Những gương mặt chính khách nữ triển vọng năm 2006

20/01/2006
Hai người phụ nữ, một là Ngoại trưởng Mỹ, một là Bộ trưởng Quốc phòng Chile. Họ là đại diện của phái yếu trong một thế giới mà các đấng trượng phu chiếm ưu thế. Song những gì họ đã và đang làm cho thấy điều ngược lại.

Người phục hưng nền ngoại giao Mỹ

Bà là người làm sống lại nghệ thuật đàm phán, mang tới hy vọng về một thời kỳ mới trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Nhưng liệu bà có thực sự tạo ra một sự đổi thay?

Sức sống mới của Bộ Ngoại giao

 Ảnh minh họa
 

Ưu thế của Condi Rice so với người tiền nhiệm Colin Powell là bà có được niềm tin của Tổng thống.

Có lẽ một điều dễ nhận thấy đó là những nhà  ngoại giao của nước Mỹ đang được tận hưởng một thời kỳ tốt đẹp. Sau 4 năm bị kìm kẹp và "không quyền lực" dưới sự lãnh đạo của Colin Powell, Bộ Ngoại giao Mỹ đang khôi phục lại vị trí của mình dưới sự lãnh đạo của một người phụ nữ.


Condoleezza Rice có thể không giành được tỉ lệ ủng hộ giống người tiền nhiệm, song bà vẫn là nhân vật được yêu mến nhất trong hàng ngũ quan chức chính quyền Bush. Đặc biệt, khác với ông Powell, bà có được niềm tin của Tổng thống. Điều này đồng nghĩa với quyền lực thực sự. "Thời của ngoại giao đã đến", bà hứa như vậy khi tuyên thệ nhậm chức cách đây 1 năm. Và bà đã ít nhiều giữ được lời hứa của mình.


Những ngày Powell còn nắm quyền, có thể ví Bộ Ngoại giao Mỹ như một "chính phủ lưu vong" với đầy rẫy các nhân vật bi quan thuộc đảng Cộng Hoà. Lời khuyên họ đưa ra luôn bị phớt lờ và họ chỉ biết tìm kiếm lời khen bằng cách làm lộ thông tin chống lại "kẻ thù" số một: Nhà Trắng và Lầu Năm Góc.


Dưới thời Rice, những nhà ngoại giao ấy lại có thể ngẩng cao đầu. Mỗi khi đụng với vấn đề hoạch định và triển khai chính sách, họ cảm thấy được tham gia. Lấy ví dụ, hồi đầu tháng này, Tổng thống Bush đã phân công Bộ Ngoại giao là cơ quan đi đầu trong chính sách hậu xung đột của chính quyền, một vị trí vốn thuộc về Bộ Quốc Phòng. Đây là một kiểu tranh giành mà trước giờ Lầu Năm góc vẫn giành phần thắng.


Trong khi ông Powell hiếm khi công du nước ngoài, chỉ thích ở lại Mỹ để tham gia cuộc tranh giành quyền lực nội bộ nhiệm kỳ đầu của ông Bush, thì bà Rice lại tỏ ra rất năng động, liên tục công du vòng quanh thế giới. Có thể nói, số dặm mà bà đi được trong năm qua nhiều hơn tổng cộng số dặm mà Powell đi được trong cả nhiệm kỳ. Ngoại giao đã không còn là một từ "bị dè bỉu" trong thế giới nội các vốn chỉ toàn các đại trượng phu, mà nó đang trở lại vị trí ban đầu: công cụ quan trọng của chính sách đối ngoại Mỹ.


Trong nhiệm kỳ của bà Rice, Mỹ đã ủng hộ nỗ lực của châu Âu trong việc tìm kiếm sự thoả hiệp với Iran về chương trình hạt nhân đồng thời chứng tỏ sự linh hoạt cần thiết để kéo CHDCND Triều Tiên quay trở lại bàn đàm phán. Khả năng ngoại giao ấy đã đạt tới đỉnh cao tháng trước khi bà Rice làm được điều mà ông Powell từng thề thốt phải làm nhưng không thành: đặt cược uy tín chính trị của mình để giải quyết bất đồng giữa IsraelPalestine về việc mở biên giới tại Dải Gaza. Thành công này đã làm các nhà ngoại giao châu Âu vui mừng khôn xiết, đặc biệt là Anh, nước luôn muốn Mỹ dính líu sâu hơn vào cuộc xung đột Israel-Palestine sau những căng thẳng của cuộc chiến Iraq.

