Những “người mẹ” đặc biệt của trẻ em khuyết tật

09/06/2022
Không chỉ dạy dỗ, chăm sóc, rèn luyện cho học sinh những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống, tại ngôi trường của những “học sinh đặc biệt” ở các Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Quảng Ngãi, các cô giáo luôn yêu thương trẻ bằng cả trái tim và tìm cách bù đắp thiệt thòi để các em tiến bộ mỗi ngày vươn lên hòa nhập cộng đồng.
Cô Trương Thị Mỹ Châu đang dạy đàn cho học sinh khiếm thị

Tình thương với trẻ em khuyết tật bồi đắp tình yêu nghề

Xuất thân từ một giáo viên mầm non, từng có cơ hội tìm công việc tốt hơn nhưng suốt 5 năm qua, cô Trương Thị Mỹ Châu, quê ở xã Nghĩa Thuận, huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) đã đồng hành với các em học sinh khuyết tật ở Trung tâm can thiệp sớm và nuôi dạy trẻ khuyết tật Tâm Việt, TP Quảng Ngãi. Những ngày đầu đến lớp, cô Châu bỡ ngỡ vì kiến thức sư phạm mầm non hình như “không có đất diễn” với những đứa trẻ đặc biệt này. Do đa số trẻ bị ảnh hưởng trí não nên có trẻ dù đã 7 tuổi nhưng mức độ nhận thức chỉ như em bé 1, 2 tuổi. Với mỗi trẻ, cô đều phải dành khoảng thời gian đầu theo dõi để xây dựng giáo án riêng sát với mức độ bệnh. Ở đây, các em được dạy từ những kỹ năng cơ bản như: đi, đứng, vệ sinh cá nhân… điều tưởng đơn giản nhưng là cả kỳ tích với trẻ khuyết tật. Lớp hiện có 9 em nhưng mỗi em khuyết tật một kiểu, tăng động giảm tập trung, chậm phát triển, khiếm thính, tự kỷ, bại não, rối loạn ngôn ngữ… Vì vậy, để giữ được trật tự trong lớp học đặc biệt này là một điều rất khó khăn.  

Cô Châu chia sẻ, ban đầu, cô chỉ nghĩ đây đơn thuần là một công việc để nuôi sống gia đình. Nhưng càng tiếp xúc với trẻ và gia đình trẻ, cô càng cảm thấy sự đồng cảm, sẻ chia và gắn bó. Tình thương dành cho các em không may bị khiếm khuyết đã dần bồi đắp tình yêu nghề trong cô. Tuy các em không nói được những lời yêu thương, nhưng nhìn ánh mắt của trẻ dành cho mình, cô càng vững tin vào con đường mình đã chọn.

Cô Lê Thị Bé Chị tận tụy chỉ bảo học sinh cách thêu máy

“Lần đầu tiên đến đây dạy tôi gặp một em bị bại não chỉ bò thôi không đi được, nhưng nhờ sự chăm sóc, chỉ bảo, rèn giũa kiên trì của tôi mà em đó giờ đã có thể đi được. Dạy trẻ khuyết tật cũng là niềm hạnh phúc, mỗi ngày nhìn thấy sự tiến bộ của các con dường như làm cho tôi vơi bớt sự mệt mỏi. Nhìn bọn trẻ chỉ thấy thương chứ không thể tức giận, dù chúng quậy phá, nhiều khi còn làm cô và các bạn bị thương nhưng đều là những hành động vô thức, ngoài tầm kiểm soát của trẻ”, cô tâm sự.

Tâm huyết, công sức, mồ hôi của cô và trò

Cô Lê Thị Bé Chị (SN 1993) quê ở xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) đã có gần 4 năm gắn bó ở Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn ở thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành.

Sau khi ra trường cô lập gia đình rồi theo quê chồng về Nghĩa Hành. Từ đó, cơ duyên đưa cuộc đời cô gắn với những đứa trẻ kém may mắn. Cô tâm sự: “Tuy không được đào tạo để dạy trẻ khuyết tật, song kể từ khi gắn bó với các em, tôi đã rất nặng lòng. Thấy mình, con cháu mình may mắn được lành lặn mà thầm cảm ơn cuộc đời. Càng nghĩ như thế, tôi thấy mình cần phải có trách nhiệm với các em nhiều hơn, để bù đắp phần nào những khiếm khuyết cho các em”.

