Nhức nhối nạn buôn bán phụ nữ ra nước ngoài

21/08/2007
Theo khảo sát của Hội Liên hiệp Phụ nữ Hải Phòng, năm 2005 và 2006, trên địa bàn thành phố có gần 2.500 phụ nữ lấy chồng người Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc. Không ít người trong số đó bị lừa đảo, phải chịu cảnh đầy đọa nơi xứ người, bị bán làm gái mại dâm...

Qua khảo sát gần 300 chị em đến tư vấn tại Hội LHPN thành phố, số phụ nữ kết hôn với người nước ngoài chủ yếu ở khu vực ngoại thành (chiếm 82%), không có việc làm ổn định chiếm 75%, 95% là kết hôn lần đầu. Độ tuổi chênh lệch cô dâu Việt và chú rể ngoại thường từ 20 - 30 tuổi, thậm chí có người chênh nhau 46 tuổi.

Bị giăng bẫy từ chuyện lấy chồng ngoại

Phần lớn họ quen nhau vài ba tháng, ít có sự tìm hiểu kỹ càng mà chỉ thông qua sự giới thiệu của những đường dây môi giới bên ngoài. Cũng có trường hợp các đường dây trực tiếp tuyển chọn cô dâu trong vòng 15 ngày rồi lén lút dẫn thẳng sang nước ngoài kết hôn nơi xứ người.

Phỏng vấn những phụ nữ đến tư vấn đều khẳng định, họ hoàn toàn tự nguyện, các cô gái chỉ cần gửi ảnh, nộp tiền môi giới từ 20 - 30 triệu đồng là có quyền chờ ý kiến đồng ý của chú rể ngoại. Thế nên, nhiều trường hợp khi đã chấp nhận lấy chồng ngoại bị hành hạ thể xác, tinh thần, bị bắt làm nô lệ tình dục, bị lừa bán vào các ổ mại dâm không chịu nổi phải tìm cách trốn về nước, gánh chịu bao ê chề tủi nhục. Tình trạng này khá phổ biến ở một số xã của 2 huyện Thủy Nguyên và Kiến Thụy.

Có trường hợp chú rể người Hàn Quốc về Việt Nam tổ chức đám cưới hẳn hoi rồi quay về nước hẹn đón cô dâu Việt tại quê nội, nhưng cô dâu sang đến quê chồng mới biết mình bị mắc lừa vào đường dây buôn người.

Trong số 240 cô gái của 2 xã Lập Lễ và Hoàng Động (huyện Thủy Nguyên) trốn thoát khỏi "ngục tù" nơi xứ người trở về, chị Đinh Thị Th. (xã Lập Lễ) là điển hình của sự lừa gạt. Chị Th. kể lại, tháng 3, chị nhận được giấy đăng ký kết hôn (qua đường dây môi giới mất 25 triệu đồng) sau đó được bố trí chú rể thật người Hàn Quốc về tổ chức đám cưới.

Tháng 5, chị Th. chia tay gia đình lên đường sang Seoul về quê chồng. Đến xứ người, chị được một phụ nữ Việt Nam đón và sử dụng luôn làm "lao động" cho người nước ngoài. Quá cực khổ khi biết mình bị lừa, tìm mọi cách chị Th. mới quay về với bố mẹ đẻ của mình. Khi gặp Th. tại gia đình, chị vẫn chưa hết bàng hoàng những gì đã xảy ra đối với chị tại Hàn Quốc. Số tiền 25 triệu đồng cũng không đòi được từ người môi giới ở Việt Nam.

Còn chị Vũ Thị L. (xã Đoàn Xá, huyện Kiến Thụy) kể rằng, năm 1985 chị lấy chồng ở quê và đã sinh được một đứa con, nhưng hoàn cảnh quá khó khăn chị được người môi giới dẫn sang Trung Quốc để buôn bán nuôi gia đình. Khi sang đến nơi, người môi giới đưa đến sống ở một gia đình xa lạ rồi trốn biệt luôn. Lúc đó chị L. mới hay đã bị bán làm vợ một người đàn ông đáng tuổi bố mình.

Ban ngày lên rừng lao động, tối về làm vợ người ta. Suốt 10 năm sống trong cảnh đó mà  chị L. không sao thoát nổi. Chỉ đến khi sinh được 2 người con, thấy nặng gánh, gia đình chồng đuổi về Việt Nam mà không một xu dính túi...

Chống buôn bán phụ nữ như thế nào?

Từ những câu chuyện của các phụ nữ bị sa bẫy vào đường dây buôn người, chúng tôi đặt câu hỏi với bà Lê Thu Cúc, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hải Phòng về chống nạn buôn bán phụ nữ như thế nào? Bà Cúc thẳng thắn trao đổi, thật khó tránh khỏi cái bẫy của bọn buôn người.

Vì 2 lý do: Thứ nhất, qua khảo sát 2 năm gần đây có tới gần 2.500 phụ nữ lấy chồng người nước ngoài (chủ yếu Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc) nhưng chỉ có khoảng gần 50% có đăng ký kết hôn. Số còn lại thông qua những đường dây ngầm, lén lút đưa phụ nữ sang nước ngoài bằng con đường bất hợp pháp và thực hiện hành vi buôn bán tại nước ngoài, nên không kiểm soát được. Chỉ khi bị đầy đọa, biết bị lừa, quay về Việt Nam, lúc đó chính quyền, cơ quan chức năng mới hiểu được một phần. Những trường hợp này, chị em không hề khai báo cũng chẳng đến các trung tâm tư vấn nên khó phát hiện, ngăn chặn.

Thứ hai, bản thân nhận thức của chị em còn kém, thấy khó khăn là chạy theo ảo mộng xứ người, nên rất dễ bị dụ dỗ (nhất là chị em phụ nữ nông thôn), bán mình cho kẻ khác. Khi sống trong ảo mộng làm giàu ở nước ngoài họ cứ thế ngấm ngầm tìm đường đi bằng mọi cách, bị mắc lừa cũng là điều dễ hiểu. Như vậy, khó có tổ chức nào ngăn chặn được hành vi của họ.

Với 2 lý do trên, Hội LHPN thành phố đã tích cực hành động theo cách của mình. Hội đã thành lập 6 Câu lạc bộ "Phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em" tại một số xã ở huyện Thủy Nguyên và Kiến Thụy với các thành viên tham gia chủ yếu là những phụ nữ lấy chồng nước ngoài đã trở về nước.

Tất cả em gái mới lớn, phụ nữ được trao đổi về thực trạng buôn bán phụ nữ, trẻ em, thủ đoạn lừa đảo của bọn buôn người, kiến thức pháp luật cần thiết liên quan tới kết hôn với người nước ngoài... Và đặc biệt, tập huấn kiến thức sản xuất kinh doanh, cải thiện cuộc sống gia đình để mọi người bỏ mộng làm giàu nơi xứ người; có ý thức phát hiện những đường dây buôn người cho cơ quan chức năng ngăn chặn, xử lý.

Cùng với việc làm thiết thực trên, Sở Tư pháp thành phố còn đề xuất 3 giải pháp để hạn chế tình trạng lừa gạt sau hôn nhân. Trong đó giải pháp tích cực là tuyên truyền giáo dục chị em phụ nữ vùng nông thôn ý thức cảnh giác với mọi sự cám dỗ, chú trọng yếu tố pháp lý khi tự nguyện kết hôn với người nước ngoài và nhất thiết phải qua các trung tâm tư vấn hôn nhân, không chạy theo các đường dây môi giới bất hợp pháp.

Theo Mạnh Hừng
CAND

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video