Nhiệm vụ 3: Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tạo việc làm tăng thu nhập

01/02/2008
I. Cơ sở xây dựng nhiệm vụ:

Những vấn đề về giảm nghèo, dạy nghề, việc làm của phụ nữ:

- Tỉ lệ hộ nghèo còn cao (14, 75% năm 2007), đặc biệt ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa; nguy cơ tái nghèo lớn.

- Tiếp cận tín dụng của hộ nghèo còn hạn chế: khoảng 1/4 hộ nghèo chưa được tiếp cận nguồn vốn dành cho hộ nghèo.

- Phụ nữ chiếm gần 70% lao động nông nghiệp, nhưng mới có khoảng 1/3 phụ nữ tham gia các khóa khuyến nông.

- Tỷ lệ lao động nữ qua đào tạo mới đạt 20,45%, trong đó đào tạo nghề là 15,46% (năm 2005). Lao động nữ thiếu việc làm do không có tay nghề cao và chiếm 3/4 số công việc không có tay nghề.

- 25% doanh nghiệp do nữ làm chủ, 27% phụ nữ điều hành trong tổng số 2 triệu hộ kinh doanh gia đình. Tuy nhiên còn gặp khó khăn trong tiếp cận tài chính, công nghệ, thị trường, các tổ chức mạng lưới và hệ thống hỗ trợ xã hội. Quá trình hội nhập tạo sức ép cạnh tranh lớn.


2. Những hạn chế trong hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế của Hội LHPN các cấp:

- Hoạt động xoá đói giảm nghèo còn dàn trải, thiếu kế hoạch cụ thể; Chủ yếu giúp vốn, giúp kiến thức, kỹ năng sản xuất còn ít.

- Theo dõi, đánh giá hiệu quả giúp xoá đói giảm nghèo còn hạn chế.

- Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nữ chưa được nhiều.

- Phát triển mạng lưới dạy nghề trong hệ thống Hội gặp nhiều khó khăn. Cán bộ quản lý, giáo viên chuyên trách dạy nghề chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới. Tỷ lệ lao động nữ đào tạo theo chuẩn trình độ từ các Trường/Trung tâm dạy nghề của Hội còn thấp.

- Các chương trình Tín dụng tiết kiệm quy mô nhỏ lẻ, theo nhiều mô hình, cơ chế quản lý khác nhau. Trình độ nghiệp vụ quản lý của cán bộ hạn chế.

- Nghị định 28/2005/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của tổ chức tài chính quy mô nhỏ tại Việt Nam và Nghị định 165/2007/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Nghị định 28/2005/NĐ-CP:

Thuận lợi: Là cơ sở pháp lý quan trọng để Hội LHPN Việt Nam tham gia hoạt động cung cấp dịch vụ tài chính, đặc biệt cho hộ nghèo theo hướng bền vững.

Khó khăn/Thách thức: Vốn, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, mô hình quản lý theo hướng bền vững…

Một số chỉ tiêu quốc gia về xoá đói giảm nghèo và việc làm đến năm 2010

- Giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 22% năm 2005 xuống 10 - 11% năm 2010 (5 năm giảm 50% số hộ nghèo); giảm 50% số hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ.

- 6 triệu lượt hộ nghèo được vay tín dụng ưu đãi; 4,2 triệu lượt hộ nghèo tập huấn về khuyến nông, lâm, ngư.

- Tăng tỷ lệ lao động nữ được đào tạo lên 40%, trong đó đào tạo nghề tăng tương ứng là 26%.

- 50% lao động nữ được tạo việc làm trong tổng số người được tạo việc làm mới.


II. Mục tiêu của nhiệm vụ:

Hỗ trợ phụ nữ chủ động tham gia phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về xoá đói giảm nghèo, việc làm, góp phần xây dựng người phụ nữ Việt nam có tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo.


III. Nội dung trọng tâm của nhiệm vụ

Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp giúp phụ nữ thoát nghèo hiệu quả, bền vững.

Khuyến khích, hỗ trợ phụ nữ phát triển sản xuất, kinh doanh, làm giàu chính đáng.

Tăng cường đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho phụ nữ.