Thực ra, Anh đã đầu tư "khá nhiều vốn liếng" vào bà Rice. Đại sứ Anh tại Washington, Sir David Manning có mối quan hệ rất gần gũi với bà Rice. Thậm chí, năm 2004, Sứ quán Anh đã tổ chức một bữa tiệc mừng sinh nhật lần thứ 50 cho bà. Tháng 10 vừa qua, Ngoại trưởng Anh Jack Straw đã dành 4 ngày cùng bà Rice trở lại nơi chôn rau cắt rốn của bà ở bang Alabama. Trước đây, ông Straw từng có quan hệ khá tốt đẹp với ông Powell, nhưng lần này, ít nhất chính phủ của Thủ tướng Blair cũng tin rằng họ đang đặt niềm tin vào một nhân vật nhiều quyền lực hơn.


"Tôi nghĩ, bà ấy có khả năng nhiều hơn trong việc biến kế hoạch thành hiện thực", đó là lời nhận xét của một quan chức cao cấp Anh.


Bà Rice có thể đã đóng vai trò đi đầu trong việc xoa dịu lập trường của Washington đối với nghi phạm khủng bố, yêu cầu một cuộc thảo luận liên bộ trước chuyến công du châu Âu hồi đầu tháng 12 nhằm làm rõ quan điểm của chính quyền. Bà đã xác định lập trường cho cả một chính quyền khi công khai tuyên bố rằng chính sách chống khủng bố của Mỹ hoàn toàn gắn liền với Công ước chống ngược đãi của LHQ, giúp mở đường cho Nhà Trắng thông qua đạo luật cấm các hành động ngược đãi, vô nhân đạo đối với tù nhân.


Liệu có chuyển đổi lớn?


Chính quan điểm ôn hoà này đã giúp xoa dịu những căng thẳng mà Washington gặp phải do cuộc chiến ở Iraq gây ra. Tuy nhiên, cũng có nhiều cựu đồng nghiệp của bà Rice và chuyên gia hoạch định chính sách trong chính quyền cho rằng một Bộ Ngoại giao được tăng cường sức mạnh cùng một vị Ngoại trưởng đầy nhiệt huyết có thể đem đến những đổi thay trong chính sách đối ngoại song khó có thể tạo ra một sự chuyển đổi lớn.


Cứ xét theo học thuyết của Bush - từ chối thoả hiệp sức mạnh của Mỹ để tin vào những hiệp định lâu dài với các quốc gia như CHDCND Triều Tiên, Iran hay Syria, thì hầu như không có dấu hiệu nào cho thấy sự nhượng bộ. Bất kì nỗ lực nào của bà Rice nhằm gạt ra ngoài những quy tắc này đều bị Nhà Trắng, đặc biệt là Phó Tổng thống Dick Cheney kiểm soát chặt chẽ. Như vậy, xét theo một khía cạnh nào đó cũng có thể nói rằng bà Rice bị kiềm chế giống ông Powell.


Chính sách của Mỹ đối với CHDCND Triều Tiên đã phản ánh những hạn chế của sự chuyển đổi. Suốt mùa hè qua, ba Rice đã trao cho đặc phái viên Mỹ Christopher Hill quyền can dự vào các cuộc đàm phán song phương với Bình Nhưỡng trong khuôn khổ các cuộc hội đàm 6 bên. Tuy nhiên, các cuộc thương lượng này đã thất bại vào tháng 9 sau khi Mỹ đưa ra tuyên bố cứng rắn, bác bỏ yêu cầu của CHDCND Triều Tiên với lò phản ứng nước nhẹ đổi lại nước này sẽ từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.


