Những phụ nữ dân tộc thiểu số tiêu biểu trong thực hiện 2 Đề án 938 và 939

06/10/2022
Tại Hội nghị sơ kết 5 năm (2017-2022) thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027” (Đề án 938) và Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” (Đề án 939) do Hội LHPN Việt Nam vừa tổ chức ở Hà Nội, nhiều chị phụ nữ dân tộc thiểu số đã được vinh danh.
Phụ nữ dân tộc thiểu số tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Ảnh minh họa

Họ chính là những người góp phần đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước thành hiện thực sinh động trong đời sống của đồng bào các dân tộc.

Chị Hầu Tuyết Lan, dân tộc Mông, Chủ tịch Hội LHPN thị xã Sapa, tỉnh Lào Cai: Triển khai Đề án bằng xây dựng các mô hình điểm

Theo chị Hầu Tuyết Lan, Đề án 938 và Đề án 939 được Hội LHPN thị xã Sapa bắt đầu triển khai thực hiện từ năm 2017. Khi đó Sapa vẫn còn là một huyện với 17 xã, 1 thị trấn (đến năm 2000 được nâng cấp thành thị xã bao gồm 16 xã phường) với nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó chủ yếu là người Mông và người Dao. Đời sống của người dân nơi đây, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số, còn gặp rất nhiều khó khăn.

Xuất phát từ tình hình thực tiễn đó, Hội LHPN thị xã Sapa đã quyết tâm thực hiện thành công Đề án 938 và 939 theo chủ trương của Đảng, Nhà nước, của cấp ủy, chính quyền địa phương, của Hội LHPN các cấp và Chương trình phát triển kinh tế - xã hội của thị xã. 

Chị Hầu Tuyết Lan, dân tộc Mông, Chủ tịch Hội LHPN thị xã Sapa, tỉnh Lào Cai

Hội LHPN thị xã đã triển khai đến các cơ sở Hội dưới nhiều hình thức, đặc biệt quan tâm đến phụ nữ nghèo, phụ nữ yếu thế, điển hình là: Tổ chức triển khai 2 Đề án tới tất cả cấp Hội cơ sở; tuyên truyền, chia sẻ động viên chị em tham gia bằng những việc làm cụ thể như: Tiếp cận các nguồn vốn Ngân hàng chính sách, vốn vay qua các tổ chức chính trị xã hội, đi tham quan học tập mô hình hay; tham mưu xin nguồn kinh phí tổ chức các lớp tập huấn phù hợp với các đối tượng; hỗ trợ xây dựng các mô hình điển hình…

Qua 5 năm triển khai thực hiện, từ kết quả cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp ở địa phương, Hội LHPN thị xã Sapa đã có 5 chị đạt giải của TƯ Hội LHPN Việt Nam. Từ phong trào phụ nữ khởi nghiệp sôi nổi ở các xã Tả Phìn, Ngũ Chỉ Sơn, phường Sa Pả đã phát triển được 3 hợp tác xã (HTX) với các mô hình: Homestay, tắm lá thuốc thảo dược, phát triển nghề thổ cẩm…

Khi các HTX, mô hình đi vào hoạt động, chị Hầu Tuyết Lan cùng với các chị trong Ban Chấp hành Hội LHPN thị xã Sapa lại tiếp tục đồng hành cùng chị em khởi nghiệp bằng cách tổ chức cho chị em tham gia các hội nghị, hội thảo do tỉnh, TƯ tổ chức. Tại đây, các chị em có điều kiện giao lưu học hỏi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin, kết nối với các chuyên gia, đại diện các bộ ban ngành đoàn thể. Đồng thời quảng bá sản phẩm thông qua các diễn đàn, hội thảo, hội nghị; trao đổi thông tin sản phẩm qua zalo, facebook; qua các cổng thông tin điện tử; trang fanpage của Hội LHPN… Nhờ đó, các sản phẩm như thuốc tắm của đồng bào dân tộc Dao, thổ cẩm của dân tộc Mông... ngày càng có nhiều người biết đến, được khách hàng trong và ngoài nước đặt mua.

Năm 2022, Hội LHPN thị xã Sapa có 2 chị đăng ký ý tưởng khởi nghiệp khả thi, đó là xây dựng mô hình nuôi cá nước lạnh (cá hồi) và homestay trải nghiệm trên ruộng bậc thang. 2 ý tưởng này hiện đang được xây dựng phương án để thực hiện.

