Những phụ nữ Mông giỏi làm du lịch

27/03/2017
Du lịch cộng đồng homestay tại Sa Pa những năm gần đây khởi sắc. Nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số bắt tay mở hướng làm ăn mới với sự trợ giúp của chính quyền địa phương.

Từ đi tours tự do…

7 giờ sáng, bến xe khách Sa pa, Lào Cai, đặc quánh sương mù. Ngoài trời 7 độ C. Rất đông phụ nữ Mông xúm quanh những chiếc xe khách vừa tới bến. Khách Tây xuống, họ tíu tít nói tiếng Anh như gió, mời chào khách trải nghiệm du lịch homestay.

Dáng người thấp đậm, chắc nịch, đôi mắt một mí trên khuôn mặt tươi rói, chị Hạng Thị Tùng bước ra từ đám đông đang ríu rít trò chuyện với khách. Cả một màu chàm in đậm lên đôi tay chai sần, thô tháp. 

Giọng chị lanh lảnh: “Bắt được khách thì đi tour, không bắt được khách thì nghỉ ở Sa pa đến 2h – 3h lại bắt xe đi về. Khách nào không có tour ở Hà Nội thì đi cùng mình, người ta có tour thì thôi. Mời khách thì bảo là: hello, you have booking?.... Khách không booking thì về nhà mình!”.

Chị Tùng cho hay, nhà nghèo, mỗi năm chỉ trồng được một vụ lúa chẳng đủ ăn. Thấy khách du lịch đến Sa pa ngày một đông, chị bèn làm thổ cẩm rồi mang đi bán rong khắp thị trấn. Nhưng lãi lời cũng chẳng là bao. Biết được khách rất thích vào bản chơi nhưng không am tường địa hình, chị nảy ý định tự mình trở thành “hướng dẫn viên” du lịch. Mỗi lần dẫn khách, chị kiếm được 300.000 – 500.000 đồng.

5 năm rồi, đều như vắt chanh, cứ 4 giờ sáng chị Tùng bắt xe ôm vượt gần chục cây số lên thị trấn Sa pa “bắt” khách. “Không có tiền mua quần áo cho con, mua phân, mua giống lúa, mua giống ngô. Mình phải làm chứ. Mình không có việc làm kiếm tiền thì mình phải đi kiếm như thế này chứ. Một tuần thì mình được 2 người – 3 người thôi, không được nhiều đâu. Chỉ được 1 – 2 triệu thôi” – chị nói.

Vốn tiếng Anh chị tích cóp, học hỏi được từ hồi đi bán thổ cẩm giờ xem ra rất hữu ích. Chị Tùng bảo không riêng gì chị, ở xã Hầu Thào rất nhiều chị em phụ nữ Mông "làm tour" dẫn khách. Hết ngày đi nương, họ tranh thủ lên thị trấn, trực tại bến xe. Khách xuống, họ túa ra thăm hỏi, giới thiệu, chào mời du lịch bản, trải nghiệm homestay ngay chính nhà mình. Bến hết, họ lại lang thang khắp thị trấn, "bắt" khách. Giá giao động 400 - 600 ngàn đồng/khách bao gồm ăn, ngủ, nghỉ. Chồng, hoặc đi theo để chở khách, hoặc ở nhà chăm con, dọn nhà. 

Chị Sùng Thị Sung vừa đón được vị khách Pháp liên hệ từ Hà Nội: “Mình cho khách số điện thoại. Khách thích, họ lại giới thiệu cho bạn bè. Em có bạn không, giới thiệu cho chị? Mình sẽ chia hoa hồng!” - chị Sung cười ròn tan.

Dẫn tour, mỗi tháng những phụ nữ như chị Sung, chị Tùng có thu nhập ổn định từ 2 – 4 triệu đồng. Không chỉ trang trải được cuộc sống, nuôi được con ăn học, chị Tùng còn bảo gặp gỡ, giao tiếp với nhiều người, cái đầu mình cũng mở mang thêm nhiều thứ. 