Theo một cựu phái viên của chính quyền Bush là Charles Pritchard, lập trường cứng rắn này được hình thành sau lưng ông Hill. "Có vẻ như trong lúc ông Hill bận rộn thương lượng với Trung Quốc, Nga, Nhậ và Hàn Quốc, thì ở Washington những nhân vật cứng rắn hơn trong chính quyền, phản đối việc can dự với Bình Nhưỡng đã soạn thảo ra tuyên bố ấy", ông Pritchard nói.


Ý của ông khi nhắc tới nhân vật cứng rắn chính là muốn ám chỉ văn phòng Phó Tổng thống - nơi từng ngăn chặn ông Hill tới Bình Nhưỡng và Robert Joseph, Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách kiểm soát vũ trang và an ninh quốc tế, một đồng minh về ý thức hệ với Cheney. Joseph đảm nhiệm vị trí này thay thế John Bolton, một nhân vật diều hâu có tiếng.


 Ảnh minh họa
 

Trong một nội các mà nam giới chiếm ưu thế, Condi Rice vẫn chứng tỏ bản lĩnh và khả năng của mình.

Song bà Rice cũng phải đối mặt với một Bolton thực sự. Mặc dù bị chuyển khỏi Bộ Ngoại giao theo yêu cầu của bà, nhân vật này tiếp tục là cái gai trong bộ với vai trò là phái viên Mỹ tại LHQ. Tháng 8 vừa qua, dù chưa nhận được sự đồng ý của bà Rice, ông Bolton đã công khai nhắc tới những mục tiêu phát triển thiên niên kỷ từ một bản dự thảo chưa được Đại Hội đồng thông qua. Phải vận tới cuộc điện đàm 3 chiều giữa ông Jack Straw, bà Rice và ông Kofi Annan, căng thẳng mới được hoá giải. Khi Tổng thống Mỹ phát biểu tại Đại Hội đồng, ông đã chính thức thông qua những mục tiêu này.


Đó là một chiến thắng về ngoại giao, nhưng không phải là chiến thắng nổi bật. Đối với những vấn đề lớn, bà Rice vẫn chưa chứng tỏ cho người ta thấy sự lãnh đạo của bà đã tạo ra sự khác biệt cơ bản về chính sách. "Bà ấy có sự linh hoạt, nhưng tôi muốn chờ xem liệu có gì thực sự đổi khác, và liệu bà ấy có thể thắng Phó Tổng thống trong các vấn đề như Iran, CHDCND Triều Tiên và Syria hay không...", Lawrence Wilkerson - Chánh văn phòng cựu Ngoại trưởng Powell nói.

Song một điều không thể phủ nhận là cuộc thư hùng ấy sẽ không bao giờ xảy ra bởi lẽ vật cản lớn nhất đối với bà Rice chính là lòng trung thành đối với Tổng thống. "Bà ấy không đến Bộ Ngoại giao để đem phiền phức tới cho George Bush. Tổng thống chính là người quyết định đằng sau tất cả các quyết sách", Leverett, chuyên gia thuộc Trung tâm nghiên cứu chính sách Trung Đông, Viện Brookings nói.

Michelle Bachelet và ước mơ vực dậy nền dân chủ Chile

 Ảnh minh họa
 

Ứng viên tranh cử Tổng thống Chila Michelle Bachelet.

Một người theo thuyết bất khả trị, một người ủng hộ chủ nghĩa xã hội và cũng là một bà mẹ cô đơn. Đó là những gì người Chile yêu thích ở Michelle Bachelet khi họ quyết định bầu bà là người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo quốc gia Mỹ La tinh rộng lớn.


Những sự kiện kinh hoàng của ngày 11/9/1973 đã đảo ngược thế giới của Michelle Bachelet. Sáng hôm ấy, cô sinh viên ngành y mới 21 tuổi đã tận mắt chứng kiến những chiếc phi cơ chiến đấu thuộc Không quân Chile nã rocket vào dinh Tổng thống, còn được gọi là La Moneda trong một cuộc đảo chính đẫm máu. Tổng thống Salvador Allende đã chết, và viên tướng chỉ huy chiến dịch đảo chính Augusto Pinochet lên cầm quyền. Cha của Bachelet là Alberto, một vị tướng thuộc Không quân Chile từng làm việc cho chính quyền Allende đã lập tức bị bắt giữ và ngược đãi cho tới khi chết vì cơn đau tim ở tuổi 50.


