Nhức nhối nạn bắt cóc, cướp trẻ em ở Hà Giang

18/12/2007
Nạn bắt cóc, cướp trẻ em từ 1-5 tuổi, thậm chí mới một tháng tuổi đang là vấn đề hết sức nhức nhối ở các xã vùng biên giới của tỉnh Hà Giang. Dã man hơn, trước khi cướp trẻ em, bọn tội phạm còn ra tay giết chết cả cha mẹ, ông bà của các em để bịt đầu mối.

Từ những vụ án đau lòng

Theo báo cáo của các cơ quan chức năng của Bộ đội biên phòng tỉnh Hà Giang, từ năm 1997 đến nay, tình hình buôn bán, bắt cóc trẻ em diễn biến hết sức phức tạp, ngày càng có chiều hướng gia tăng. Qua công tác điều tra, phát hiện và đấu tranh từ năm 2000 đến nay các đồn, trạm biên phòng trong tỉnh đã phát hiện gần 40 trẻ em bị bắt cóc, bị cướp. Tập trung nhiều nhất ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới như: xã Chí Cà, của huyện Xín Mần, Phố Cáo, Phố Là, Xín Cái của huyện Đồng Văn…  Cụ thể, vào lúc 23g ngày 10/12/2006, hai người lạ bịt mặt, mặc quần áo rằn ri, cầm dao nhọn đột nhập vào nhà nằm lẻ loi giữa rừng của vợ chồng anh Vàng Pà Páo, 26 tuổi và Tráng Thị Chúa, 29 tuổi, ở thôn Tróng Lộ, xã Sủng Cháng, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang. Một tên gõ cửa còn tên kia đứng cảnh giới. Khi anh Páo vừa mở cửa liền bị một trong 2 tên cướp đâm liên tiếp bốn nhát dao xuyên ngực, chết tại chỗ. Vợ anh Páo là chị Chúa hoảng sợ tháo chạy ra khỏi nhà liền bị bọn cướp đuổi theo đâm ba nhát vào bụng, ngã gục giữa vườn sắn. Hành sự xong, bọn chúng trùm chăn ôm gọn bé trai Vàng Y Pó chạy ngược qua biên giới. Chị của cháu Pó là Vàng Y Thó thoát nạn vì là con gái, không thuộc diện bọn cướp quan tâm. Sáng thức dậy, không thấy cha mẹ và em đâu, cháu Thó la khóc ầm ĩ, lúc đó dân bản mới hay biết chuyện tang thương của gia đình anh Páo. Hay vào nửa đêm ngày 16/9/2007 tại thôn Xín Chải, xã Phú Lũng, huyện Yên Minh anh Thào Nỏ Páo nghe tiếng động lạ bên nhà của vợ chồng cậu em trai Thào Nỏ Pao liền chạy sang. Vừa lúc đó anh Páo thấy bốn thanh niên lạ mặt đang vác hai đứa con của Pao chạy thục mạng về hướng đường biên giới. Vào nhà anh Páo thấy vợ chồng Pao bị đánh trọng thương. Páo liền chạy lên đỉnh đồi hô hoán để dân bản chạy báo cho đồn Biên phòng Bạch Đích. Ngay lập tức Ban chỉ huy đồn biên phòng Bạch Đích đã cử một tổ biên phòng phối hợp với trạm biên phòng Giàng Văn (Trung Quốc), yêu cầu bạn phối hợp truy bắt đối tượng. Lúc 16 giờ cùng ngày, lực lượng biên phòng Trung Quốc thông báo đã phát hiện bốn đối tượng đi hai xe máy chở hai em bé. Bị truy đuổi, chúng bỏ xe máy chạy tháo thân để lại hai đứa trẻ trong lũng núi. Đó là hai anh em Mua và Vàng, 2 tuổi, con trai của vợ chồng Pao.


Mới đây nhất, sẩm
tối ngày 23/11/2007, có một phụ nữ đến nhà anh Tải Văn Nghiệp, 23 tuổi, dân tộc Nùng, trú tại xã Xín Mần, Hà Giang xin ngủ nhờ. Chị ta tự giới thiệu là Giàng Vùi Sửu, khoảng 40 tuổi, dân tộc Hán, trú tại thị trấn Chín Sang (Trung Quốc). Nửa đêm, lợi dụng lúc gia đình anh Nghiệp ngủ say, người phụ nữ này lẻn dậy bế cậu con trai của anh Nghiệp là cháu Tải Seo Hưng, mới gần 16 tháng tuổi trốn biệt.

