Những "nữ tướng" trên mặt trận báo chí

18/06/2020
Họ đã và đang là những nữ Tổng biên tập trong vai trò “nữ tướng” điều hành các tờ báo uy tín trong những giai đoạn khác nhau. Nhân kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, những “nữ tướng” trên mặt trận báo chí chia sẻ về những khó khăn thuận lợi trong vai trò thuyền trưởng của mình.
Bà Lê Thị Túy (giữa), nguyên TBT Trần Thị Thu Hằng (phải) và TBT Lê Quỳnh Trang (trái) của báo Phụ nữ Thủ đô Ảnh: P.V

Nhà báo Lê Thị Túy - Nguyên Tổng Biên tập Báo Phụ nữ Thủ đô:
Chèo lái một tờ báo tự chủ kinh tế: Thuyền trưởng phải có tầm nhìn xa

Nhà báo Lê Thị Túy giữ cương vị Tổng biên tập báo Phụ nữ Thủ đô (PNTĐ) từ năm 1989 - 1995. Dù đang ở tuổi "xưa nay hiếm" nhưng bà vẫn còn rất minh mẫn và yêu nghề báo, trăn trở với đời sống báo chí hàng ngày. Bà vẫn luôn cộng tác với báo chí với vai trò là "chuyên gia" giải đáp, tư vấn về các vấn đề xã hội, gia đình, phụ nữ và trẻ em. Từ ngày nghỉ hưu đến nay, bà vẫn học hỏi, cập nhật kiến thức chuyên môn để không lạc hậu với đời sống báo chí hiện đại, cũng như các vấn đề mới nảy sinh trong đời sống xã hội.

Chia sẻ về vai trò của người thuyền trưởng trong việc chèo lái một cơ quan báo chí, từ thực tiễn của báo Phụ nữ Thủ đô trong những năm tháng làm Tổng biên tập, bà Túy cho rằng cái khó của người thuyền trưởng là phải luôn giữ được mục đích tôn chỉ hoạt động và nhiệm vụ làm kinh tế để tờ báo tồn tại, phát triển. Trong thời điểm đất nước bước vào công cuộc đổi mới, báo Phụ nữ Thủ đô là tờ báo đầu tiên tự chủ kinh tế ngay từ những ngày đầu thành lập. Vì thế nhiệm vụ của báo bấy giờ không chỉ thực hiện mục đích tôn chỉ, tuyên truyền các chủ trương đường lối chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, của Thành phố và của Hội LHPN, mà còn phải làm ra kinh tế để đảm bảo đời sống cho cán bộ, phóng viên.

Quan điểm trên cương vị lãnh đạo một tờ báo giới nữ, bà Túy cho rằng điều đầu tiên là phải làm thế nào để tờ báo có chỗ đứng trong lòng độc giả. Và cách duy nhất là lên tiếng đấu tranh bảo vệ lợi ích của họ khi bị xâm hại, cung cấp kiến thức cho họ thực hiện tốt vai trò làm mẹ, làm vợ, giữ hạnh phúc hôn nhân, thực hiện quyền bình đẳng giới. Vì thế, bà đã chỉ đạo thực hiện, đăng tải những vụ việc đấu tranh cho quyền lợi chị em. Thời điểm đó, nhiều vụ việc xâm hại quyền lợi của phụ nữ đã được báo PNTĐ bảo vệ thành công, gây tiếng vang trong làng báo Thủ đô bấy giờ, đẩy số lượng phát hành của báo lên hàng chục vạn bản/kỳ phát hành.

