Những câu chuyện của thời gian

01/05/2012
Thời gian - có lẽ đó là một trong những điều tuyệt diệu nhất của cuộc sống. Thời gian cùng hoàn cảnh giúp chúng ta hiểu và khám phá được những khả năng tiềm ẩn của bản thân. Thời gian cũng giúp chúng ta có thể nhìn lại quá khứ bằng con mắt của hiện tại, chiêm nghiệm những gì mình đã làm được, chưa làm được, để cố gắng hơn... Còn với những nữ TNXP - những người đã sẵn sàng dâng hiến tuổi thanh xuân của mình để đi theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc, thời gian còn là nguồn động lực giúp họ vượt qua khó khăn, gian khổ, viết nên câu chuyện cuộc đời...

Ký ức không thể quên...

Cách đây 40 năm về trước, khi đó Nguyễn Thị Hoài Thục (thị xã Phú Thọ) còn là một thiếu nữ 18 tràn đầy nhựa sống, tình yêu, lòng nhiệt huyết. Trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh loạn lạc, chia cắt hai miền..., cô quyết tâm đem sức trẻ cống hiến cho quê hương, đất nước, hăng hái viết đơn xin gia nhập quân ngũ. Không đủ cân nặng để vượt qua vòng kiểm tra sức khỏe đi bộ đội, theo lời kêu gọi, cô tham gia vào lực lượng TNXP, cùng đơn vị N247 hành quân vào Quỳnh Lưu, Nghệ An thực hiện nhiệm vụ san lấp hố bom, thông đường cho ô tô chở vũ khí, quân, đạn dược vào chiến trường...

Xuất thân trong gia đình dân nghèo thành thị, tuy cuộc sống còn khó khăn, vất vả nhưng vẫn khá yên bình; vào đến Nghệ An, sự khốc liệt của chiến tranh dường như vượt ra ngoài sức tưởng tượng của cô. Cô nhớ lại: Mỗi một ngày qua đi, chúng tôi biết mình đã có thêm một ngày để sống. Quân địch không chỉ thả đom bắn phá vào ban ngày, ban đêm, chúng bắn pháo sáng rợp trời thêm vào đó là liên tiếp những đợt pháo kích từ ngoài biển câu vào. Đối mặt với hiểm nguy, kham khổ, có khi hàng tháng trời chỉ ăn lương khô và rau tàu bay nhưng tất cả chúng tôi đều có chung một ý chí: Đã lựa chọn đi theo con đường thanh niên xung phong thì chỉ có tiến, không có lui, cố gắng dùng hết khả năng, công sức hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, đảm bảo cho tuyến giao thông mình phụ trách được an toàn, thông suốt...

Ở Nghệ An từ tháng 5/1972 - 4/1973 cô cùng đơn vị di chuyển vào Quảng Bình, tiếp tục làm nhiệm vụ sửa chữa các đoạn đường hư hỏng ở khu vực huyện Bố Trạch. Đến tháng 10/1973 thì chuyển vào Quảng Trị, sát nhập với đơn vị 559, tham gia làm đường mòn Hồ Chí Minh. Tháng 10/1974, cô phục viên, chuyển ngành về làm hộ lý ở Bệnh viện Đa khoa thị xã Phú Thọ. Nhớ lại quãng thời gian đi tham gia TNXP của mình, cô tâm sự: Dù ngắn ngủi nhưng đó là khoảng thời gian tôi không thể nào quên. Thời gian đó cũng đã cho tôi rất nhiều kỷ niệm. Có lần chúng tôi đi rừng chặt gỗ về làm các bục kê hàng, trong lúc ngồi nghỉ, tôi vô tình ngồi phải thân một con trăn đang nằm ẩn mình trong đám lá khô. Con trăn rùng mình khiến tôi ngã lăn ra đất. Nghĩ lại cảnh con trăn há mồm ngáp ngủ, trườn đi trên lá nghe lào xào, giờ tôi vẫn thấy run run... Một lần khác, khi còn đang ở Nghệ An, tôi cùng các anh, chị em trong đơn vị chạy dồn bắt một phi công của Mỹ nhảy dù. Chiếc dù vừa chạm đất là tất cả mọi người hò nhau bắt giữ viên phi công, tước vũ khí, trói lại và dẫn giải về trụ sở UBND xã. Nhìn tên lính Mỹ to cao, được trang bị từ đầu đến chân ngoan ngoãn giơ tay chịu trói trước những người Việt Nam thấp bé, nhẹ cân chúng tôi đều cảm thấy rất vui sướng, tự hào. Xin lại được chiếc dù, chúng tôi cắt ra chia mỗi người một mảnh nhỏ làm kỷ niệm. Và kỷ niệm đó vẫn theo tôi đến tận bây giờ...

