Những bóng hồng đạp sóng ra khơi

15/05/2012
Từ lái thuyền máy, chèo xuồng, thả lưới, câu mực... những người phụ nữ này đều không thua kém bất kì thanh niên trai tráng nào. Đi miết rồi quen, không biết từ lúc nào, họ dường như quên cả việc mình là phụ nữ theo cách nhìn của nhiều người.

Ra khơi từ thuở lên mười

Từ thành phố Tuy Hòa, qua cây cầu Đà Rằng khoảng 4km, chúng tôi tìm về làng biển Đông Tác (phường Phú Lâm, TP Tuy Hòa, Phú Yên), nơi biết bao đời nay người dân chủ yếu bám biển để mưu sinh. Khác với những làng chài mà chúng tôi đặt chân đến, nơi đây, rất nhiều phụ nữ sau những tất bật của việc nội trợ và chăm sóc gia đình, họ lại vác lưới, quay máy, chuẩn bị cùng chồng ra khơi.

Trên bến, mùi tôm cá tanh nồng bao phủ, những chiếc thuyền thúng lật úp nằm san sát trên những doi cát mịn, tiếng người í ới gọi nhau khi những chiếc thuyền cá cập bến. Trong căn nhà tuềnh toàng chỉ có chiếc giường là vừa chỗ ngủ, vừa là bàn học cho đứa trẻ chuẩn bị bước vào lớp 2, chị Nguyễn Thị Kim Ngọc niềm nở: “Nhà thuê từ sau khi cưới đấy! Nói là nhà nhưng nó chỉ có tác dụng duy nhất là che mưa, che nắng thôi”.

Nhìn ra đống lưới cùng chiếc thuyền đã mục nát ngoài sân, chị Ngọc thở dài: “Chiếc thuyền đó theo mình ra khơi từ năm lên 11 tuổi đến giờ. Nghỉ học vì nhà quá nghèo, vậy là theo ba và các anh ra khơi thả lưới. Sóng to, gió lớn, tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào nhưng chẳng ai mảy may quan tâm đến việc đó cả. Trong suy nghĩ của mọi người trong gia đình, thứ duy nhất chúng tôi quan tâm là đi biển có đấnh được cá không? Kiếm được bao nhiêu tiền? Mai mốt có phải mua giạo thiếu nữa không...?”

Dù mới bước sang tuổi 30 nhưng chị Ngọc lại là một trong những người phụ nữ có thâm niên đi biển lâu năm và kinh nghiệm nhất trong làng. Từ lái thuyền máy, chèo xuồng, thả lưới, câu mực... người phụ nữ này đều không thua kém bất cứ người thanh niên trai tráng nào. Thấy chị giỏi giang, không ít thuyền lớn muốn mời chị đi bạn. “Các thuyền lớn rủ mình đi bạn nhiều lắm. Nhanh thì đi một hoặc hai ngày rồi vào bờ, còn laai thì có khi cả tuần ngoài khơi. Đàn ông họ làm được việc gì mình đều làm được hết. Nếu cá chạy đêm, mình cũng thức cùng học thả lưới, khi mệt quá thì lăn ra ngủ ở ngay mạn thuyền. Đi miết rồi quen, không biết từ lúc nào, quên cả việc mình là đàn bà...!”, chị Ngọc chia sẻ.

Sinh ra, lớn lên và trưởng thành nhờ biển, rồi hạnh phúc cũng đến khi chị quyết định kết hôn với một người bạn thuyền cùng làng. Tưởng rằng đây sẽ là cơ hội để chị được “lên bờ” và làm đúng thiên chức của mình. Nhưng, kết hôn rồi hai vợ chồng chị vẫn bám biển để sống. Ngay cả khi có bầu, người phụ nữ có dáng người tròn vo này vẫn quay máy, thả lưới và kéo cá như ... đàn ông.

“Ông xã có động viên ở trên bờ nhưng nhà đã khó khăn mà phải mướn thêm bạn đi biển với ảnh thì coi như hết. Nghĩ vậy nên mình cứ ráng. Tới tháng tới ngày vừa buông lưới, rời thuyền thì sinh em bé. Được hai tháng ở nhà, phần vì chồn chân, phần do thiếu tiền đành phải gửi con cho bà ngoại để ra cảng khiêng cá thuê cho người ta. Tự nhiên thấy thèm biển ghê gớm, thấy nhớ cái cảm giác chòng chành, rồi sướng run người khi “trúng” được mẻ cá lớn”, chị bộc bạch.

Mặc áo phao ra khơi

Lấy chồng từ năm 19 tuổi, trong suy nghĩ của người con gái trẻ lúc đó, chưa bao giờ chị Châu Thị Mai, 49 tuổi nghĩ rằng mình sẽ làm nghề đi biển. 6 đứa con của chị lần lượt ra đời, chồng chị đi biển với thuyền lớn, còn chị ở nhà ngoài công việc buôn cá thì nội trợ và chăm sóc con cái. Nhưng “đi bờ gù (cá ngừ đại dương - PV) bị thua lỗ quá, bán đất, bán thuyền trả nợ cũng không đủ. Hai vợ chồng tìm cách mua chiếc thuyền nhỏ rồi cùng nhau đi biển nuôi 2 đứa con học đại học trong Sài Gòn và 2 đứa đang học trung học”, chị Mai hãnh diện.

Không như chị Ngọc và nhiều người phụ nữ khác trong làng, chị Mai không xuất thân từ nghề biển. Chị vốn rất sợ nước, sợ sóng và tất nhiên cũng không biết bơi. Vậy mà chị nào có “ngán”: “không biết lội (bơi) thì mặc áo phao. Phụ nữ đi biển đã bị người ta chọc (trêu), họ thấy mình mặc áo phao ra khơi thì còn họ khiếp nữa, nhưng lâu dần cũng quen. Những ngày đầu đi biển, say sóng ói đến mật xanh mật vàng, vậy mà khi mình nhìn thấy cá là ham, quên mệt, quên say, quên cả việc mình không biết lội. Đi riết nên quen, bây giờ chỉ còn mặc áo phao thôi chứ sóng nước thì tôi không còn sợ nữa”.

Trời mỗi lúc một nắng chói chang, rọi xuống mặt biển vẽ nên vô vàn những tia sáng lấp lánh. Nơi những chiếc thuyền đang neo đậu, chị Mai lại cần mẫn cùng chồng giặt lưới, thu dọn đồ đạc chuẩn bị cho chuyến ra khơi khi màn đêm buông xuống. Cách đó không xa, khi những con thuyền đánh cá ngừ đại dương chuẩn bị cập bến, có người phụ nữ trẻ đang phải bỏ đứa con 2 tháng tuổi ở nhà, lao vào những con thuyền để xin được khiêng cá thuê với giá chỉ 2.500 đồng/con, hy vọng đến xế chiều sẽ có vài chục ngàn mang về mua sữa cho con...

Theo phụ nữ Việt Nam (PD)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video