Được phân công dạy môn Tin học thực hành và thêu của Trung tâm,lớp học thêu của cô hiện treo rất nhiều bức tranh thêu cỡ lớn đẹp, có giá trị. Cô khoe: “Đây chính là tâm huyết, công sức mồ hôi của cô và trò, Dạy nghề cho các em rất quan trọng nhưng quan trọng nhất là phải động viên vượt qua những thiếu thốn vật chất, mặc cảm, nuôi dưỡng ước mơ để trở thành người có ích cho xã hội. Vậy nên, mỗi ngày đến trường, nhìn thấy học trò của mình không nghỉ học vì bất cứ lý do gì là cảm thấy được an ủi, được tiếp thêm sức mạnh…”.

Em Nguyễn Thị Kim Ngân có năng khiếu đặc biệt về thêu tay

Tận mắt chứng kiến hình ảnh cô giáo Chị ân cần và kiên trì dạy cho các em học sinh khiếm thính từng đường kim, mũi chỉ mới thấy hết tình cảm vô bờ mà cô dành cho học sinh khuyết tật.

Em Nguyễn Thị Kim Ngân là một học sinh khiếm thính ở trường. Ngân có một năng khiếu thêu tay nên từ một học sinh Ngân đã trở thành trợ giảng cho cô giáo  ở bộ môn thêu tay. Đối với Ngân nghề thêu cần lắm sự tỉ mỉ, tinh tế, gửi hồn vào đường chỉ mũi kim, đòi hỏi người thêu phải có sự sáng tạo, cần mẫn và tâm huyết.. Trong những bức tranh thêu tay của Ngân luôn được chăm chút cả vẻ đẹp mỹ thuật lẫn vẻ đẹp kỹ thuật.

“Em thêu những bức tranh về cha mẹ, thày cô và quê hương. Nhờ có các cô ở trường luôn chăm sóc, yêu thương chỉ bảo hết mực em mới được trưởng thành, nơi đây như gia đình của em”, Ngân bộc bạch.

Kết quả từ nỗ lực phi thường của những “người mẹ” nuôi dạy những “mảnh đời không lành lặn”

Những giọt nước mắt ngắn dài của phụ huynh làm cho những cô giáo không khỏi trăn trở. Đối với họ, có một đứa con không may bị khuyết tật đã là nỗi lo, nỗi đau đeo đẳng suốt phần đời còn lại. Giúp học sinh cũng chính là giúp gia đình các em vơi đi một phần gánh nặng trong cuộc sống.

Bà Lê Thị Tuyết (75 tuổi) ở xã Nghĩa An, TP.Quảng Ngãi có cháu trai bị mắc bệnh khiếm thính. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn cha mẹ cháu phải mưu sinh ở TP.Hồ Chí Minh, một mình bà vất vả chăm cháu. Nhìn đứa cháu bệnh tật rụt rè từng ngày bà không khỏi xót xa. Bà Tuyết kể: “Cách đây 3 năm, lúc đó cháu được 6 tuổi, tôi nghe có Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn nuôi dạy trẻ miễn phí, tôi mừng lắm! Tôi tất bật gói ghém dẫn cháu lên học. Đến giờ cháu đã vui vẻ, hoạt bát, biết làm toán, về nhà là thương bà lắm. Cứ sáng thứ 2 là chở đến miết thứ 6 đón về, cháu ham đi học tôi rất vui…”.

Những bức thêu hoàn thành là cả quá trình kiên trì của cô và trò

Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Giám đốc Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn chia sẻ, vẫn biết con đường tương lai của các em còn không ít chông gai, có những điều tưởng chừng xa vời, thế nhưng khi nuôi những ước mơ, khi có mục tiêu, các em sẽ có động lực để vươn lên. Được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng, được tiếp sức bằng tình yêu ở “ngôi trường” đặc biệt này, các em sẽ có thêm điều kiện để tìm thấy tương lai.

Cô Hà cũng bày tỏ cần có sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và địa phương để giúp các em trưởng thành và có thể tự kiếm sống bằng chính khả năng của mình, không tạo gánh nặng cho xã hội. Trong thời gian tới, Trung tâm dự định sẽ đưa một số em vào TP.Hồ Chí Minh để học tiếp lên cấp 3, học nghề. Từ đó sẽ tạo cho các em nền kiến thức vững, giúp các em thực hiện được ước mơ của bản thân.

Mỗi trẻ khuyết tật vượt lên số phận, tái hòa nhập cộng đồng là kết quả nỗ lực phi thường, niềm vui  và hạnh phúc của những “người mẹ” đặc biệt tại nơi đây.

 

Như Đồng

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video