuôi heo nái, làm ruộng, mua bán dừa trái, nhờ tích lũy được vốn chị mua bom nước, đào ao nuôi tôm sú. Trong ba năm chị tích lũy được ít vốn.

Không dừng lại ở đó, chị thành lập doanh nghiệp tư nhân xăng dầu bán lẻ cho đến nay số vốn tự có của chị lên đến gần một tỷ đồng. Chị còn giúp vốn cho nhiều chị em khác để cùng phát triển kinh tế với một tấm lòng: hãy cần kiệm siêng năng, biết tính toán làm ăn để thoát nghèo như chị.

Còn nhiều lắm. Lĩnh vực nào cũng có người phụ nữ tùy từng hoàn cảnh mà vượt qua khốn khó để làm giàu. Nhìn 42 gương mặt tiêu biểu trong buổi họp mặt "chị em sản xuất, kinh doanh giỏi" trong tỉnh vừa qua, với nét mặt rạng rỡ, sẵn sàng trả lời tất cả những câu hỏi của người dẫn chương trình, không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, đã làm cho cả hội trường gần nghìn người dự, trầm trồ, thán phục.

Tùy mỗi người mà rút ra kinh nghiệm cho riêng mình. Bao quát hết vẫn là tính cần cù chịu khó, linh hoạt sáng tạo, nhạy bén trong tính toán làm ăn, biết tiết kiệm, tận dụng mọi nguồn lực khả năng hiện có và sử dụng có hiệu quả nhất, sự tìm tòi học hỏi nâng cao kiến thức và tay nghề, nắm bắt thông tin thị trường và biết ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Và nhất là tình thương chồng, thương con, vì gia đình mà vượt khó, một phẩm hạnh của người phụ nữ Việt Nam vẫn đang tỏa sáng.

Theo Lê Quang Nhung-Báo Nhân dân

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video