"Tôi luôn xác định rõ đối tượng độc giả chính của báo PNTĐ là chị em phụ nữ. Vì thế, tôi nghĩ cách làm kinh tế xoay quanh việc phục vụ các nhu cầu của chị em. Đó là nhu cầu về được học các kỹ năng làm mẹ, làm vợ, giữ gìn hạnh phúc gia đình, bảo vệ bản thân, phòng chống bạo lực gia đình. Vì vậy, thời điểm đó, Báo PNTĐ đã thành lập Văn phòng Tâm Giao, tư vấn miễn phí các vấn đề về tình yêu, hôn nhân gia đình cho chị em, hội viên phụ nữ, mở các lớp dạy nữ công gia chính, dạy khiêu vũ, dạy võ, dạy cắm hoa, nấu ăn... Thật không ngờ, các lớp học thu hút rất nhiều chị em tới học. Tôi còn nghĩ cách liên kết với một số đơn vị khác để kết hợp mở lớp. Ví dụ như kết hợp với Đại sứ quán Nhật ở Hà Nội mở lớp dạy cắm hoa Nhật Bản. Khóa học đó có phu nhân của ngài đại sứ tham gia. Sau khi tham gia mô hình liên kết đó với báo PNTĐ, phu nhân đại sứ Nhật Bản còn mang “bí kíp” của tôi về áp dụng lại bằng cách mở lớp dạy nấu các món ăn Nhật cho chị em nào yêu thích ẩm thực Nhật Bản. Trên mặt trận báo chí, người tổng biên tập không chỉ chèo lái tờ báo hoạt động hiệu quả, mà còn phải thấu hiểu tâm tư của cán bộ, phóng viên trong tòa soạn, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với họ. Có như vậy mới tạo được sự đoàn kết, gắn bó của tất cả mọi người ngồi chung trên một con thuyền, cùng đưa con thuyền đó vượt qua sóng gió, đi đến thắng lợi" - bà Túy chia sẻ.

Nhà báo Vũ Thị Ánh Hồng - Tổng biên tập báo Hải Quan: 
Áp lực của một nữ tổng biên tập rất lớn

                                                                                                 TBT báo Hải quan Vũ Thị Ánh Hồng (Ảnh: NVCC)

Nhà báo Vũ Thị Ánh Hồng giữ cương vị Tổng biên tập báo Hải Quan từ năm 2011. Với vai trò là “nữ tướng” của tờ báo, nhà báo Vũ Thị Ánh Hồng cho biết, bên cạnh sự thuận lợi tự thân như chăm chỉ, chỉnh chu, giao tiếp nhẹ nhàng thì áp lực của một Tổng biên tập nữ khi điều hành một cơ quan báo chí là rất lớn. Vừa phải quản lý đội ngũ phóng viên sao cho hoạt động đúng tôn chỉ mục đích, giữ vững đạo đức của người làm báo chân chính, vừa phải đảm bảo hoạt động tuyên truyền đa dạng về loại hình, sinh động về cách thể hiện, và quan trọng nhất là đảm bảo nhiệm vụ chính trị của tờ báo. Chưa hết, phụ nữ làm lãnh đạo báo chí còn phải lo con cái, gia đình, đối nội, đối ngoại…Vì thế, theo chị Hồng, nếu nam giới làm lãnh đạo báo vất vả một, thì phụ nữ làm lãnh đạo báo sẽ vất vả gấp đôi, gấp ba. Tuy thế, trong những năm giữ cương vị là người đứng đầu tờ báo, chị Hồng quyết tâm cùng tập thể cán bộ, phóng viên Báo Hải Quan luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, để tờ báo vừa là diễn đàn, vừa là cầu nối giữa người dân, cộng đồng doanh nghiệp và lực lượng hải quan, nhằm thúc đẩy hoạt động kinh tế xuất nhập khẩu của đất nước.

