Những nhà văn nữ đi qua chiến tranh

28/04/2019
Họ là những người phụ nữ sẵn sàng hy sinh thầm lặng, tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc thân yêu bằng chính “ngòi bút” mang phong cách rất riêng của mỗi người...

Kỷ niệm 44 năm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2019), 65 năm ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2019), báo Phụ nữ Thủ đô gửi tới độc giả bài viết của nhà văn Bùi Việt Thắng viết về những nhà thơ, nhà văn nữ tên tuổi, từng làm báo trong chiến tranh. Họ là những người phụ nữ sẵn sàng hy sinh thầm lặng, đặt hạnh phúc riêng, có khi cả tình mẫu tử thiêng liêng của mình sang một bên để ra chiến tuyến, tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc thân yêu bằng chính “ngòi bút” mang phong cách rất riêng của mỗi người...

Một nền văn chương mang gương mặt nữ…

Nền văn học Việt Nam qua các giai đoạn đã ghi nhận nhiều gương mặt nhà văn, nhà thơ nữ tiêu biểu. Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, văn học Việt Nam đã xuất hiện những gương mặt nữ tiêu biểu: Dương Thị Xuân Quý (1941-1969), Trần Thị Thắng (sinh 1948), Lê Minh Khuê (sinh 1949), Lâm Thị Mỹ Dạ (sinh 1949), Lê Thị Mây (sinh 1949), Vũ Thị Hồng (sinh 1950), Phạm Hồ Thu (sinh 1950).

Nếu là nữ nhi thường tình thì những người thuộc “phái yếu” này chỉ cần làm “nội tướng” trong mỗi gia đình, ủ ấp ngọn lửa ấm của riêng mình, phát huy thiên bẩm, tiềm năng “vượng phu ích tử” là đủ. Nhưng vì sao họ ra đi? Vì sao họ dám chấp nhận dấn thân vào cuộc chiến đáng ra là việc của đàn ông? Phải có một căn cớ gì đó rất khó giải thích bằng lý lẽ. Cũng chưa hẳn là “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Cũng chưa hẳn là từ một mệnh lệnh hay sự phân công của tổ chức. Tôi nghĩ, đã là nhà văn thì đều có cái tố chất đặc biệt, ưa phiêu lưu, thám hiểm. Và quan trọng hơn họ là người tự nguyện sống và viết. 

Vậy nên mới có chuyện Dương Thị Xuân Quý gửi con gái còn rất nhỏ lại cho bố mẹ khoác ba-lô đi chiến trường (lúc này chị đang là phóng viên báo Phụ nữ Việt Nam) thi đua với chồng (nhà thơ Dương Hương Ly đi chiến trường trước). Trong nhật ký nhà văn viết: “Vừa biết gọi mẹ là mẹ đi xa”. Lê Minh Khuê thì khai tăng tuổi khi chưa học hết phổ thông (hệ 10 năm) tham gia Thanh niên xung phong (TNXP), ra mặt đường đối mặt với bom đạn. Lê Thị Mây cũng tham gia TNXP ngay sau khi tốt nghiệp phổ thông.

Lâm Thị Mỹ Dạ cũng đã là phóng viên trong những năm chiến tranh trước khi tốt nghiệp khóa bồi dưỡng những người viết văn trẻ Quảng Bá, Hà Nội (1971). Trần Thị Thắng, Vũ Thị Hồng, Phạm Hồ Thu sau khi tốt nghiệp đại học đều chọn chiến trường miền Nam là nơi đến, nơi thử sức ngọn bút. Một trích ngang hồ sơ cá nhân như thế cho thấy những nhà văn nữ đều có cái ý chí trưởng thành qua lửa đỏ và nước lạnh, đều “thép đã tôi thế đấy”. Với những nhà nữ này, tôi nghĩ, cây bút - đời người gắn bó mật thiết với nhau như là số phận vậy.

Những áng văn thơ thấm đẫm tình người 

Trong bảy nhà văn nữ tiêu biểu mà tôi vừa nhắc đến ở trên, riêng Dương Thị Xuân Quý mãi mãi không trở về, chị đã không được gặp lại đứa con mới biết bi bô của mình. Chị để lại hai tác phẩm Chỗ đứng (tập truyện 1968) và Hoa rừng (truyện và ký, 1970). Tình yêu cuộc sống, yêu con người và niềm tin vào tương lai là ánh sáng rực rỡ trong tác phẩm của nữ nhà văn liệt sỹ. Năm 2007, chị được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. 

Trường hợp Lê Minh Khuê lại có cái biệt sắc khác. Khai tăng một tuổi, rời ghế nhà trường phổ thông khi chưa tốt nghiệp, tham gia chiến tranh với lòng quả cảm của một cá tính mạnh mẽ, tự tin vào lẽ phải và lương tri. Nhưng quan trọng hơn là chị tin vào sự nghiệp cầm bút của mình.

 

 Nhà văn Lê Minh Khuê

 

Những trang văn đầu tiên chị viết giữa hai trận đánh, trên những cung đường nóng rực lửa khói đạn bom thời chiến. Truyện ngắn đầu tay thành công Những ngôi sao xa xôi (1971) viết về những nữ TNXP, đồng đội của mình, được chọn đưa vào SGK Ngữ văn 9. Cho đến nay vẫn “trụ hạng” trong chương trình phổ thông, vẫn nhờ đó giúp độc giả sinh ra sau chiến tranh hiểu được vẻ đẹp sáng rỡ và tính cách anh hùng của thế hệ đi trước đã cống hiến tuổi xuân của mình cho sự nghiệp chung bền bỉ như thế nào. 

