Những cô gái đừng "tự nguyện" trở thành hàng hoá

14/06/2008
... "Những bức ảnh chụp về những cô gái trẻ nhìn chằm chặp đầy ám ảnh từ những tập hồ sơ, những khuôn mặt như nhún nhảy trong quá khứ. Hầu hết các phụ nữ này đều gặp chút rắc rối với tóc, cách trang điểm và trang sức của mình. Một số người trông đầy phấn khởi khi nhận được một tấm hộ chiếu. Nhiều cô còn ở tuổi teen..."

Liệu có phải tất cả những người được Rotaru giúp đỡ đều đến từ những gia đình đổ vỡ, bạo lực, rượu chè và nghèo túng?

“Không phải tất cả”, bà nói. “Chúng tôi đã nhận được một cú điện thoại từ một trong những sứ quán của chúng tôi năm ngoái. Một cô gái đến từ một gia đình ‘trâm anh thế phiệt’ đã trở thành nạn nhân của hoạt động buôn người. Đương nhiên, họ muốn giữ kín trường hợp này. Vậy nên bi kịch này đã xảy đến với cô ấy, nhưng cô ấy có những bậc cha mẹ tốt. Tương lai sáng sủa. Không giống với hầu hết các cô gái khác”.


Những bức ảnh chụp về những cô gái trẻ nhìn chằm chặp đầy ám ảnh từ những tập hồ sơ của Rotaru. Khi bà cầm một tập hồ sơ lên, những khuôn mặt như nhún nhảy trong quá khứ. Hầu hết các phụ nữ này đều gặp chút rắc rối với tóc, cách trang điểm và trang sức của mình. Một số người trông đầy phấn khởi khi nhận được một tấm hộ chiếu. Nhiều cô còn ở tuổi teen.


Rotaru moi ra một hồ sơ. Bà bảo: “Cái này hay đây. Ở đây chúng tôi có một phụ nữ tên là Violeta. Cô bị buôn sang vùng Balkan từ rất lâu. Chồng cô lần đầu tiên liên lạc với chúng tôi vào tháng 12-2006. Anh ấy sống ở một ngôi làng ở vùng Transnistria cùng với con gái của họ. Bé gái không thể nhớ nổi mẹ, nhưng suốt ngày nó cứ khóc đòi mẹ. Dầu sao chúng tôi cũng đã tìm thấy cô ấy!”.

Violeta đã trả lời một mục rao trên báo chào mời một công việc phục vụ bàn ở Italia vào năm 2000. Cô đã đi xa đến tận Anbani, theo những tin tức bịa đặt trên tờ báo đó, nhưng không bao giờ đến được Italia. Cô bị bán vào nhà chứa ở Kosovo. Tại đó cô làm vũ công thoát y trong các quán bar và câu lạc bộ đêm, và cuối cùng đã thoát khỏi tay những kẻ quản chế cô sau một đợt truy quét của cảnh sát. Giờ đây cô đang sống tại một nơi trú ẩn ở Pristina, thủ phủ của Kosovo, và muốn trở về nhà. Rotaru nói: “Đây là một trong những trường hợp khiến tôi muốn nhảy cẫng lên vì sung sướng”.


Và những kẻ buôn người...


Rotaru khởi đầu công việc tại IOM với vai trò một trợ lý văn phòng, và bà giờ đây vẫn làm công việc đặt ăn trưa hàng ngày, thu tiền, gọi cho cửa hàng ăn, chuyển thức ăn. Tôi hỏi xem liệu bà có kế hoạch trở thành một nhà tâm lý học sau khi kết thúc việc học tập của mình không.


“Không”, bà nói. “Mọi người ai cũng là một nhà tâm lý học ngây thơ. Tôi nghĩ năm tới tôi sẽ học kinh doanh – thạc sĩ quản trị kinh doanh. Tôi giỏi trong khâu tổ chức công việc”.


