Những "bông hoa đẹp" trong lực lượng Công an An Giang

17/02/2022
Chỉ chiếm khoảng 5% quân số toàn lực lượng nhưng phụ nữ Công an An Giang vẫn luôn đóng góp công sức quan trọng vào thành tích chung của ngành; đồng thời làm tốt vai trò trọng trách của người phụ nữ trong gia đình.
Thượng úy, bác sĩ Võ Cao Thị Xuân Lam khám sàng lọc cho đồng đội để chuẩn bị tiêm ngừa

Dù ở bất kỳ vị trí công tác nào, các chị vẫn luôn xung kích, đi đầu, vượt khó, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. 

Vào những ngày cuối năm, khi Thiếu tá Bùi Ngọc Hân - cán bộ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh bước vào cao điểm chiến dịch cấp căn cước công dân lần 2 sau mấy tháng ròng tạm ngưng do dịch bệnh hoành hành thì chồng chị - Thiếu tá Nguyễn Thái Bình - Phó Trưởng Công an xã Hòa Bình Thạnh, huyện Châu Thành cũng chuẩn bị cho kế hoạch tăng cường đấu tranh phòng chống tội phạm bảo vệ Tết Nguyên đán Nhâm Dần. "Mấy tháng nay, ổng đâu dám về nhà vì tiếp xúc F0 rồi cách ly suốt, mình chị chạy tới lui cơ quan rồi lo hai đứa nhỏ ở nhà, túi bụi", Thiếu tá Hân vui vẻ chia sẻ. Mấy năm rồi anh chị không được đón Tết cùng gia đình, hai bên nội ngoại đều thấu hiểu, sẻ chia, nhiều khi ông bà còn thu xếp, lặn lội lên thăm con cháu mang theo những món quà quê và không quên động viên nhắc nhở: "Thôi ráng các con, việc nước phải trước việc nhà!".

Thiếu tá Bùi Ngọc Hân trở về nhà với núi công việc không tên

Song hành với nhiệm vụ chuyên môn là công tác phòng chống dịch bệnh và chăm lo an sinh xã hội, cán bộ chiến sĩ Công an là một trong những lực lượng xung kích, đi đầu trên tất cả các lĩnh vực, từ đó nguy cơ lây nhiễm bệnh trong lực lượng là điều khó tránh khỏi. Đây cũng chính là lúc mà các y, bác sĩ bệnh xá Công an tỉnh bước vào cao điểm gay go và khốc liệt hơn.

Thượng úy, bác sĩ Võ Cao Thị Xuân Lam, cán bộ Bệnh xá Công an tỉnh cũng không ngoại lệ, ngày đi lấy mẫu cho anh em, đêm miệt mài với đủ loại báo cáo. Chồng chị đi làm xa và vì dịch bệnh, giãn cách không về được, hậu phương là cô con gái và cậu nhóc mới hơn 1 tuổi đành gửi về nhờ ông bà ngoại trông nom. Mặc dù lo lắng cho sự an toàn của bố mẹ già và thương các con, chị cũng rất hạn chế về thăm nhà. Hai bên gia đình nội ngoại đều truyền thống ngành y nên luôn là điểm tựa tinh thần và là hậu phương vững chắc để chị an tâm, song hành cùng đồng đội ngày đêm kiên cường chiến đấu, động viên anh em tăng cường sức khỏe hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Nếu như hậu phương kề cận của những nữ chiến sĩ Công an đa phần là ông bà nội ngoại, là chồng thì nguồn động viên tinh thần lớn lao giúp Đại úy Phan Hoàng Kim Luyến - cán bộ Phòng Kỹ thuật nghiệp vụ Công an tỉnh vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ lại chính là sự cảm thông, chia sẻ của đồng chí, đồng đội, là bản lĩnh, nghị lực của bản thân và song hành cùng chị là hai đứa con ngoan. Chồng chị mất sau cơn bạo bệnh, ông bà lại ở xa nên một mình chị gồng gánh, chăm lo cả việc nước lẫn việc nhà. Ngày cũng như đêm, hễ vào ca trực, mấy đứa nhỏ cũng lẽo đẽo theo chị vào cơ quan, tự học, tự chơi cho đến khi mẹ xong việc rồi chở về nhà. Mọi năm không có dịch bệnh, Tết đến, hết ca trực mẹ con lại dắt nhau về thăm ông bà.

Tất bật giữ guồng quay công việc và gia đình, không dễ gì gặp được các chị để có được cuộc trò chuyện trọn vẹn. Và bản thân các chị, không ai nhận mình là điển hình mà chỉ là một trong rất nhiều mảnh ghép của phụ nữ Công an nói chung và Công an An Giang nói riêng đang ngày đêm lặng thầm, cống hiến trí tuệ, tâm huyết cho nhiệm vụ của đơn vị.

Dẫu đôi lúc những nỗi trăn trở vì những khoảnh khắc cho gia đình, cho con chưa trọn vì nhiệm vụ chưa tròn... nhưng phụ nữ dường như ai cũng có cách yêu thương, chăm chút mái ấm nhỏ theo cách rất riêng và để làm được điều đó, họ luôn phải cố gắng, nỗ lực gấp nhiều lần để luôn hoàn thành tốt vai trò "tiền tuyến" lẫn "hậu phương", kế thừa và tiếp nối trọng trách "giữ lửa" gia đình như ông bà xưa truyền dạy.

Bích Trâm CAAG

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video