Những người phụ nữ nắm giữ thế giới

26/07/2010
Nữ giới chỉ chiếm chưa đầy 8% tổng số các nguyên thủ quốc gia. Tuy nhiên, khi Julia Gillard trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của Australia, bà đã đưa số nữ nguyên thủ thế giới lên mức kỷ lục - 16 người. Trong năm 2009, các nữ nguyên thủ lần lượt được bầu tại Iceland, Croatia and Lithuania.

a
Julia Gillard - Thủ tướng Australia

25 năm trước đây, người ta nghĩ đến những rủi ro khi chọn lựa một người phụ nữ vào một địa hạt mà đàn ông chiếm ưu thế. Những năm gần đây, thành trì chính trị - quyền lực chủ yếu thuộc về nam giới - đã bị phá vỡ ở khắp nơi trên xứ sở chuột túi. Julia Gillard đã trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của Australia sau khi ông Kevin Rudd rút lui khỏi vị trí Lãnh đạo Công đảng. Bà Gillard sinh ra ở Barry, Wales, năm 1961, là con gái thứ hai trong một gia đình di cư tới Adelaide, Australia. Bà là một luật sư thành công.

á
Angela Merkel - Thủ tướng Đức

Nữ Thủ tướng đầu tiên của Đức, Angela Merkel, là nữ chính khách có ảnh hưởng lớn nhất trong nền chính trị châu Âu. Kể từ khi được chọn làm lãnh đạo liên minh cầm quyền năm 2005, bà đã nắm giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng châu Âu và Chủ tịch Hội nghị thượng đỉnh G8. Người ta đã so sánh bà với cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher.

g
Johanna Sigurdardottir - Thủ tướng Iceland

Bà không chỉ là nữ Thủ tướng đầu tiên của Iceland mà còn là vị lãnh đạo đầu tiên trên thế giới công khai quan hệ đồng tính. Bà Sigurdardottir có hiểu biết rộng về nền chính trị ở Iceland. Bà là thành viên của Quốc hội Iceland Althingi kể từ năm 1978, trở thành Bộ trưởng Các vấn đề xã hội từ năm 1987 đến năm 1994, và một lần nữa lại giữ chức vụ này vào năm 2007. Bà trở thành Thủ tướng Iceland năm 2009.

a
Sheikh Hasina Wajed - Thủ tướng Bangladesh

Sheikh Hasina Wajed hai lần được bầu làm Thủ tướng Bangladesh. Lần đầu tiên là từ 1996 - 2001, bà và Liên đoàn Bangladesh tiếp tục giành lại quyền lực trong cuộc bầu cử quốc hội năm 2008. Cuộc đời bà là một thử thách lớn khi phải chứng kiến việc mẹ, anh em và các thành viên trong gia đình bị thảm sát trong cuộc đảo chính quân sự năm 1975, sau đó bà tị nạn tại Anh và New Delhi. Bà trở lại Bangladesh năm 1981.

â

Ellen Johnson-Sirleaf - Tổng thống Liberia

Ellen Johnson-Sirleaf được bầu làm Tổng thống Liberia năm 2005 khi đã 67 tuổi. Bà là người phụ nữ đầu tiên nắm giữ cương vị lãnh đạo nhà nước ở châu Phi thông qua bầu cử tự do. Bà còn là một tấm gương điển hình về đạo đức lãnh đạo. Ellen Johnson-Sirleaf chính thức nhậm chức tháng 1/2006. Lễ tuyên thệ của bà có sự tham dự của Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice cùng đệ nhất phu nhân Laura Bush. Từ khi lên lãnh đạo đất nước, bà đã thành lập Ủy ban Sự thật và Hòa giải để thúc đẩy hòa bình, thống nhất quốc gia.

g
Pratibha Patil - Tổng thống Ấn Độ

Pratibha Patil là vị Tổng thống thứ 12 và là phụ nữ đầu tiên nắm giữ cương vị này ở Ấn Độ. Trong cuộc bầu cử năm 2007, bà là ứng viên do đảng cầm quyền Quốc đại và các đồng minh chính trị của đảng này đề cử. Bà Patil đã đánh bại đối thủ là đương kim phó Tổng thổng Bhairon Singh Shekhawat - ứng viên của đảng đối lập Bharatiya Janata. Cựu thống đốc Rajasthan từng là một luật sư trước khi trở thành chính khách. Bà và chồng đã xây dựng nhiều quỹ từ thiện, trường học…

g
Laura Chinchilla - Tổng thống Costa Rica

Tốt nghiệp Đại học Georgetown (Mỹ), nữ chính trị gia này là một người theo đường lối bảo thủ, phản đối việc nạo phá thai cũng như hôn nhân đồng giới. Bà là nữ Tổng thống đầu tiên của Costa Rica và nữ tổng thống thứ 10 của châu Mỹ La tinh.

s
Dalia Grybauskaite - Tổng thống Lithuania

Tổng thống Lithuania, Dalia Grybauskaite thường được gọi bằng danh xưng từng thuộc về cựu Thủ tướng Anh Thatcher - “bà đầm thép” vì cách nói thẳng và đẳng cấp đai đen trong môn karate. Bà trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của nước này tháng 7/2009, sau khi giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử với 68% phiếu bầu.

g
Cristina Fernandez de Kirchner - Tổng thống Argentina

Bà nhậm chức vào tháng 10/2007 sau khi giành 45% phiếu bầu. Bà đã có chiến thắng ấn tượng khi dẫn trước đối thủ gần nhất tới 22% trong cuộc đua giành ghế tổng thống. Bà là nữ Tổng thống thứ hai của Argentina (sau Isabel Martinez de Peron, 1974-1976), nhưng là nữ Tổng thống đầu tiên được bầu ở cương vị này.

h
Tarja Halonen - Tổng thống Phần Lan

Nữ Tổng thống đầu tiên của Phần Lan được bầu cử vào tháng 3/2000. Lãnh đạo Đảng Xã hội Dân chủ là một thành viên tích cực của quốc hội từ năm 1979 và có một sự nghiệp thành công khi làm việc với các nghiệp đoàn cũng như tổ chức phi chính phủ. Bà Halonen chính thức được bầu với tỉ lệ 46%, nhưng từ khi nhậm chức, tỉ lệ ủng hộ của bà không ngừng tăng lên với đỉnh cao là 88% năm 2003. Bà tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai năm 2006 với gần 52% phiếu bầu.

Thụy Phương (Theo Independent)/VNN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video