Một tập hồ sơ dày cộp trên bàn của Rotaru có chứa bản photo ảnh hộ chiếu của một người đàn ông. Bà nói: “Đây là một gã đã bán rất nhiều phụ nữ từ Transnistria sang Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất. Hắn bị bắt ở Dubai. Bà lật giở các bản fax giấy thông hành, tất cả đều có hình của cùng một người đàn ông, nhưng với những cái tên khác nhau.


“Hắn vẫn làm công việc đó à?”


Rotaru bĩu môi. “Có nghĩa lý gì đâu”, bà nói. “Bạn bè hắn vẫn làm công việc đó”.


Moldavia là một “đất nước nguồn” quan trọng nhưng khác với Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, mặc dù thường được nói đến như trung tâm của hoạt động buôn người, song nước này dường như không có một băng đảng mafia buôn người quyền lực nào. (Thật khó mà nói chắc được, do tình trạng thực thi luật pháp kém hiệu quả nơi đây). Hầu hết những người Moldavia là nạn nhân của hoạt động buôn người được bán vào những mạng lưới không thuộc Moldavia.

Muôn hình vạn trạng


Buôn người vẫn chủ yếu là một công việc theo chiều ngang ở đầu phía Moldavia – một hệ thống thu thập thô sơ, về cơ bản là vậy, để lấy nguyên liệu thô cho ngành công nghiệp. Mô hình kinh doanh đối với hoạt động buôn người ở Liên Xô cũ đã được Louise Shelley, giáo sư về chính sách công tại Đại học George Mason, miêu tả là một mô hình “nguồn tài nguyên thiên nhiên”, coi những phụ nữ thuần túy như một nguồn lợi nhuận trước mắt, giống như gỗ hay lông thú, cần phải được bán cho các bên trung gian. 

Một mô hình khác, được các nhóm tội phạm có tổ chức của Trung Quốc sử dụng và được Shelley miêu tả là “buôn bán và phát triển”, lại có một tầm nhìn dài hạn hơn. Mô hình này được quản lý khép kín, kiểm soát công việc buôn bán phụ nữ từ khâu tuyển chọn đến khâu quản lý nhà chứa. Nó gây dựng quan hệ với các làng, và cùng chia sẻ lợi nhuận cho các làng này, và có thể được coi là mô hình tương đối ít tàn bạo hơn. Còn có các mô hình khu vực khắc nghiệt hơn, như chế độ nô lệ tình dục thời chiến đã được phát triển ở Balkan vào thập niên 1990 (hay chế độ “đàn bà tiêu khiển” của Nhật Bản trong những năm 30 và 40 thế kỷ XX).


Các tuyến đường và hình mẫu buôn người thường thay đổi. Đối với phụ nữ Moldavia, Balkan vẫn là điểm đến chủ yếu cho đến thời điểm cách đây 6 - 7 năm. Bây giờ, theo La Strada, đó là Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất, đặc biệt là Dubai.

Các phương thức cũng thường thay đổi. Những kẻ buôn người trước kia thường lái xe chở những nạn nhân đang sợ hãi, đôi khi đã bị đánh thuốc mê, qua biên giới trong những côngtenơ bịt kín, hay bắt họ đi bộ qua những khu rừng và dòng sông đóng băng.. Gần đây, chúng nhận thấy việc đi lại bằng máy bay thông thường là một giải pháp an toàn và dễ dàng hơn. Những phụ nữ ít bị đối xử tàn bạo cũng thường trở thành những nguồn kiếm tiền tốt hơn trong công việc bán dâm.


Buôn người “hạnh phúc”?


Những kẻ buôn người cũng đã trở nên tinh vi hơn, ngày càng hướng tới sử dụng cái thủ đoạn được gọi là “buôn người hạnh phúc”. (Các tổ chức chống buôn người phản đối cụm từ này).