Phần đông những vị khách homestay đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Campuchia, Anh, Pháp, Hà Lan, Hungary, Phần Lan… Vậy, làm thế nào phụ nữ Mông nơi đây có thể “bắt” khách một cách dễ dàng? 

Bí mật nằm trong cuốn sổ tay nhỏ mà bất kỳ người phụ nữ Mông nào dẫn tours đều có. Mỗi trang giấy ghi một thứ tiếng với nội dung khác nhau: nào cảm nhận khách hàng, viết thực đơn, giới thiệu về bản… do chính những vị khách ngoại quốc tốt bụng viết. Nó như một bảo bối nhỏ để tiếp thị cho từng vị khách, đến từ nhiều đất nước khác nhau.

Theo ông Đỗ Trọng Nguyên, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Sa pa, huyện luôn khuyến khích người dân tham gia phát triển kinh tế, nhất là việc tham gia dẫn tour, bà con vừa có thể giao lưu văn hóa, vừa tăng thu nhập. 

Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho hành trình trải nghiệm, huyện chủ trương bất kỳ du khách nào sử dụng dịch vụ homestay đều phải báo với đội liên ngành. Người dân ký cam kết thực hiện các quy định trong quy chế quản lý du lịch cộng đồng của xã; quy ước, hương ước thôn bản, nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

… đến mở dịch vụ homestay

Những người không có vốn liếng như chị Tùng, chị Sung sẽ là người dẫn tour, quảng bá dịch vụ homestay trong bản. Nhưng những gia đình ở xã Hầu Thào có điều kiện như vợ chồng anh Giàng A Cáng, không chỉ dẫn tour, họ mở hẳn dịch vụ homestay để phục vụ nhu cầu của khách.

Dẫn tour tự do từ năm 2004, ba năm sau, vợ chồng anh góp được 100 triệu, bắt đầu làm mô hình du lịch homestay. Căn nhà sàn 80m2 được tu sửa, làm thêm công trình phụ, lắp máy tính, wifi. Khách du lịch đến nhà anh ngày một đông. 

“Khách châu Âu, châu Á mình đón hết. Nhiều thì 700 – 800 ngàn đồng/khách. Ít cũng 500 – 600 ngàn đồng/khách. Mỗi tuần được 1 – 2 triệu. Từ sáng đến giờ đón được 2 vị khách Pháp đấy. Chồng mình không đi dẫn đâu, chồng mình không biết tiếng, chỉ mình đi thôi” -  chị Mao, vợ anh Cáng rổn rảng.

Mở rộng được không gian nghỉ ngơi, gia đình anh Cáng cải tạo vườn trồng thêm rau củ, nuôi thêm lợn, gà. Gia đình chị phân công công việc rõ ràng, chồng ở nhà dọn dẹp, tiếp khách, vợ lên thị trấn “bắt” tour. Những ngày vắng khách, chồng đèo vợ lên thị trấn, chờ vợ “bắt” khách xong rồi đón họ về nhà.

Tính ra, mỗi tháng thu nhập gia đình anh chị khoảng 6 – 7 triệu đồng. Số tiền đó đủ để nuôi được 4 đứa con ăn học tử tế. So với bữa đói bữa no ngày trước, cuộc sống giờ đây bớt nhọc nhằn.

Ông Đỗ Trọng Nguyên cho biết huyện Sa pa hiện có trên 100 cơ sở lưu trú homestay. Mỗi cơ sở đón được khoảng 15 – 20 khách. Các chủ cơ sở homestay đều được đào tạo, tập huấn các kỹ năng về du lịch. 

Trong năm 2016, đã có trên 200 lượt người dân được đào tạo các kỹ năng phục vụ khách, làm marketing, học tiếng Anh, cung cách phục vụ tại gia. Lượng du khách đến trải nghiệm homestay tại Sa pa năm qua lên tới 60.000 lượt khách. 

http://dantocmiennui.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video