Cũng tham gia TNXP từ khi 18 tuổi, tuy không phục vụ ở các chiến trường miền Nam bom đạn bắn phá ác liệt nhưng nhớ về quãng thời gian tuổi trẻ của mình, trong lòng cô Khổng Thị Đồng (Lâm Thao) lại dâng lên những cảm xúc khó tả... Ngày ấy, sau khi tập trung ở xã Thụy Vân (Việt Trì) học chính trị, cô được chuyển về Đồng Quế (Lập Thạch) làm nhiệm vụ đo đạc rừng. Đến năm 1969, cô về Hà Nội tham gia xây sửa Trường Đoàn Trung ương sau đó chuyển về lâm trường Đồi Dòng (Thanh Sơn) làm đường phục vụ các xe chở gỗ của lâm trường... Xuất thân trong một gia đình thuần nông, cuộc sống vốn lam lũ, vất vả ngay từ khi còn nhỏ nên những công việc phá núi, mở đường không còn là chuyện quá xa lạ với cô. Mặc dù vậy, thân gái dặm trường, từ bé chưa từng một lần xa gia đình, nay đi biền biệt hàng tháng trời, làm việc trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thiếu thốn... đã có những lúc Khổng Thị Đồng lo rằng mình sẽ không hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng với tinh thần, trách nhiệm của một A trưởng, cô đã cũng đồng đội của mình làm đường, đánh tả luy giúp thông suốt cho rất nhiều con đường chỉ với những phương tiện thô sơ như cuốc, xà beng... Sau 3 năm tham gia lực lượng TNXP, đến năm 1971 cô hoàn thành nghĩa vụ trở về quê hương với đôi bàn tay chai sạn, thô ráp, và niềm vinh dự, tự hào đã góp một phần công sức nhỏ bé của mình phục vụ quê hương, đất nước và đặc biệt đã được đứng vào hàng ngũ của Đảng giống như cha và anh của mình...

Có hoàn cảnh khá đặc biệt, sinh ra trong một gia đình địa chủ ở Nam Đàn (Nghệ An), vì nhiều lý do khác nhau, tài sản của gia đình bị phân tán, cô Nguyễn Thị Tuyết theo người anh cả ra Bắc học tập, sinh sống. Theo tiếng gọi của Đoàn thanh niên, năm 1956, cô lên đường đi TNXP, làm ở công trường 12B Hòa Bình - nơi rừng thiêng, nước độc vẫn được truyền tụng với câu ca:

"Thương nhau cho thịt, cho xôi
Ghét nhau đưa đến Kim Bôi, Hòa Bình"

Thương em lao động vất vả, người anh cả của cô đến xin đơn vị cho đón em gái về. Nhưng với tinh thần không ngại khó khăn, gian khổ của một TNXP, trải qua thời gian gắn bó với đơn vị, hiểu rõ ý nghĩa của công việc mình tham gia, cô quyết tâm ở lại. Công trường 12B Hòa Bình hoàn thành, cô chuyển về công trường 24 ở Thanh Sơn (Phú Thọ) tham gia làm đường từ Thu Cúc, Minh Đài đi Tu Vũ (Thanh Thủy)... Cũng từ đó, cuộc đời cô bước sang một bước ngoặt, nơi đây cô đã gặp được người bạn đời của mình và cả hai quyết định sẽ cùng sinh sống, lập nghiệp trên mảnh đất Tổ vua Hùng...
Đến câu chuyện của hiện tại...

Kết thúc quãng thời gian tham gia TNXP với những ký ức, kỷ niệm không thể quên, trở về với cuộc sống hàng ngày, hành trang các cô mang trên vai là tinh thần, ý chí của những người lính đã được tôi luyện qua gian khổ. Hiền thục, đảm đang trong gia đình, trong công việc các cô tận tụy, hết lòng, sẵn sàng đối diện mọi khó khăn... Giờ đây, khi đều ở cái tuổi ngoại ngũ tuần nhưng các cô vẫn không ngơi nghỉ, tích cực tham gia hoạt động xã hội.

Là Chủ tịch Hội Cựu TNXP thị xã Phú Thọ, ngoài việc hoàn thành tốt công việc ở Hội, cô Nguyễn Thị Hòa Thục còn đảm đương các nhiệm vụ: Tổ trưởng tổ phụ nữ, Phó Chủ nhiệm CLB Gia đình hạnh phúc của khu phố, Tổ trưởng tổ cán bộ hưu của Bệnh viện Đa khoa thị xã Phú Thọ... Cùng với đó, cô cùng với người bạn đời chung tay vun đắp, xây dựng cuộc sống gia đình êm ấm, hạnh phúc với hai người con gái ngoan ngoãn, trưởng thành... Còn cô Nguyễn Thị Tuyết dù đã bước sang tuổi 72 nhưng vẫn tích cực tham gia các hoạt động của Hội với vai trò là Chủ tịch Hội Cựu TNXP phường Gia Cẩm (TP Việt Trì).

Cũng như nhiều đồng đội của mình, phát huy tinh thần của những nữ TNXP, trở về quê hương, nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo địa phương, chi bộ, cô Khổng Thị Đồng được tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ, Đội trưởng Đội sản xuất, Chủ tịch Hội Phụ nữ rồi Hội Nông dân xã... Đến năm 2007 sau khi nghỉ chế độ, cô tiếp tục làm Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Lâm Thao. Dù ở cương vị nào cô cũng đều cố gắng, không ngừng trau dồi kỹ năng, kiến thức, rèn luyện bản thân sao cho phù hợp với từng công việc cụ thể. Nhờ vậy, nếu tính cả những bằng khen đã đạt được trong thời gian tham gia TNXP thì cô có một bảng thành tích thật đáng nể: Huy chương Kháng chiến hạng Nhì; Huy chương vì giai cấp Nông dân Việt Nam; Huy chương vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ; Huy hiệu 30 năm, 40 năm tuổi Đảng...

Nhưng đối với các cô, niềm hạnh phúc thực sự không chỉ dừng lại ở những tấm bằng khen, mà với thời gian, các cô đã hiểu được nhiều hơn về ý nghĩa của cuộc sống để càng thêm tự hào về những ngày mình là TNXP.

Theo Báo Phú Thọ

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video