Trong số những bài thơ vào loại hay nhất của thơ chống Mỹ, Khoảng trời - hố bom (1972) của Lâm Thị Mỹ Dạ, cho đến tận hôm nay vẫn còn lấy nước mắt của nhiều độc giả. Bài thơ viết về sự hy sinh anh dũng của những cô gái trên những tuyến đường thời chiến. Nếu Lâm Thị Mỹ Dạ tụng ca sự hy sinh của cô gái TNXP với ý nghĩa “có cái chết hóa thành bất tử” thì Lê Thị Mây lại viết về sự chờ đợi, lòng chung thủy của những cô gái trong chiến tranh có người yêu/ chồng ra chiến trận. Đó cũng là một chiến công thầm lặng của người phụ nữ.

Bài thơ Những mùa trăng mong chờ (trong tập thơ cùng tên, xuất bản 1980), tôi nghĩ, là một trong những bài thơ hay nhất của thơ Lê Thị Mây (đã đứng chân trong nhiều tuyển tập thơ). Bài thơ này được viết khi tác giả còn rất trẻ, mới hơn 20 tuổi (1971). Nhưng những tấm tình thì già dặn, sâu sắc, thấu đáo của một người trải nghiệm, trưởng thành, vững vàng. 

Đọc thơ của các nhà văn nữ đi qua chiến tranh thấy ám ảnh, run bật cảm xúc. Nếu độc giả có dịp đọc lại những áng văn/thơ của Trần Thị Thắng, Vũ Thị Hồng, Phạm Hồ Thu, viết trong chiến tranh, sẽ nhận ra đặc điểm chung của câu chữ khi tác giả cố gắng “nhúng bút vào sự thật”.

Những hy sinh thầm lặng mà các nhà văn nữ đã trải qua, chịu đựng được cảm nhận như là một trách nhiệm, như lời nữ bác sỹ Hà (trong tiểu thuyết Tháng không ngày của Trần Thị Thắng): “So với sự mất mát của dân tộc thì nỗi đau của chúng ta là nhỏ nhoi”. Tác phẩm này xuất bản năm 1998. Nhưng chất liệu ý tưởng, bố cục, kể cả phác thảo nó thì tất nhiên đã được chuẩn bị kỹ càng từ trong chiến tranh. 

Nhà văn Trần Thị Thắng sau khi tốt nghiệp khoa Ngữ văn, đại học Tổng hợp Hà Nội, năm 1971, lập tức khoác balô vào chiến trường, làm phóng viên báo Văn nghệ Giải phóng và nhiều công việc gian khổ khác nhưng không nề hà. Những gì thu nhận, chắt chiu được sau 1975 chị “nhả tơ” hết vào thơ, vào văn. Vũ Thị Hồng mới học xong năm thứ ba (được công nhận tốt nghiệp trước) khoa Ngữ văn, đại học Tổng hợp Hà Nội, năm 1970, đi thẳng vào chiến trường, làm phóng viên tạp chí Quân Giải phóng Trung Trung bộ. Những tác phẩm chị in sau 1975, có thể nói vẫn còn đượm mùi thuốc súng chiến tranh (5 tập truyện ngắn, 1 tiểu thuyết).

Phạm Hồ Thu tốt nghiệp đại học Báo chí (1973) xung phong đi chiến trường trong vai phóng viên chiến tranh của báo Nhân Dân. Chị chuyên về sáng tác thơ (dẫu có đôi khi viết truyện ngắn, hay viết tiểu luận, chân dung văn học). Sở hữu 5 tập thơ có chất lượng, cái tên Phạm Hồ Thu đã “chạm” đến được các nhà văn và độc giả Mỹ. Mới đây một số bài thơ song ngữ Anh - Việt của chị được dịch và xuất bản ở Mỹ (với sự trợ giúp của 2 nhà thơ - dịch giả Lady Borton và Lâm Bá Chung).

Trong chùm thơ được dịch ra tiếng Anh, độc giả rất thích bài Bình yên khao khát với cái tứ “làm sao tìm lại bình yên”. Là người phụ nữ trải trận mạc nên thơ chị có điệu nói thổn thức: “Làm sao tìm lại bình yên/Tuổi hai mươi khoác ba lô ra trận/Âu yếm hôn dấu chân anh để lại/ Khóc trên những dấu chân trần người chiến sỹ đi qua”. 

Có một đặc điểm chung của 7 nhà văn nữ là, thoạt tiên họ đều đi chiến trường với tư cách nhà báo, phóng viên chiến tranh.  Từ nhà báo đến nhà văn quãng đường không dài. Có lẽ các nữ nhà văn đều thầm lặng biết ơn nghề báo vì nó giúp được đi, nhìn, nghe, tri nhận và cảm xúc nhiều hơn người bình thường. “Bột” được tích lũy từ ít đến nhiều để sau này gột thành “hồ” - những áng văn/thơ thấm đẫm tình người.

Trong số 7 cây bút nữ mà độc giả biết đến ở đây có tới 4 người được nhận Giải thưởng Nhà nước về VHNT: Dương Thị Xuân Quý (truy tặng năm 2007), Lê Minh Khuê (năm 2012), Lâm Thị Mỹ Dạ (năm 2007) và Lê Thị Mây (năm 2017).

Những người khác, tôi nghĩ, cũng đã nhận được giải thưởng xứng đáng: Sự tin cậy và yêu mến của độc giả, tác phẩm của họ không bị trôi tuột đi trong dòng thời gian và sự quên lãng của công chúng nghệ thuật.

phunuthudo

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video