Những nội dung cơ bản của Luật An ninh quốc gia

29/12/2005
Luật An ninh quốc gia được Quốc hội khóa XI thông qua tại Kỳ họp thứ 6 ngày 3/12/2004, gồm 5 Chương, 36 Điều. Đây là đạo luật đầu tiên của Nhà nước ta quy định những vấn đề liên quan lĩnh vực bảo vệ an ninh quốc gia nhằm thể chế hóa những quan điểm, tư tưởng, đường lối của Đảng về giữ vững an ninh quốc gia, tạo điều kiện cho các cơ quan, tổ chức và nhân dân tham gia vào bảo vệ an ninh quốc gia.

An ninh quốc gia được coi là đối tượng bảo vệ đặc biệt quan trọng của bất kỳ quốc gia nào. An ninh quốc gia chính là sự ổn định và phát triển bền vững về mọi mặt của chế độ nhà nước, về tiềm lực quốc phòng, sự bất khả xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích dân tộc thể hiện trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, tư tưởng - văn hóa, xã hội, khoa học - công nghệ, tài nguyên, môi trường, quốc phòng, đối ngoại và trong các lĩnh vực khác. Bất kỳ hiện tượng nào xảy ra không bình thường, dù to hay nhỏ, ở phạm vi rộng hay hẹp đều có thể gây nên sự bất ổn, cả về sự sinh tồn và phát triển là xâm phạm an ninh quốc gia. Do vậy, an ninh quốc gia có quan hệ đến toàn cục, không loại trừ bất kỳ một lĩnh vực, một tổ chức, lực lượng nào, ở bất kỳ một không gian nào, nếu để xảy ra, gây nên sự bất ổn dù lớn hay nhỏ đều ảnh hưởng đến an ninh của đất nước. Tuy nhiên, bảo vệ an ninh quốc gia là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị và của tất cả các cơ quan, tổ chức và công dân. Bảo vệ an ninh quốc gia chính là bảo vệ chế độ chính trị, chế độ nhà nước; bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ an ninh tư tưởng - văn hóa, kinh tế, đối ngoại, khối đại đoàn kết toàn dân tộc; bảo vệ bí mật nhà nước, các mục tiêu quan trọng về an ninh quốc gia và các lĩnh vực khác; bảo vệ an ninh quốc gia là phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh làm thất bại và loại trừ các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia (Điều 15). Do những nội dung này đã được quy định trong cả hệ thống pháp luật, vì vậy, phạm vi điều chỉnh của Luật An ninh quốc gia (Điều 1) chỉ quy định về chính sách an ninh quốc gia; nguyên tắc, nhiệm vụ, biện pháp bảo vệ an ninh quốc gia; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan tổ chức, công dân trong bảo vệ an ninh quốc gia. Đối tượng áp dụng của Luật An ninh quốc gia (Điều 2) là hoạt động của các cơ quan, tổ chức, công dân nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; cá nhân, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế cư trú, hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định khác thì áp dụng theo điều ước quốc tế đó.

Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển, chính sách an ninh quốc gia của Nhà nước ta là thực hiện chính sách hoà bình, hữu nghị, mở rộng, giao lưu và hợp tác với tất cả các nước trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi. Nhà nước có chính sách xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, an ninh, quốc phòng, đối ngoại vững mạnh, giữ vững ổn định chính trị để bảo đảm an ninh quốc gia (Điều 4). Nhà nước bảo đảm ngân sách và cơ sở vật chất cho các hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia trong mọi tình huống, ưu tiên các địa bàn chiến lược, xung yếu, quan trọng về an ninh quốc gia; có chính sách huy động thành tựu khoa học và công nghệ phục vụ hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia (Điều 7).

