Những người giữ đồi chè Azerbaijan

15/06/2018
Khu vực Lenkeran ở miền nam Azerbaijan nổi tiếng với các đồn điền chè rộng lớn. Trải qua năm tháng, nhiều thế hệ phụ nữ Lenkeran sinh ra và lớn lên đều gắn bó với công việc chăm sóc và thu hoạch chè. Họ cũng là những người gìn giữ các nông trường trù phú và truyền thống của địa phương.

Nằm trên bờ biển Caspi giữa biên giới Azerbaijan với Iran, Lenkeran có điều kiện khí hậu thuận lợi phù hợp cho cây chè sinh sôi, phát triển. Trước đây, những nông trường trù phú trải dài ngút tầm mắt, bởi thế nơi đây còn được người dân địa phương gọi là “thánh địa của chè”. Những năm gần đây, việc thu mua chè không còn được nhộn nhịp như trước, song không vì thế làm mất đi sức sống của vùng cao nguyên xanh mát.

Tại các nông trường ở Lenkeran, lá chè phải được hái bằng tay và phần lớn do phụ nữ đảm nhiệm. Bà Fatima Khala, 57 tuổi, đã gắn bó cả cuộc đời với công việc này. Trước đây, mẹ và bà của Fatima đã từng dạy bà cách hái chè sao cho đúng. Bây giờ, cô con gái cũng tham gia hái những lá chè xanh ngon nhất và giúp bà chế biến trà. “Tôi thấy như bóng dáng mình hồi trẻ ở trong con bé”, Fatima nói.

Bà cũng thường nhắc lại truyền thống mời trà pha thêm đường, được gọi là “shirin” cho con cháu nghe. Theo tập tục của người dân địa phương, khi gia đình người con trai đến thăm gia đình của một cô gái để ngỏ ý cầu hôn, nhà gái sẽ mời nhà trai dùng chè. Nếu cô gái và gia đình cô đồng ý thì bố cô gái pha đường vào ly trà của nhà trai và mời họ uống. Điều này có nghĩa là hai bên có thể chuẩn bị cho đám cưới. Ngược lại, nhà trai sẽ uống trà không đường và ngầm hiểu ý nhà gái. Truyền thống cho đến nay vẫn được duy trì. Đám cưới cô con gái của Fatima cũng diễn ra theo đúng trình tự như vậy, giống như trước đây Fatima từng nhận lời nhà chồng theo cách thức này.

Fatima cho biết, gia đình bà đã trồng cây chè và kinh doanh từ nhiều thế hệ. Bà ngoại của Fatima từng là “hoa khôi đồi chè”, đã truyền lại những bí kíp trồng và chế biến loại thức uống độc đáo này cho con và cháu gái. Đến nay, loại chè họ sản xuất trở thành một trong những sản phẩm được chứng nhận “Made in Azerbaijan”.

Với những người phụ nữ ở Lenkeran, công việc hái chè tưởng chừng đơn giản song lại rất vất vả. Những người hái chè phải đứng cả ngày dưới ánh nắng mặt trời để thu hoạch lá chè phù hợp. Họ di chuyển dọc theo các luống chè, xoay vòng từ chân đồi đến tận đỉnh đồi. Hái chè đòi hỏi sự chuyên nghiệp và đúng kỹ thuật, nếu không sẽ ảnh hưởng đến chất lượng và làm hỏng cây chè.

Chỉ có ba lá chè trên cùng là phù hợp để chế biến ra loại trà ngon nhất. Các lá còn lại dù không sử dụng được, nhưng vẫn phải để nguyên trên các thân cây để tiếp tục quang hợp, đây là yêu cầu rất quan trọng đối với cây chè. Các vụ thu hoạch thường theo quy luật là vào mùa xuân và mùa hè, khi những lá non mới nhú. “Những ngày đó làm việc rất vất vả nhưng ai cũng vui vẻ. Vì thế, chúng tôi luôn khuyên con cháu tiếp tục bám trụ và gìn giữ đồi chè qua các thế hệ”, Fatima nói.

Chế biến chè từng là ngành công nghiệp chính ở Azerbaijan. Tuy nhiên qua thời gian, việc sản xuất đã suy giảm. Muhendis Jahangirov, Giám đốc nhà máy chè Gilan ở Lenkeran cho biết, diện tích đồi chè trong khu vực đã giảm từ khoảng 14.000 ha năm 1998 xuống còn 600 ha năm 2011. Jahangirov chỉ ra rằng trồng chè đòi hỏi đầu tư dài hạn, một bụi cây chè cho thu hoạch vụ đầu tiên phải mất bảy năm từ khi được trồng và đạt năng suất ổn định sau 10 năm. Vì vậy, để phục hồi các đồi chè đòi hỏi một thời gian dài và nguồn lực mạnh. Ông cũng lạc quan trước sự trở lại của các dòng chè truyền thống, từ đó sớm hồi sinh được các nông trường chè trù phú của Lenkeran.

NDĐT

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video