Những lưu ý khi cai sữa cho con

28/12/2012
Khi bé được 1,5 – 2 tuổi bạn đã có thể cai sữa cho bé. Cai sữa đúng thời điểm giúp bé ăn ngon hơn và tránh tình trạng suy dinh dưỡng bởi lúc này, sữa mẹ đã không còn là nguồn cung cấp dinh dưỡng hoàn hảo nữa.

Tùy từng bé mà bạn lựa chọn cách cai sữa phù hợp, có thể dùng những mẹo như hóa trang ti mẹ, bôi mướp đắng hoặc thuốc kháng sinh (với liều lượng nhỏ sẽ không gây hại cho bé), ngủ cách ly với bé vài ngày…Dù lựa chọn cách nào, thì bạn cũng cần lưu ý một số điểm sau khi cai sữa cho con:

Không cai sữa quá sớm

Sữa mẹ là thức ăn hoàn chỉnh nhất, thích hợp nhất đối với trẻ, vì trong sữa mẹ có đủ năng lượng và chất dinh dưỡng cần thiết như đạm, đường, mỡ, vitamin và muối khoáng với tỷ lệ thích hợp cho sự hấp thu và phát triển cơ thể trẻ. Bú mẹ, trẻ sẽ lớn nhanh, phòng được suy dinh dưỡng.

Sữa mẹ chứa nhiều chất kháng khuẩn, tăng cường sức đề kháng cho trẻ, chống các bệnh đường ruột và bệnh nhiễm khuẩn. Trong sữa mẹ có những yếu tố bảo vệ cơ thể trẻ mà không một thức ăn nào có thể thay thế được. Do tác dụng kháng khuẩn của sữa mẹ nên trẻ được bú sữa mẹ sẽ ít mắc bệnh. Vì vậy, bạn không nên cai sữa cho bé quá sớm. Tốt nhất chờ đến lúc bé được 2 tuổi, khi bé có thể tự ăn được những loại thức ăn bổ sung dinh dưỡng.

Không cai sữa cho bé khi quá lạnh hoặc quá nóng

Không nên cai sữa cho trẻ vào những ngày thời tiết xấu như trời quá nóng, quá ẩm hay quá rét, khi mà ngay cả người lớn cũng thấy mệt mỏi khó chịu. Sự thay đổi một thói quen ăn uống và các stress xuất hiện lúc này dễ làm trẻ ốm. Cũng nên tránh thời điểm trẻ bị ốm, mệt mỏi, sốt và đặc biệt là khi bị tiêu chảy (lúc này, hệ tiêu hoá còn yếu nên sữa mẹ là thức ăn an toàn nhất).

Không nên cai sữa cho trẻ đột ngột

Không nên đột ngột ngừng hẳn việc cho con bú vì điều đó có thể khiến trẻ bị sốc và sinh biếng ăn. Tốt nhất là nên giảm từ từ, nếu vẫn cho bú 4-5 lần một ngày thì giảm thành 3, sau đó thành 2, rồi 1. Thay các bữa bú bằng những thức ăn khoái khẩu của trẻ. Và khi trẻ chịu ăn những món này, không nên tiếc lời khen để khuyến khích.

Để bé quen dần, đầu tiên, mẹ chỉ nên cho bé bớt một cữ bú trong ngày và theo dõi phản ứng của bé. Thay vào cữ bú đó, mẹ cho bé ăn hoặc uống sữa ngoài.

Nếu bé không chịu bú bình thì pha ra ly đút bằng muỗng. Nếu mẹ còn rất nhiều sữa thì có thể vắt ra cho vào bình cho bé bú. Liên tục như vậy trong khoảng 1 – 2 tuần cho bé quen dần rồi tiếp tục bỏ thêm một cữ bú khác trong ngày. Việc giảm từ từ các cữ bú như vậy sẽ làm lượng sữa mẹ giảm từ từ mà không bị căng tức vú như việc ngưng cho bú đột ngột. Các cữ bú đêm là khó bỏ nhất nên đó sẽ là cữ bú được bỏ sau cùng.

Không nên cai sữa khi trẻ không được khỏe

Khi bắt đầu cai sữa, mẹ nên chọn thời điểm thích hợp cho cả hai mẹ con. Tuy nhiên cần lưu ý không bắt đầu cai sữa khi bé đang bệnh. Khi bệnh bé ăn được rất ít, nên nguồn sữa mẹ lúc này là cần thiết cho bé chống lại bệnh. Lúc bé đang mọc răng cũng không bên bắt đầu cai.

Sau khi cai sữa, cần có các chế độ ăn thay thế đảm bảo đủ chất cho trẻ, nhất là chất đạm (thịt, cá, trứng, đậu, đỗ...), chất béo (dầu, mỡ) và các loại rau quả để bé đủ dinh dưỡng để phát triển toàn diện.

Theo Dinhduong.com.vn (PH)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video