Để đảm bảo thực hiện chính sách an ninh quốc gia, Luật An ninh quốc gia quy định các hành vi xâm phạm an ninh quốc gia đều bị nghiêm cấm như tổ chức, hoạt động, cấu kết, xúi giục, khống chế, kích động, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo người khác nhằm chống chính quyền nhân dân, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, chia cắt đất nước, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; nhận nhiệm vụ của tổ chức, cá nhân để hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tham gia, giúp sức, cung cấp tài chính, vũ khí, phương tiện cho các tổ chức, cá nhân hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia; thu thập, tàng trữ, vận chuyển, mua bán, sử dụng, tiết lộ, cung cấp, tán phát trái phép tin tức, tài liệu, vật phẩm thuộc bí mật nhà nước; xâm phạm mục tiêu quan trọng về an ninh quốc gia; chống lại hoặc cản trở cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia; lợi dụng việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; các hành vi khác xâm phạm an ninh quốc gia được quy định tại Bộ luật Hình sự và các văn bản pháp luật có liên quan (Điều 13). Đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm an ninh quốc gia mà bị phát hiện thì quan điểm nhất quán là, mọi hành vi xâm phạm an ninh quốc gia đều phải bị xử lý nghiêm minh, kịp thời theo đúng quy định của pháp luật; đối với người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối thì bị nghiêm trị; đối với người bị ép buộc, lừa gạt, lôi kéo nhận làm việc cho tổ chức, cá nhân để hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia mà tự thú, thành khẩn khai báo thì được khoan hồng; nếu lập công thì được khen thưởng. Riêng đối với người nước ngoài có hành vi xâm phạm an ninh quốc gia của Việt Nam ở ngoài lãnh thổ Việt Nam có thể bị xử lý theo pháp luật của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định (Điều 12).

Làm nòng cốt trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia là các cơ quan chỉ đạo, chỉ huy các đơn vị an ninh, tình báo, cảnh vệ, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển trong Quân đội Nhân dân và Công an nhân dân (Điều 22). Nhà nước xây dựng lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại (Điều 6). Các cơ quan chuyên trách nói trên được quyền thực hiện các biện pháp như vận động quần chúng, pháp luật ngoại giao, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, nghiệp vụ, vũ trang để bảo vệ an ninh quốc gia (Điều 15) và được quyền yêu cầu các cơ quan nhà nước, các tổ chức tạo điều kiện để thực thi công vụ; kiểm tra các loại phương tiện, nơi làm việc, chỗ ở của cơ quan, tổ chức, cá nhân khi có căn cứ xác định liên quan đến hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia; trưng dụng các loại phương tiện và người điều khiển phương tiện trong các trường hợp cấp bách; tạm đình chỉ hoặc đình chỉ việc sử dụng các phương tiện khi có căn cứ xác định các hoạt động này gây nguy hại cho an ninh quốc gia; áp dụng các biện pháp cấp thiết để bảo vệ an ninh quốc gia (Điều 24).

Bảo vệ an ninh quốc gia là sự nghiệp của toàn dân. Các cơ quan, tổ chức, công dân đều có trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ an ninh quốc gia (Điều 8). Công dân có quyền và nghĩa vụ tham gia lực lượng bảo vệ an ninh quốc gia; tố cáo với người có chức vụ và cơ quan nhà nước có thẩm quyền về mọi hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, hành vi lợi dụng việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; phát hiện, cung cấp kịp thời cho cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia những thông tin, tài liệu liên quan đến hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, cũng như những sơ hở, thiếu sót trong việc thực hiện pháp luật bảo vệ an ninh quốc gia để có các biện pháp khắc phục, ngăn ngừa (Điều 17). Đối với các cơ quan nhà nước, các tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phát hiện, cung cấp kịp thời các thông tin, tài liệu liên quan đến hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia cho cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia và thực hiện các yêu cầu của các cơ quan này; tổ chức thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia; thực hiện các biện pháp bảo vệ chính trị nội bộ; đưa nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia vào chương trình, kế hoạch và các hoạt động chuyên môn của cơ quan, tổ chức; giáo dục, động viên mọi thành viên của cơ quan, tổ chức mình và nhân dân tham gia bảo vệ an ninh quốc gia (Điều 18). Đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tuyên truyền, động viên nhân dân xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về bảo vệ an ninh quốc gia; giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo vệ an ninh quốc gia của tổ chức, cá nhân (Điều 19). Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia có thành tích thì được khen thưởng, bị tổn hại về danh dự thì được khôi phục, bị thiệt hại về tài sản thì được đền bù; người bị thương tích, tổn hại về sức khỏe, bị thiệt hại về tính mạng thì bản thân, gia đình được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật (Điều 9)

(theo Nhân dân)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video