 

Đâu là nguyên nhân

Qua công tác điều tra cơ quan chức năng của Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang thì hầu hết các vụ bắt cóc, cướp trẻ em vừa qua chủ yếu là vì mục đích kinh tế. Vì tiền mà những kẻ buôn người đã không từ bỏ một thủ đoạn nào. Bọn chủ mưu thường là những người nước ngoài móc nối với một số phần tử xấu ở địa phương, lợi dụng đêm tối đột nhập vào các gia đình ở xa xóm, bản, dùng vũ khí gậy gộc, dao nhọn để hành hung người nhà, rồi bắt cóc trẻ em. Các cháu bị bắt thường là những cháu trai ở lứa tuổi còn rất nhỏ từ 1- 5 tuổi. Những đối tượng phạm tội chủ yếu do không có việc làm, kinh tế khó khăn, hoặc do nghiện ma túy, nên chúng đã bắt cóc trẻ em bán sang Trung Quốc để lấy tiền. Những người mua trẻ con phần nhiều là do hiếm muộn, hoặc không có con trai nối dõi tông đường nên đã tìm sang Việt Nam gặp các gia đình có nhiều con để xin hoặc mua một đứa con đem về nuôi. Khi không nhận được sự đồng ý cho con, họ sẵn sàng thuê những đối tượng bất hảo sang bắt trộm, hoặc cướp đứa bé. Đại tá Hoàng Văn Đồng, Chính ủy Bộ đội biên phòng tỉnh Hà Giang cho biết: “Hiện tượng này nổi lên hàng loạt trong giai đoạn năm 1995- 2000, rồi lắng xuống và chỉ thực sự bắt đầu trong thời gian một năm trở lại đây. Tuy nhiên, sự khốc liệt và dã man của nó đã đặt ra nhiều dấu hỏi cho hiện tượng bắt cóc trẻ con đem bán một cách đơn thuần. Ngoài hai cháu Thào Mí Mua và Thào Mí Vàng vừa được trao trả, hiện có hàng chục trẻ em bị bắt cóc đã mất tích. Nạn bắt cóc, cướp trẻ em nam đang lan ra các huyện biên giới Hà Giang. Ngày 29/10/2007 đồn Biên phòng Lũng Cú, huyện Đồng Văn vừa ngăn chặn được một vụ cướp trẻ em nam, trước đó ở huyện Mèo Vạc có trẻ em mới một tháng tuổi cũng bị cướp. Có nguồn tin cho rằng đa số các tên cướp trẻ em tại huyện Yên Minh là người ở huyện Ma Li Pho, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Cũng theo nguồn tin từ các cơ quan điều tra của BĐBP, sau khi bị bắt cóc hoặc bị cướp, những đứa trẻ bị kẻ xấu đem qua biên giới bán lại cho người giàu nhưng hiếm muộn con cái tận các vùng nội địa của Trung Quốc. Giá bán trẻ em khá cao, từ 12 triệu đến 20 triệu, 30 triệu đồng tùy thuộc vào sức khỏe, sự nhanh nhẹn, trí thông minh của đứa trẻ”.


Qua tổng kết các vụ án trong thời gian từ năm 2000 trở về trước thấy rằng, hiện tượng đồng bào các dân tộc ở các huyện biên giới của tỉnh Hà Giang đẻ con đem cho, hoặc đem bán diễn ra khá phổ biến. Cuộc sống đồng bào còn rất nghèo khổ, đói ăn, lại đẻ nhiều, đến cả chục đứa con, nên chuyện họ cho hoặc bán vợi con đi cũng là điều dễ hiểu. Những người mua con thường là các hộ dân tộc Dao, Hán ở các xã đối diện biên kia biên giới. Người Dao, người Hán có phong tục nhận con nuôi và coi đứa con nuôi là thần may mắn trong nhà vì vậy có rất nhiều ông bố bà mẹ đã đem con bán cho người Trung Quốc. Bên cạnh đó do nhận thức của bà con các dân tộc còn hạn chế nên đã không nhận thức được việc cho, bán con là vi phạm pháp luật nên họ vẫn nhắm mắt làm bừa. Thậm chí, có trường hợp ở xã Bản Phùng, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang, đã có ông bố đã dắt con đem đổi lấy con trâu trị giá 4 triệu đồng.