Năm 1975, Michelle Bachelet và mẹ cô cũng bị đánh đập trong suốt 1 tháng bị giam cầm. Hai người phụ nữ sau đó đã ra nước ngoài lưu vong. Khi trở về Chile năm 1979, Michelle đã thề sẽ phục hồi lại nền dân chủ bị Pinochet huỷ hoại. "Tôi đã chứng kiến bạn bè mình dần biến mất, hoặc bị cầm tù, hoặc bị ngược đãi. Nhưng tôi quyết định biến nỗi đau thành động lực, để làm sao những thế hệ tương lai sẽ không bao giờ phải trải qua cảnh mà chúng tôi đã phải trải qua", Bachelet nói.


Sự trở về của nền dân chủ Chile năm 1990 đã mở đường cho Bachelet bước chân vào nền chính trị nước này. Kiến thức về ngành y của bà đã giúp bà có đủ tiêu chuẩn để bước vào Bộ Y tế. Năm 1997, bà quyết định tăng cường học vấn của mình ở lĩnh vực quan hệ quân sự-dân sự ở một học viện chuyên nghiên cứu vấn đề an ninh quốc gia tại Santiago. Bachelet sau đó đã theo đuổi nghiệp học của mình tại Cao đẳng Quốc phòng Liên Mỹ tại Washington. Năm 1998, bà tham gia Bộ Quốc phòng Chile với tư cách là cố vấn cao cấp.


Hai năm sau đó, bà gia nhập nội các của Tổng thống Ricardo Lagos với chức vụ Bộ trưởng Y tế và năm 2002, bà trở thành nữ Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên của Chile. Lịch sử gia đình Bachelet làm nhiều người lo ngại bà có thể có quan hệ căng thẳng với một số nhân vật từng ủng hộ chế độ độc tài của Pinochet. Nhưng trái với sự phỏng đoán, bà đã tránh được những cuộc đối đầu trực tiếp với nhiều vị tướng lĩnh, đô đốc trong chính quyền và sớm trở thành một trong những người thuộc liên minh các đảng trung tả được đề cử làm ứng viên tranh cử Tổng thống.


 Ảnh minh họa
 

Gương mặt mới trong nền chính trị Mỹ La tinh.

Vừa qua, Bachelet đã tham gia vào cuộc tranh cử Tổng thống với tư cách là lãnh đạo Đảng Xã hội. Nhiều khả năng bà sẽ trở thành người phụ nữ đầu tiên được bầu làm Tổng thống trong lịch sử Chile.


Không chỉ giành được sự mến mộ của các đồng nghiệp và giới chức cao cấp trong chính quyền, Bachelet còn được người dân thường Chile yêu mến vì sự siêng năng, tính cách giản dị, dễ hoà đồng của mình. Chương trình cải cách của bà được nhiều người ủng hộ, và đó là điều bù đắp cho suốt thời kỳ làm bộ trưởng "không có gì nổi bật" bà. Điểm nổi bật trong chương trình ấy là cam kết sẽ hạ thấp tỉ lệ thất nghiệp ở Chile, hiện đã đạt mức 10% năm qua, và thu hẹp khoảng cách chênh lệch trong thu nhập. Bachelet cũng đề xuất một chương trình phúc lợi xã hội đảm bảo mọi người có quyền tiếp cận với giáo dục, y tế và đảm bảo đủ dinh dưỡng cho tất cả trẻ em chịu thiệt thòi ở độ tuổi dưới 10.


Bachelet cũng có ý định sẽ tiến hành cuộc cải cách "về giới tính" trong nội cách. Một nửa trong số quan chức nội các của bà sẽ dành cho phụ nữ và với tư cách là Tổng thống, bà sẽ vận động cho đạo luật yêu cầu các đảng phái chính trị phải cho phép nữ ứng viên tranh cử.


Người phụ nữ đầu tiên trở thành Tổng thống Chile có thể không phải là người cuối cùng nếu bà thực hiện được những gì mình muốn.

 

Tân Huyền – Vietnam Net (Tổng hợp)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video