Những phát hiện chính về tình hình bạo lực qua thí điểm bộ khung dữ liệu chung hỗ trợ phụ nữ

12/04/2022
Hội thảo về “Nâng cao chất lượng thu thập thông tin và tăng cường kết nối chuyển tuyến hỗ trợ phụ nữ bị bạo lực trên cơ sở giới” đã diễn ra tại Trung tâm Phụ nữ và Phát triển thuộc Hội LHPN Việt Nam vào cuối tháng 3 vừa qua.
Hội thảo “Nâng cao chất lượng thu thập thông tin và tăng cường kết nối chuyển tuyến hỗ trợ phụ nữ bị bạo lực trên cơ sở giới”

Hội thảo nằm trong khuôn khổ thực hiện "Chương trình hợp tác cung cấp dịch vụ tham vấn cộng đồng trong ngăn ngừa bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em trong bối cảnh COVID - 19" do UNWOMEN tài trợ Trung tâm Phụ nữ và Phát triển và Công ty cổ phần Tham vấn và Nghiên cứu Tâm lý học cuộc sống (SHARE) phối hợp thực hiện.

Hội thảo có sự tham gia của Bà Dương Thị Ngọc Linh - Ủy viên Đoàn Chủ tịch TW Hội LHPN Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển; Bà Elisa Fernandez - Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam; Bà Valentina Volves - Chuyên gia về phòng chống bạo lực đối với phụ nữ văn phòng UN Women khu vực Đông Nam Á - Thái Bình Dương; Ông Nguyễn Đức Nam - Giám đốc điều hành SHARE; cùng sự tham gia thảo luận từ các đơn vị, tổ chức trong mạng lưới hỗ trợ phụ nữ và trẻ em trên toàn quốc.

Phiên thảo luận thứ nhất về “Cải thiện chất lượng thu thập và sử dụng dữ liệu về bạo lực đối với phụ nữ”

 

Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe Báo cáo kết quả thử nghiệm bộ khung dữ liêu chung trong cung cấp dịch vụ hỗ trợ của 08 tổ chức tham gia vận hành đường dây nóng, trong đó có 06 phát hiện chính qua 04 tháng thử nghiệm bộ khung dữ liệu chung gồm:

1. Có 4.159 cuộc gọi có liên quan đến bạo lực đã được 08 đơn vị tham gia thử nghiệm bộ khung dữ liệu tối thiểu tiếp nhận qua đường dây nóng

2. Gần 70% người bị bạo lực là phụ nữ và có đến hơn 10% người bị bạo lực dưới 18 tuổi. Có 2.125 phụ nữ bị bạo lực trong vòng 4 tháng và có 244 người bị bạo lực dưới 18 tuổi. Độ tuổi bị bạo lực nhiều nhất là từ 35 đến 60 tuổi (453 trường hợp), tiếp theo là 413 người trong độ tuổi từ 18 đến dưới 35 tuổi.

3. Bạo lực thể chất và bạo lực tinh thần là hai hình thức bạo lực xảy ra phổ biến nhất

4. Phần lớn người thực hiện hành vi bạo lực là người thân, quen với người bị bạo lực. Qua kết quả phân tích, có 1.170 vụ việc bạo lực do chồng gây ra, 519 vụ do người quen thực hiện, 380 vụ do cha/bố thực hiện và 269 vụ do bạn tình gây ra.

5. Trình báo vụ việc qua điện thoại chiếm tỷ lệ cao nhất trong các hình thức báo cáo vụ việc. Số vụ việc trình báo qua điện thoại là cao nhất 691 vụ; tiếp theo là báo cáo trực tiếp vụ việc 336. Ngoài ra, người bị bạo lực giới có thể nhờ người khác trình báo 246 vụ cà viết đơn tố giác 252 vụ.

6. Các dịch vụ cơ bản đã được cung cấp cho người bị bạo lực.

Trên cơ sở các thông tin Báo cáo kết quả thử nghiệm, phiên thảo luận thứ nhất của hội thảo tập trung vào vấn đề “Cải thiện chất lượng thu thập và sử dụng dữ liệu về bạo lực đối với phụ nữ”; Phiên thứ hai về “Cơ chế chia sẻ thông tin và kết nối chuyển tuyến” .

Bà Dương Thị Ngọc Linh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch TW Hội LHPN Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển phát biểu tại hội thảo

Bà Dương Thị Ngọc Linh, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển cho rằng, rất cần thiết có một hệ thống cơ sở dữ liệu chung để có thể sử dụng và cung cấp một bức tranh về tình hình bạo lực dựa trên cơ sở giới ở Việt Nam. Việc thiết lập tổng đài quốc gia về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực giới, cũng như hệ thống cơ sở dữ liệu chung sẽ là cơ sở để chúng ta có thể phối hợp cùng nhau hiệu quả hơn, xây dựng được cơ chế cung cấp thông tin và bằng chứng phục vụ cho những khuyến nghị về mặt chính sách về phòng chống BLG ở Việt Nam.

 

08 đường dây nóng của 08 tổ chức tham gia thí điểm gồm: Trung tâm Phụ nữ và Phát triển; Hagar International; CSAGA; Nhà Nhân Ái, Ngôi nhà Ánh Dương; OSSO; Ban Chính sách - Luật pháp, TW Hội LHPN Việt Nam; Ngôi nhà Bình yên Cần Thơ.

Trung tâm Phụ nữ và phát triển

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video