Hiện nay, báo Hải Quan có các ấn phẩm báo in, phát hành 3 số 1 tuần; báo điện tử tiếng Việt 24/7 phát hành từ 2011; báo điện tử tiếng Anh phát hành từ 2016. Những năm gần đây, trên báo điện tử tiếng Việt của báo Hải Quan đã tích hợp các sản phẩm báo chí đa phương tiện, trong đó có bản tin truyền hình, các video và các sản phẩm báo chí hiện đại khác để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của bạn đọc. Với sự phát triển ngày càng lớn mạnh của báo Hải Quan, vai trò “nữ tướng” lại càng chịu nhiều áp lực hơn. Bởi theo chị Hồng, báo Hải Quan không chỉ thực hiện nhiệm vụ chính trị của một tờ báo ngành mà còn vươn ra các lĩnh vực kinh tế, dân sinh khác để phục vụ đông đảo bạn đọc như: du lịch, ô tô, xe máy, đời sống đô thị…Tất cả những vấn đề dân sinh nhiều người quan tâm báo đều khai thác và cung cấp đến bạn đọc một cách nhanh chóng, chính xác và diễn đạt sinh động, dễ hiểu bằng nhiều loại hình báo chí khác nhau. Đây cũng chính là cách để báo Hải Quan đứng được trong lòng bạn đọc cũng như tồn tại trong môi trường báo chí hiện đại hiện nay. Do vậy, áp lực của nữ Tổng biên tập là rất lớn, luôn đòi hỏi phải thân phải tự nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ quản lý thì mới đáp ứng được công việc, hoàn thành vai trò đầu tàu của mình.

Nhà báo Đặng Kim Oanh - TBT Tạp chí Lịch sử Đảng: 

Có hậu phương vững chắc, nhà báo nữ sẽ thăng hoa với nghề

Nhà báo, TS Đặng Kim Oanh trên chuyến tàu công tác ra đảo Trường Sa tháng 5/2019 (Ảnh: NVCC).

Nhà báo, TS Đặng Kim Oanh, Tổng biên tập Tạp chí Lịch sử Đảng là 1 trong 187 nhà báo tiêu biểu của cả nước nhận Bằng khen của Ban Tuyên giáo TW Đảng về thành tích xuất sắc trong công tác báo chí. Chập chững làm nghề từ ngày còn là sinh viên, nữ nhà báo đã có gần 30 năm gắn bó trọn vẹn với tạp chí duy nhất của chuyên ngành Lịch sử Đảng - lĩnh vực được biết đến không những “Khó - Khổ - Khô” mà còn đòi hỏi chuyên môn - nhất là bản lĩnh chính trị và nghiệp vụ vững vàng.

Nhà báo Kim Oanh đã học nghề bằng cách trải qua tất cả vị trí công tác trước khi trở thành TBT, bằng một sự say đắm với nghề. Với chị, thành công của một tờ báo là công sức, trí tuệ của cả tập thể, khâu nào cũng quan trọng, góp phần làm nên giá trị của tờ báo. Chị cho biết có một định kiến giới và định kiến nghề đặt lên đôi tay nhà báo nữ. “Người ta hay nghi ngờ sự thành công của nữ nhà báo, rằng “chắc chắn có sự nâng đỡ hay vấn đề gì đó. Chỉ có người đàn ông thì mới phù hợp với sự thành công ấy”. Theo nhà báo Đặng Kim Oanh, chỉ có một cách phủ nhận sai lầm ấy đó là luôn luôn rèn luyện, đi theo tôn chỉ, mục đích của tờ báo và đạo đức nghề nghiệp, vững những điều đó thì cứ tự tin mà đi. Dù vậy, không tránh khỏi những lúc yếu lòng, mệt mỏi mà nhà báo Kim Oanh từng nghĩ “hay là bỏ nghề”. Thật may mắn, chị luôn có gia đình ở bên và thông cảm cho nghề nghiệp chị đã chọn. “Từ khi làm quản lý, chuyện đi làm thứ 7, Chủ nhật với tôi là thường xuyên. Lúc ấy, áp lực gia đình cũng nặng hơn nhiều. Chẳng còn cách nào khác, mình phải chia sẻ thật lòng với chồng và mong anh hiểu. Nếu mỗi nữ nhà báo đều có hậu phương vững chắc, yên ổn, an toàn, người chồng thật sự tin tưởng, đồng cảm thì sẽ có thành công và thăng hoa với nghề.

Sau gần 30 năm công tác, dù được chuyên tâm với công việc làm báo nhưng nhà báo Kim Oanh cũng cho rằng, có một hạn chế đặt ra là chị phải chấp nhận “bỏ lại” những đam mê khác của mình. Đầu tư “hết công suất” cho làm báo đã hạn chế việc nghiên cứu khoa học, giảng dạy của nữ nhà báo. Đây cũng được cho là khó khăn nhất của các nhà báo công tác tại các tạp chí chuyên ngành.