Buôn người hạnh phúc liên quan đến một giao kèo kiểu Faust (tên một nhà ảo thuật và giả kim thuật người Đức). Những nạn nhân đã thanh toán hết “những khoản nợ” (do những kẻ ma cô sáng tác ra, được tăng lên một cách bịa đặt bởi “những khoản phạt và những cái được cho là chi phí, và được bồi hoàn đầy đủ, nếu không muốn nói là tăng thêm, với mỗi vụ bán lại) được phép trở về nhà với điều kiện là họ phải đưa một ai đó – hay hai hoặc ba người khác thì càng tốt – để thế vào chỗ họ.


Để cuộc trao đổi này có sức thuyết phục, họ phải đóng kịch là cuộc di cư của bản thân mình rất tốt đẹp. Đôi khi họ có thể thừa nhận rằng họ phải làm công việc mại dâm, nhưng không bao giờ được nói rằng đó là một công việc đê tiện và khổ ải mà trong đó, chẳng hạn, họ không hề được lựa chọn về số lượng khách hàng, phải cung cấp những dịch vụ tình dục nào, hay bao cao su có được sử dụng không...


Các nạn nhân trước đây hóa ra lại là những nhà tuyển trạch hiệu quả. Vì là phụ nữ nên họ thường chiếm được lòng tin dễ dàng hơn nam giới, đặc biệt là khi những đối tượng đó là bạn gái, chị em gái, chị em họ thậm chí con gái của chính họ. Và, sau một vụ “cất nhắc” thành công lên vị trí người tuyển trạch, một số nạn nhân trước đây đã có được những vị trí nhất định trong ngành này, như những chủ buôn người hay má mì. Đây là công việc làm ăn mà họ đã thạo.


Ngựa quen đường cũ


Những nạn nhân buôn người được hồi hương (hay còn gọi là VOT) cũng rất dễ bị “buôn lại”. Họ gần như phải về nhà trong tình trạng nghèo đói và những rắc rối gia đình không thay đổi gì so với trước. Họ biết những con người đó, bao gồm cả những người đã bán họ. Một số người cho rằng, do giờ đây họ đã hiểu được những mối nguy hiểm của việc di cư, nên họ sẽ tránh được chúng vào lần sau. Nhưng nhiều phụ nữ, sau khi đã làm công việc gái mại dâm, dường như tin rằng họ không có khả năng kiếm kế sinh nhai bằng một cách nào khác.


Victor Lutenco, một chuyên gia phòng chống buôn người tại IOM, nói với tôi rằng: “Sẽ rất tốt nếu chúng tôi tìm thấy một nạn nhân trong tình trạng đang đấu tranh quyết liệt chống lại việc bóc lột mình. Bởi vì sau này các nạn nhân thường phát triển những vấn đề tâm lý lớn. Ở một số người phát triển hội chứng Stockholm. Tôi đã chứng kiến một vụ bắt giữ ở Matxcơva, nơi mà nạn nhân cứ khăng khăng cho rằng mình bị còng tay lại với kẻ buôn cô! Một số phụ nữ mắc chứng sợ bất kỳ ai mặc đồng phục, và hoàn toàn lệ thuộc vào tên ma cô quản lý mình”.


Thậm chí ngay tại trung tâm điều trị ở Chisinau, Lutenco nói: “Chúng tôi có một số người được giúp đỡ hồi hương. Nhưng họ lại quen với một mức sống cao hơn tại nước mà họ đến. Điều này đặt ra cho chúng tôi những thách thức mới”.


Thái độ hoài nghi của xã hội đối với tính cả tin và ý đồ thực sự của những cô gái trẻ trở thành nạn nhân cũng là một thách thức. “Đổ lỗi cho nạn nhân là một môn thể thao quốc gia của Moldavia”, một quan chức chống buôn người ở Chisinau nói.


Qua thời gian, vết nhơ này, hay chỉ đơn thuần là mối đe dọa áp chế tinh thần đã khiến một số nạn nhân có xu hướng muốn rời nhà một lần nữa, và đối mặt với nguy cơ bị buôn lại. Nó cũng có tác động làm họ thoái chí trong việc theo kiện chống lại những kẻ đã buôn bán mình.

(Còn nữa)

Thi Thi (Vietimes) dịch từ The New Yorker

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video