Theo chị Tuyết Lan, trong thời gian tới, Hội LHPN Sapa sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình đã thành công; đổi mới các hình thức tuyên truyền bằng trực quan, người thực việc thực để nâng cao nhận thức cho chị em. Từ đó, chị em chủ động học hỏi và làm theo.

Chị Vàng Thị Sua, dân tộc Mông, Chủ tịch Hội LHPN xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên: Gắn đặc sản địa phương với phát triển du lịch

Xã Tỏa Tình có đồng bào dân tộc Mông chiếm đến 99%. Hầu hết chị em phụ nữ nơi đây còn hạn chế về trình độ nhận thức. Giao thông đi lại khó khăn. Vì thế, cơ hội giao thương của đồng bào nói chung, trong đó có phụ nữ nói riêng bị hạn chế rất nhiều. Số chị em khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh chỉ đếm trên đầu ngón tay, khoảng trên 20 người. Ngành nghề chủ yếu của chị em là chăn nuôi gia cầm, trồng lúa nếp, nuôi ốc Bản Lồng…

Sau khi được Hội LHPN tỉnh và huyện tổ chức tập huấn về Đề án 938, 939, chị Vàng Thị Sua đã chỉ đạo triển khai đến các Ủy viên BCH, chi hội trưởng và hội viên, phụ nữ tiêu biểu. Tiếp theo, Hội LHPN xã xây dựng Kế hoạch triển khai tới các nhóm, tổ, CLB phụ nữ trên địa bàn thông qua các hình thức như: Trao đổi trực tiếp, qua zalo, facebook. Từ đó, chị em có thể nắm được những nội dung cơ bản để tổ chức thực hiện.

Chị Vàng Thị Sua, dân tộc Mông, Chủ tịch Hội LHPN xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên

Đồng thời, chị cùng đội ngũ cán bộ Hội cơ sở tiến hành rà soát các chị em có nhu cầu khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, mong muốn của chị em. Trên cơ sở đó mở lớp tập huấn theo đúng đối tượng, mục đích và nội dung của Đề án.

Sau khi tập huấn, Hội đã chủ động tham mưu thành lập các HTX do phụ nữ quản lý như HTX Nông sản sạch Tây Bắc xã Tỏa Tình. Cùng với đó, Hội còn hỗ trợ hội viên, phụ nữ về kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm. Phối hợp với HTX tìm đầu ra cho sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm đạt chứng chỉ OCOP như giới thiệu trưng bày sản phẩm, cử đại diện HTX tham gia Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp do các cấp Hội tổ chức. Nhờ đó, các sản phẩm như dưa Mèo, rượu Cider, dấm táo Mèo, táo Mèo sấy lạnh… đã đưa vào được các chuỗi cung ứng tiêu thụ sản phẩm để đến tay người tiêu dùng trong huyện và trong tỉnh.

Bước đầu các đặc sản địa phương đã trở thành các sản phẩm du lịch được du khách trong nước ưa thích, góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội Phụ nữ tỉnh Điện Biên nhiệm kỳ 2021-2026, với khâu đột phá, đó là: Phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển các sản phẩm - hoạt động gắn với du lịch. Nhờ được HTX Nông sản sạch Tây Bắc bao tiêu, bà con dân tộc trên địa bàn xã không còn phải lo đầu ra cho sản phẩm.

Trong thời gian tới, chị Vàng Thị Sua cho biết sẽ cùng Ban Chấp hành Hội LHPN xã Tỏa Tình sẽ tiếp tục phối hợp với HTX Nông sản sạch Tây Bắc trao đổi, chia sẻ đẩy mạnh sản xuất kinh doanh gắn với việc tìm các cây, con giống phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, dễ tìm đầu ra. Đồng thời tiếp tục khảo sát nhu cầu của hội viên để hỗ trợ kiến thức, tham mưu thành lập các tổ hợp tác, HTX, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Chị Chẻo Thị Thanh, dân tộc Dao, Chi hội phó Chi hội phụ nữ khu 5, thị trấn Sìn Hồ, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu: Xây dựng mô hình homestay từ bài thuốc bí truyền của gia đình

Thị trấn Sìn Hồ cách TP Lai Châu 60km. Những năm gần đây, đường sá đi lại trở nên thuận tiện hơn. Tận dụng thế mạnh là thời tiết mát mẻ dễ chịu, cảnh quan hoang sơ, hùng vĩ, chưa có bàn tay cải tạo của con người, rất thích hợp với những du khách ưa trải nghiệm và khách du lịch trẻ. Từ những nhóm khách đi phượt lẻ tẻ, người dân địa phương bắt đầu nghĩ đến việc phát triển du lịch cộng đồng, trải nghiệm.