Giờ đây, làm quản lý nhưng nhà báo Đặng Kim Oanh vẫn “xông” vào từng bài báo – một cách nói vui thể hiện sự tâm huyết khi biên tập bài cho phóng viên. Chị để ý đến từng tin, từng chú thích bài báo. Chị cho rằng, yếu tố quyết định thành công của tờ báo là người biên tập. Nếu biên tập viên không say mê nghề, không có chuyên môn sâu, nghiệp vụ tốt thì sẽ khiến các bài viết không trở nên tròn trịa, thậm chí sai lệch, ảnh hưởng tới quy trình hoàn thiện một tờ báo.

Nhà báo Đặng Kim Oanh từng thực hiện những cuộc phỏng vấn các nhà lãnh đạo của đất nước như: cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, cố Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo, cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhiều đồng chí lãnh đạo và nhà khoa học khác…Không chỉ nhiệt huyết với nghề, nhà báo Đặng Kim Oanh còn có một tình yêu to lớn với Hà Nội. Chị là con gái phố cổ Hàng Đào, đã và đang chủ biên và tham gia nhiều tác phẩm viết về Thủ đô. Những ngày tháng sống hết mình với nghề báo của chị đã được ghi nhận bằng nhiều giải thưởng lớn như: nhiều giải thưởng về tư tưởng Hồ Chí Minh và công tác lãnh đạo của Đảng; Huy chương Vì sự nghiệp Văn hóa thông tin; Bằng khen thành tích xuất sắc đóng góp cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam; Điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh…

Nhà báo Lê Thị Bích Ngọc – Tổng biên tập Báo Lao động Thủ đô:
Nữ Tổng biên tập phải tinh tế và quyết đoán trong quản lý

Nhà báo Lê Thị Bích Ngọc, Tổng biên tập báo Lao động Thủ đô (Ảnh: NVCC)

Nhà báo Lê Thị Bích Ngọc có một phong thái điềm tĩnh nhưng xử lý công việc của tòa soạn thì nhanh chóng và gọn ghẽ. Tinh thần ấy được chị rèn giũa qua hơn 10 năm đảm nhiệm vị trí cao nhất ở hai tờ báo có lượng phát hành và lượt xem báo điện tử thuộc hàng top: Gia đình Việt Nam và Lao động Thủ đô (hiện nay).

Những người trưởng thành từ nghề báo, là thế hệ sống và cống hiến trong thời kỳ huy hoàng của báo giấy như nhà báo Lê Thị Bích Ngọc, đó vừa là thuận lợi, lại vừa có một chút trở ngại khi hòa nhập với làm báo thời công nghệ 4.0. Chị chia sẻ: “Trước đây, khi internet, mạng xã hội chưa phát triển, muốn lấy tin, phỏng vấn, phóng viên phải đến tận nơi, luôn luôn có ý thức ghi chép. Giờ đây, khi thế giới phẳng, chúng ta làm báo ở bất kỳ nơi nào. Đây là lợi thế, nhưng cũng phát sinh sự ì hay thói “làm báo salon” của một bộ phận phóng viên”. Bởi vậy, những lãnh đạo cơ quan báo chí cùng lúc gánh trên vai trách nhiệm kép: vừa thoát khỏi tư duy báo giấy thuần túy, vừa luôn luôn học hỏi, tự làm mới mình để thích ứng với thời cuộc”.