Phát triển bền vững hoạt động tín dụng tiết kiệm của Hội theo Luật định.


IV. Các giải pháp

1. Nội dung trọng tâm 1. Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp giúp phụ nữ thoát nghèo hiệu quả, bền vững

Chỉ tiêu:

- 70% phụ nữ nghèo trở lên được Hội giúp đỡ xoá đói giảm nghèo

+ Tỉnh tỷ lệ hộ nghèo dưới 20%:80% phụ nữ nghèo được giúp

+ Tỉnh tỷ lệ hộ nghèo 20 - <40%:65% phụ nữ nghèo được giúp

+ Tỉnh tỷ lệ hộ nghèo 40 - <50%:50% phụ nữ nghèo được giúp

+ Tỉnh tỷ lệ hộ nghèo trên 50%:30% phụ nữ nghèo được giúp

- 90% trở lên phụ nữ chủ hộ nghèo được giúp đỡ, trong đó 40- 50% thoát nghèo

+ Tỉnh tỷ lệ hộ nghèo dưới 20%:100% phụ nữ chủ hộ nghèo được giúp

+ Tỉnh tỷ lệ hộ nghèo 20 - <40%:85% phụ nữ chủ hộ nghèo được giúp

+ Tỉnh tỷ lệ hộ nghèo 40 - <50%:70% phụ nữ chủ hộ nghèo được giúp

+ Tỉnh tỷ lệ hộ nghèo trên 50%:50% phụ nữ chủ hộ nghèo được giúp

- 100% cơ sở Hội có một trong các hoạt động: nhóm Tín dụng tiết kiệm, các mô hình/hoạt động giúp phụ nữ nghèo, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình.

- Hàng năm 100% tỉnh/thành tăng từ 3 – 5% vốn vay qua các Ngân hàng. Tỷ lệ hoàn trả trên 98%.

- 80% phụ nữ vay vốn qua Hội được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn kiến thức làm ăn.


b. Giải pháp thực hiện nội dung trọng tâm

Giải pháp 1. Xây dựng kế hoạch giúp phụ nữthoát nghèo và chống tái nghèo.

- Thống kê, phân loại hộ nghèo, hộ nghèo do phụ nữ làm chủ. Lập kế hoạch xác định chỉ tiêu, địa chỉ, biện pháp giúp và phân công giúp đỡ; có sổ sách theo dõi kết quả. Chú trọng giúp hộ nghèo do phụ nữ làm chủ.

- Tổ chức đánh giá hiệu quả, tác động hoạt động xoá đói giảm nghèo của Hội.

- Tuyên truyền, nhân rộng các mô hình, điển hình giúp nghèo, giảm nghèo có hiệu quả.

Giải pháp 2. Tiếp tục duy trì các mô hình, phong trào phụ nữ giúp nhau xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế gia đình đi đôi với phát triển các loại hình giúp mới.

- Tiếp tục vận động phụ nữ thực hiện phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, “Ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo”... Vận động phụ nữ, cộng đồng hưởng ứng phong trào “Giúp phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn” phù hợp với điều kiện của địa phương, đơn vị.

- Xây dựng, nhân rộng các loại hình giúp mới, mở rộng các hình thức liên kết, vận động tiết kiệm trong phụ nữ để giúp nhau thoát nghèo.

- Phối hợp các ngành tập trung giúp phụ nữ nghèo vay vốn, ứng dụng khoa học kỹ thuật, học nghề, tạo việc làm.

Giải pháp 3. Tăng cường khai thác các nguồn vốn và quản lý tốt nguồn vốn.

- Tiếp tục vận động, khai thác các nguồn vốn, đặc biệt nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông qua cơ chế phối hợp với các Ngân hàng.

- Thành lập, nâng cao chất lượng nhóm Phụ nữ tín dụng tiết kiệm; tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ tổ, nhóm; xây dựng và áp dụng biểu mẫu sổ sách quản lý phù hợp.


2. Nội dung trọng tâm 2. Khuyến khích, hỗ trợ phụ nữ phát triển sản xuất, kinh doanh, làm giàu chính đáng


a. Chỉ tiêu

- Mỗi tỉnh/thành có ít nhất 01 Câu lạc bộ doanh nhân nữ cấp tỉnh.

