Những điều nên biết khi chăm trẻ ăn dặm

29/09/2014
Khi trẻ bước vào độ tuổi ăn dặm, cho trẻ ăn gì, ăn như thế nào mới đủ chất và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm lại không hề là việc dễ dàng với mẹ trong lúc này

Cho trẻ ăn gì, ăn như thế nào mới đủ chất và đảm bảo vệ sinh.

Quan trọng là thế, nhưng không ít bà mẹ lại thiếu những kiến thức căn bản cần thiết để chuẩn bị thực đơn cho bé. Để giúp bé phát triển tốt trong giai đoạn ăn dặm, bạn cần thuộc một số điều nằm lòng như: Cần cho bé làm quen với món ăn dặm từ ít đến nhiều, từ mịn đến thô, từ loãng đến đặc, từ một nhóm thực phẩm đến đa dạng nhiều nhóm thực phẩm… để giúp bé quen dần, phát triển răng lợi, cơ nhai, men tiêu hóa. Thức ăn dặm cũng cần bổ sung cho bé đủ năng lượng, phải có đầy đủ các nhóm chất đạm (từ thịt, cá, trứng, cua, đậu nành…), tinh bột (gạo, bắp…), chất béo (dầu ăn), chất xơ (từ các loại rau củ quả…), cũng như khoảng 20 vitamin và khoáng chất theo tỉ lệ phù hợp với hướng dẫn của Viện Dinh dưỡng.

Ngay từ tháng thứ 4, nếu bé bú sữa bò thì ta đã có thể cho bé bú sữa pha bằng nước cháo loãng. Mỗi muỗng gạo (loại muỗng cà phê) nửa lít nước nấu sôi trong vòng một tiếng đồng hồ, thêm nước chín vào cho đủ nửa lít dùng để pha sữa cho bé trong ngày. Từ tháng thứ 5 bé có thể bú sữa với một thứ nước cháo đậm đặc hơn (hai muỗng gạo) và ăn thêm bột sữa. Trên thị trường có nhiều loại bột sữa pha chế sẵn, chỉ việc thêm nước chín vào, khuấy đều là xong. Bạn cũng có thể "điều chế" loại bột ấy bằng cách pha một hoặc 2 muỗng bột với khoảng 6 muỗng sữa (180 g), thêm chút muối, chút nước, nấu chừng 20 phút với lửa liu riu là ta đã có ngay một loại thứ bột sữa ngon lành cho bé.

Bột, nước cháo giúp bé mau lên cân và giúp cho sự tiêu hoá sữa mau lẹ hơn, đồng thời cũng tập dần cho bé quen các thức ăn cứng để dễ dứt sữa (bỏ bú) sau này. Ngay từ tháng thứ 4, cơ thể bé đã có đủ các men cần thiết để tiêu hoá chất bột trong bột sữa và cháo. Riêng bột đậu, phải 6 tháng trở lên mới tiêu hoá được. Vì thế không được lạm dụng, thấy bé ăn bột được và khá lên lại cho bé ăn toàn bột, chẳng bao lâu sinh ra bao nhiêu bệnh rắc rối. Sữa vẫn luôn luôn là thức ăn chính của bé trong giai đoạn này. Bé 4 tháng ăn 2 - 3 muỗng bột, bé 5 - 6 tháng ăn 4 - 6 muỗng bột là nhiều. Nên thêm mỡ, dầu vào bột.

Từ tháng thứ 5, bé được ăn thêm rau: cà rốt, khoai bí, rau muống, rau dền, đậu... nấu nhừ, dùng nước pha sữa, rồi dần dần cho ăn luôn cả xác tán nhuyễn, thêm chút muối, hoặc chút sữa, chút đường gì cũng được. Từ tháng thứ 6 cho thêm thịt vào hầm với rau cải như trên, mỗi ngày cho bé ăn một vài muỗng, tuần ăn 3-4 lần thôi.

Cũng trong thời gian này, mỗi tuần cho ăn thêm trứng, chỉ lấy tròng đỏ, ăn tuần 2 lần, mỗi lần khoảng 1/3 đến 1/2 quả trứng là nhiều.

Bé cũng có thể ăn thêm cam, chuối... Nếu bé bú sữa bò từ nhỏ thì có thể cho bé uống nước cam, chanh từ trong tháng vì bé bú sữa bò cần được bổ sung sinh tố C.

Mỗi lần thêm một thức ăn mới, nếu lúc đầu bé tỏ vẻ không ưa thì đừng ép. Kiên nhẫn nhập từ từ cho bé.

Nên cho trẻ ăn cái hay ăn nước?

Nhiều bà mẹ cho rằng nước hầm có nhiều chất bổ, giúp trẻ dễ tiêu hóa và cứng xương. Thực ra, trong nước thịt, nước xương ninh hầm có nhiều nitơ, tuy tạo được hương vị thơm ngon, kích thích sự thèm ăn nhưng lại có rất ít đạm và calci. Còn nước luộc rau, chỉ có một ít vitamin hòa tan trong nước (vitamin C, vitamin B1) với lượng không đáng kể. hơn nữa chỉ cho ăn nước rau sẽ thiếu chất xơ dẫn đến trẻ bị táo bón cũng không hấp thu được thức ăn cũng dẫn đến suy dinh dưỡng. Trong những năm đầu đời, cân nặng và chiều cao của trẻ phát triển rất nhanh. Do vậy, nhu cầu dinh dưỡng tính theo cân nặng của trẻ cao hơn hẳn người lớn. Nếu chỉ luộc hoặc ninh thức ăn rồi lấy nước nấu bột, trẻ sẽ không có đủ dinh dưỡng. Nên cho trẻ ăn cả phần cái bằng cách nghiền, xay hoặc băm nhỏ. Tất cả các thành phần dinh dưỡng như chất đạm, chất béo, calci, phospho, sắt, kẽm... (giúp tạo dựng nên cấu trúc tế bào của các tổ chức và tham gia vào nhiều hoạt động chức năng cơ thể) đều nằm trong phần cái của thức ăn.

Theo Yduocvn.com

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video