Quản lý một tờ báo của Thủ đô, bảo vệ quyền và lợi ích, nói lên tiếng nói của người lao động Thủ đô, nhà báo Lê Thị Bích Ngọc luôn “đau đáu” tìm cách đưa tờ báo đến gần hơn với bạn đọc cả nước, vượt ra ngoài giới hạn Thủ đô. Tuy nhiên, thách thức của thời đại với báo in nói chung và những khó khăn bất ngờ ập đến – như dịch Covid-19 vừa qua khiến nữ lãnh đạo này càng thêm trăn trở. “Làm gì thì làm, điều tiên quyết là không được để ảnh hưởng đến đời sống, thu nhập và công việc của cán bộ, phóng viên. Có như vậy, anh chị em mới kề vai, sát cánh thật sự với mình, nỗ lực đưa tờ báo phát triển. Muốn vậy, người Tổng biên tập (TBT) phải là đầu tàu, mở rộng hơn nữa các mối quan hệ, tạo sự uy tín bằng các bài viết đa dạng, có chiều sâu, đi tìm sự thật một cách nhân văn, nhanh – nhạy – rộng nhưng không chạy theo giật tít – câu view. Với người đọc, chúng tôi hướng đến mục tiêu: Lấy cái tốt để đẩy lùi cái xấu, đọc báo để thêm lạc quan và yêu cuộc sống hơn”.

Không nằm ngoài cuộc đua làm báo đa phương tiện, báo Lao động Thủ đô liên tục có các cuộc đối thoại trực tuyến giữa người lao động với các ban, ngành, thu hút hàng nghìn lượt xem. Có được điều này, cùng với việc sản xuất tin bài cho báo điện tử dồi dào, trong khi số lượng phóng viên ít ỏi thì việc cả tòa soạn không ăn cơm nhà cả tháng là bình thường. Nhưng bù lại, nữ TBT rất tin tưởng phóng viên, chủ động giao việc và khơi được lòng đam mê, nhiệt huyết làm báo cho mỗi người. Chị cũng là số ít nữ TBT rất thích sự sáng tạo trong công nghệ làm báo, chủ động tìm tòi và sẵn sàng mời thầy về dạy cho phóng viên của mình những kỹ năng mới trong làm báo.

Không bao giờ dừng chân, luôn tìm hướng đi mới là phương châm, và cũng là động lực mỗi ngày của nhà báo Lê Thị Bích Ngọc. Có người chồng cùng làm báo, ở bên động viên và thông cảm, chị như được tiếp thêm lửa nghề. “Làm quản lý một tờ báo, nữ giới buộc phải lấy bớt thời gian dành cho gia đình để bù vào công việc. Buổi sáng, mình phải dậy sớm hơn người khác. Cuối tuần, mình phải tranh thủ để chuẩn bị đồ ăn, thức uống cho cả nhà trong tuần. Nhưng, làm báo là đam mê. Được sống với đam mê, mình thấy thật sự hạnh phúc!”, chị chia sẻ.

Nhà báo Trần Lan Anh - Phó tổng biên tập Báo Nhà báo và Công luận:
Giá trị cốt lõi của lãnh đạo một tờ báo vẫn là cái tâm với tờ báo

Nhà báo Trần Lan Anh - Phó Tổng biên tập Báo Nhà báo và Công luận (Ảnh: NVCC).

Gọi là “nữ tướng” thì to tát quá, tôi chỉ tự nhận mình là một nhà quản lý thôi. Nữ giới làm báo thì mọi người biết rồi, thời điểm nào cũng khó khăn, bây giờ lại càng khó nữa. Tuy nhiên, cũng không chỉ có khó khăn đâu, phụ nữ làm báo, làm quản lý báo chí cũng có nhiều thuận lợi, bền bỉ, kiên trì, đeo bám cũng không kém gì nam giới.

Tại Việt Nam, số nhà báo, phóng viên, biên tập viên là nữ chiếm một số lượng lớn trong các cơ quan báo chí. Các nữ nhà báo ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò và có tiếng nói trong đời sống báo chí hiện nay, đồng thời có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển không ngừng của nền báo chí nước nhà. Với tôi, khi làm quản lý, quy định giới cho chúng ta cái gì, chúng ta cứ tận dụng. Sự mềm dẻo, khéo léo nhưng kiên quyết trong mọi tình huống là yếu tố thuận lợi mà tôi nghĩa rằng đang được các nữ lãnh đạo báo chí sử dụng khá hiệu quả trong công việc của mình.