- Mỗi tỉnh/thành xây dựng được ít nhất 1 mô hình tổ hợp tác, liên kết sản xuất kinh doanh.


b. Các giải pháp


Giải pháp
1. Nâng cao năng lực hỗ trợ doanh nhân nữ của các cấp Hội

- Xây dựng, thực hiện Định hướng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ giai đoạn 2008 - 2012.

- Nâng cao vai trò điều phối và hiệu quả hỗ trợ doanh nhân nữ của Hội LHPN các cấp thông qua các hoạt động: đào tạo, tập huấn cán bộ Hội; thông tin, kết nối cung cấp dịch vụ, tư vấn phát triển kinh doanh; tổ chức giao lưu, đối thoại, hội chợ, triển lãm, nghiên cứu, đề xuất chính sách…

- Thành lập mới và nâng cao chất lượng hoạt động Câu lạc bộ nữ Doanh nghiệp thông quađào tạo, định hướng hoạt động, cung cấp thông tin/kinh nghiệm, tư vấn...

- Xúc tiến thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ trực thuộc TW Hội nhằm tăng cường đề xuất chính sách, bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp nữ và chia sẻ kinh nghiệm hoạt động trong mạng lưới các Câu lạc bộ doanh nhân nữ trong toàn quốc.

- Tích cực tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế nhằm tạo điều kiện để nữ doanh nhân thiết lập, mở rộng quan hệ, liên kết với các doanh nhân nữ trong khu vực, thế giới và nâng cao năng lực cạnh tranh.

- Cung cấp thông tin, kiến thức, kinh nghiệm quản lý kinh doanh, giới thiệu sản phẩm trên các trang web của Hội.


Giải pháp 2. Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý kinh tế hộ; chuyển giao KHKT; phát triển các ngành nghề phi nông nghiệp cho phụ nữ nông thôn.


- Nâng cao kiến thức, kỹ năng quản lý kinh tế hộ, quản lý doanh nghiệp thông qua chương trình phối hợp với Liên minh hợp tác xã, Chương trình hỗ trợ phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa của Chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, tổ chức quốc tế…

- Tăng cường phối hợp với ngành Nông nghiệp Phát triển nông thôn, Công nghiệp, Liên minh Hợp tác xã, Lao động thương binh xã hội đẩy mạnh hoạt động chuyển giao công nghệ, hướng dẫn ứng dụng khoa học kỹ thuật, dạy các nghề phi nông nghiệp cho phụ nữ nông thôn.


Giải pháp 3. Vận động, khuyến khích phụ nữ tham gia các hình thức, tổ chức kinh tế hợp tác, liên kết sản xuất kinh doanh.

- Liên kết với các ngành, Liên minh Hợp tác xã, doanh nghiệp tại địa phương để phát triển các hình thức tổ hợp tác, liên kết ngành nghề của phụ nữ.

- Tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp Hội và hội viên, phụ nữ về vai trò của kinh tế hợp tác và hợp tác xã.


Giải pháp 4. Động viên, khuyến khích phụ nữ thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi và tôn vinh tài năng nữ trong lĩnh vực kinh tế.


-
Tổ chức các hội nghị biểu dương, tọa đàm gương phụ nữ, doanh nhân nữ, tổ phụ nữ hợp tác, liên kết sản xuất kinh doanh… làm kinh tế giỏi. Xây dựng chuyên mục “Gương phụ nữ làm kinh tế giỏi” trong các chuyên san của Hội và Báo Phụ nữ Việt Nam.


3. Nội dung trọng tâm 3. Tăng cường đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho phụ nữ

Chỉ tiêu:

- Hàng năm các Trường, Trung tâm dạy nghề thuộc hệ thống Hội đào tạo nghề cho 50.000 lao động nữ.

- Thành lập 01 Trường Cao đẳng nghề; 04 Trường trung cấp nghề của Hội. 100% các tỉnh/thành có hoạt động dạy nghề.

- Hàng năm mỗi Trung tâm dạy nghề có 5 cán bộ được tập huấn chuyên môn nghiệp vụ.


b. Các giải pháp

Giải pháp 1. Xây dựng và củng cố mạng lưới dạy nghề thuộc hệ thống Hội

- Xây dựng, thực hiện Đề án Dạy nghề cho phụ nữ giai đoạn 2008 - 2015.