Qua nghiên cứu hàng loạt các vụ án bắt cóc, cướp trẻ em diễn ra trên biên giới Hà Giang, chúng tôi nhận thấy rằng, trong mỗi vụ án đều có cả người trong nước và nước ngoài, rồi các vụ án tiếp tục xảy ra ngay cả khi một số đối tượng bị bắt, chứng tỏ, có nhiều đường dây, nhiều nhóm đối tượng và chúng hoạt động có tổ chức chặt chẽ. Trước khi tổ chức gây án, bọn chúng đã có các hoạt động thăm dò rất lâu. Thậm chí, một số tên còn thường xuyên đến nhà của nạn nhân chơi, làm quen, nghiên cứu đường đi nước bước, quy luật sinh hoạt để lên phương án rồi mới hành động. Nhiều khả năng, các đối tượng phạm tội trong nước chỉ là những kẻ tham gia cùng, là các đối tượng chỉ điểm, còn chủ mưu là bọn nước ngoài.

 

Đi tìm lời giải


Để hạn chế tình trạng bắt cóc và cướp trẻ em qua biên giới, thời gian qua các ngành chức năng như Công an, Bộ đội biên phòng đã tổ chức điều tra, khám phá và đưa ra xét xử trước pháp luật hàng chục vụ án, truy tố gần 30 đối tượng có hành vi buôn bán, bắt cóc trẻ em. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2007, Hà Giang đã tiến hành khởi tố 6 vụ gồm 7 đối tượng buôn bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới. Uỷ ban Nhân dântỉnh Hà Giang cũng đã xây dựng phương án bảo vệ xóm, bản, thông qua các mô hình tự quản; tăng cường các hoạt động giáo dục văn hoá, văn nghệ, đạo đức, lối sống, thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam; đẩy mạnh các hoạt động của thanh niên, phụ nữ xóm bản để lồng ghép chương trình gio dục giới tính, gắn liền trch nhiệm quản lý giáo dục con cái của các gia đình, đặc biệt là các gia đình có con nhỏ, phụ nữ độ tuổi từ 16 đến 25; phối hợp chặt chẽ với các đồn trạm công an, biên phòng nước bạn để hai bên cùng phối hợp truy quét các đối tượng cầm đầu, bảo vệ an ninh trật tự khu vực biên giới; tích cực đầu tư phát triển kinh tế-xã hội ở những vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các xã biên giới để xoá đói giảm nghèo, khuyến khích người dân hăng hái tham gia phát triển sản xuất… Theo Trung tá Dương Văn Thịnh, Đồn trưởng đồn biên phòng Bạch Đích cho biết: “Trước hết, cần phải lên danh sách thống kê những trẻ em có nguy cơ cao bị “chiếm đoạt” để có phương án bảo vệ. Ngoài việc tăng cường lực lượng an ninh, công an xuống các địa bàn trọng điểm, cần tăng cường thêm lực lượng “gác cổng” ngày đêm tại các đường mòn dọc biên giới. Lực lượng này gồm công an, biên phòng, dân quân tự vệ. Các đơn vị nghiệp vụ có trách nhiệm hướng dẫn cho các gia đình ở vùng biên các biện pháp đối phó khi có nguy hiểm. Bên cạnh đó, mỗi gia đình cũng cần sắm thêm một số dụng cụ như chiêng, trống, mõ tre, để khi có “biến” thì gõ lên cho dân bản và lực lượng chức năng đến ứng cứu kịp thời. Theo Trung tá Thịnh, những biện pháp trên chỉ là những giải pháp tình thế trước mắt, về lâu dài cần phải chấm dứt cảnh “mỗi nhà một ngọn núi” như hiện nay. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để quy hoạch lại các khu dân cư, dồn tụ các gia đình lại thành từng nhóm, mỗi nhóm ít nhất phải có trên chục hộ để báo tin và ứng cứu khi có “biến”.

Hiện tại, tình trạng bắt cóc trẻ em có dấu hiệu lan ra một số huyện khác của Hà Giang. Các lực lượng chức năng, đặc biệt là Lực lượng Công an và Biên phòng đã nỗ lực hết mình, nhưng bản vắng, đường xa, bọn tội phạm lại quá tàn ác và quỷ quyệt nên tình hình vẫn rất căng thẳng. Đề nghị bà con các dân tộc cần nâng cao tinh thần cảnh giác, khi phát hiện có người lạ xuất hiện tại địa phương cần báo ngay cho các cơ quan chức năng như Công an, bộ đội biên phòng./.

Theo TNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video