Công nghệ phát triển tạo ra những thay đổi sâu rộng trên nhiều mặt đời sống kinh tế, xã hội khắp thế giới. Báo chí cũng không nằm ngoài vòng xoáy mãnh liệt này, với vô số những đổi thay, thậm chí có những thời điểm sự thay đổi diễn ra ở tốc độ chóng mặt mà nhiều người khi đã đi qua ngoái lại nhìn vẫn chưa hết sững sờ. Kỷ nguyên số 4.0 đã và đang tạo áp lực để mỗi nhà báo, mỗi cơ quan và loại hình báo chí phải khách quan, thẳng thắn nhìn nhận lại chính mình.

Vì vậy, người quản lý nói chung đều phải thay đổi để thích nghi với những biến chuyển về công nghệ làm báo, cách thức tiếp cận thông tin của công chúng báo chí. Chúng tôi đã từng nhanh, bây giờ phải nhanh hơn nữa. Đã từng quyết đoán, bay giờ phải quyết đoán hơn nữa. Và cái gì chưa biết thì phải học, thậm chí tham khảo cả phóng viên của mình để không bỡ ngỡ với công nghệ làm báo đang thay đổi từng ngày, làm chủ các phương tiện kỹ thuật để có những sản phẩm báo mang tính hiện đại hơn.

Tuy nhiên, vẫn có những giá trị phổ quát không bao giờ mất đi, không bao giờ suy giảm tầm quan trọng: báo chí phải là nơi phát ngôn đáng tin cậy để công chúng tin tưởng. Chỉ khi giữ được những giá trị đó thì báo chí cách mạng mới có thể biến thách thức thành cơ hội và tận dụng tối đa cơ hội đó để phát triển bền vững, bất kể đó là thách thức từ Cách mạng công nghiệp 4.0 hay những cuộc cách mạng kỹ thuật tiếp theo. Cho nên, tôi vẫn nghĩ, dù hiện đại đến đâu, trang bị thế nào, giá trị cốt lõi của lãnh đạo một tờ báo vẫn là cái tâm với tờ báo, với mỗi phóng viên của mình.

Áp lực đổi mới đang buộc những người cầm lái phải có bước đi thận trọng để giải quyết hài hòa câu chuyện làm báo và làm kinh tế báo chí. Thời điểm hiện tại, tự chủ trong báo chí không còn là xu hướng, mà đã trở thành kế hoạch cụ thể “nóng hổi’ đối với từng cơ quan báo chí truyền thông. Bước ra tự chủ đồng nghĩa với đơn vị báo chí cũng giống như doanh nghiệp, làm thế nào để có kinh phí vận hành bộ máy như: chi trả lương, thưởng, nhuận bút, văn phòng phẩm... Một điều khó hơn so với doanh nghiệp và cũng là khó nhất của báo chí bước ra tự chủ, đó chính là định hướng nội dung thông tin, bởi báo chí là công cụ tuyên truyền của Đảng và Nhà nước, là diễn đàn của nhân dân, vì thế không thể vì chuyện tăng doanh thu mà để bị cuốn vào cơn lốc “lá cải hóa”, xa rời tôn chỉ mục đích.

Báo Nhà báo & Công luận cũng vậy thôi. Chúng tôi vừa phải đảm bảo nội dung thông tin chất lượng theo đúng tôn chỉ mục đích, vừa phải xoay xở tự chủ để đảm bảo cuộc sống cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên. Trong bối cảnh hiện nay, đúng là “khó trăm bề”. Nhưng “khó trăm bề” thì vẫn phải tìm ra một lối để đi, để phát triển. Gần hai năm nay, chúng tôi thực hiện mô hình tòa soạn hội tụ, tinh gọn bộ máy, một người làm việc bằng hai. Phát huy tối đa thông tin thời sự trên điện tử, thực hiện thông tin chuyên biệt trên báo in. Thời điểm này, cũng tạm gọi là có thể trang trải được.

https://baophunuthudo.vn/

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video