- Huy động các nguồn và phối hợp với các ngành thành lập, củng cố tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động, đào tạo cán bộ các Trường/Trung tâm theo quy định.

- Xây dựng, phát triển chương trình, giáo trình theo nguyên tắc liên thông trình độ trong và ngoài hệ thống.

- Phối hợp với các cơ quan ban/ngành liên quan xây dựng chương trình khung nghề giúp việc gia đình và bổ sung danh mục nghề mới.

- Nghiênn cứu đề xuất cơ chế, chính sách cho các trường/trung tâm thuộc hệ thống Hội.

- Tổ chức Hội nghị chuyên đề, hội thi, giao lưu những điển hình, mô hình làm tốt công tác dạy nghề, giới thiệu việc làm hiệu quả cho phụ nữ
- Thông tin quảng bá hoạt động dạy nghề, giới thiệu việc làm của Hội, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho phụ nữ về dạy nghề, học nghề, định hướng nghề nghiệp.


Giải pháp 2.Tăng cường tổ chức các hoạt động dạy nghề, giới thiệu việc làm cho phụ nữ

- Mở rộng dạy nghề cho phụ nữ theo phương thức: dạy nghề tại Trung tâm, dạy nghề lưu động tại cơ sở gắn với lồng ghép hoạt động Hội.

- Lồng ghép các hoạt động và khai thác nguồn để dạy nghề cho phụ nữ. Tăng cường liên kết với doanh nghiệp để dạy nghề và cung ứng lao động nữ.

- Chú trọng dạy nghề cho phụ nữ nông thôn, nghèo, phụ nữ trung niên, dân tộc,phụ nữ có nguy cơ bị buôn bán, phụ nữ vùng có xu hướng kết hôn với người nước ngoài, vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất…

- Mở chuyên mục “Giới thiệu việc làm” trên Báo Phụ nữ Việt Nam, Thông tin Phụ nữ, trang web của Hội LHPN Việt Nam.


4. Nội dung trọng tâm 4. Phát triển bền vững hoạt động Tín dụng tiết kiệm của Hội theo Luật định


a. Chỉ tiêu

- Xây dựng được Đề án hoạt động Tín dụng tiết kiệm của Hội theo Nghị định 28/2005/NĐ-CP

- Ít nhất có 1 chương trình Tín dụng tiết kiệm cấp TW đủ tiêu chuẩn đăng ký thành lập Tổ chức tài chính vi mô theo Nghị định 28/2005/NĐ-CP.


b. Các giải pháp


Giải pháp 1. Xây dựng, triển khai thống nhất hệ thống quản lý giám sát các chương trình Tín dụng tiết kiệm của Hội

- Xây dựng và ban hành hệ thống quản lý giám sát các chương trình Tín dụng tiết kiệm của Hội (chỉ số đánh giá, mẫu biểu báo cáo theo quy định). Tập huấn, triển khai áp dụng thống nhất trong hệ thống Hội.

- Hội LHPN các cấp báo cáo hoạt động Tín dụng tiết kiệm tại địa phương theo hệ thống giám sát. TW Hội tổng hợp, đánh giá hoạt động của các chương trình.

Giải pháp 2. Đánh giá tổng thể hoạt động Tín dụng tiết kiệm của Hội. Xây dựng mô hình hoạt động TDTK của Hội theo Nghị định 28/2005/NĐ-CP về hoạt động của các TCTCVM.

- Đánh giá tổng thể chương trình, hoạt động TDTK của Hội LHPN các cấp; nghiên cứu, đề xuất mô hình hoạt động TDTK của Hội đáp ứng yêu cầu của Nghị định 28/2005/NĐ-CP NĐ 165/2007/NĐ-CP.

- Xây dựng Đề án thành lập Ngân hàng của Hội LHPN Việt Nam.

- Một số chương trình Tín dụng tiết kiệm có nhu cầu và đủ điều kiện thực hiện đăng ký hoạt động theo Nghị định 28/2005/NĐ-CP.

T.W Hội LHPNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video