Chị Chẻo Thị Thanh, dân tộc Dao, Chi hội phó Chi hội phụ nữ khu 5, thị trấn Sìn Hồ, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu

Nắm bắt được nhu cầu của khách du lịch trong khi trên địa bàn còn rất ít dịch vụ phục vụ khách, chị Chẻo Thị Thanh đã quyết định khởi nghiệp bằng mô hình homestay. Tham gia cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp do Hội LHPN tỉnh tổ chức năm 2021, chị được Hội cho vay vốn (50 triệu đồng) để chỉnh trang lại nhà cửa, làm các dịch vụ đón khách. Đặc biệt, nhận thấy bài thuốc tắm lá thảo dược bí truyền được ông bà truyền miệng lại vừa đem lại lợi ích cho sức khỏe người dùng, vừa có thể mang lại nguồn thu nhập, chị đã tranh thủ một phần vốn vay trên để mua sắm làm dịch vụ tắm lá thuốc thảo dược, phục vụ các đối tượng khách hàng. Ban đầu, mô hình của chị chỉ mới có 1-2 thùng tắm lá thuốc giờ đã phát triển lên 10 thùng. Đồng thời, cơ sở lưu trú của chị giờ đã có thể đón được 10 khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng. Để tăng thêm nguồn thu, chị bao thầu trọn gói các dịch vụ như: Tự lên rừng lấy lá thuốc, nấu ăn phục vụ khách, làm hướng dẫn viên du lịch...

Để vừa lòng thực khách, chị đã tận dụng cây dược liệu của địa phương để nấu những món ăn dân dã như gà nấu canh lá thuốc Bắc, chân giò hầm đương quy, đẳng sâm... khiến bất cứ ai từng đặt chân đến đây đều khó có thể quên được món đặc sản này. Đồng thời, chị cũng chịu khó học hỏi để giới thiệu với du khách tham gia trải nghiệm dịch vụ săn mây nổi tiếng và các dịch vụ khác ở nơi được mệnh danh là "Sapa thứ hai" này. Cần mẫn như con tằm nhà tơ, chị đã trụ được qua thời khó khăn của đại dịch Covid-19 và dần đang có hướng phát triển đi lên. Mỗi tháng, mô hình homestay của chị đạt doanh thu khoảng 20 triệu đồng, trừ chi phí cũng lãi khoảng 7-8 triệu đồng.

Nói về thu nhập còn khiêm tốn này, chị tâm sự: "Đối với tôi đó là thành công rồi, bởi người khác khởi nghiệp từ con số 0, còn tôi khởi nghiệp từ con số âm". Bởi lẽ, trước khi khởi nghiệp, chị vừa một nách nuôi hai con nhỏ vừa phải "cõng" cả gánh nợ của gia đình.

Chị Chẻo Thị Thanh cho biết, chị đang xúc tiến thành lập HTX dịch vụ du lịch, góp phần phát triển văn hóa, ẩm thực của thị trấn Sìn Hồ nói riêng và tỉnh Lai Châu nói chung để các chị em dân tộc thiểu số được tham gia nhiều hơn, ổn định cuộc sống. Chị cũng mong muốn được cấp ủy, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể quan tâm, đồng hành, tạo điều kiện trong việc vay vốn, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tuyên truyền, quảng bá để ngày càng có nhiều du khách biết Sìn Hồ, đến với Sìn Hồ, mang lại nguồn sinh kế nhất định cho người dân.

 

Tại Hội nghị sơ kết 5 năm (2017-2022) thực hiện Đề án "Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027" (Đề án 938) và Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025" (Đề án 939), Hội LHPN Việt Nam biểu dương tôn vinh 70 tập thể và 70 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án 938; 68 tập thể và 52 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án 939.

https://phunuvietnam.vn/

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video